Ứng phó với biến động giá xăng dầu: Thanh lọc, lập lại thị trường
Theo các chuyên gia, việc linh hoạt giảm tiếp các loại thuế như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu; cùng với việc có kịch bản ứng phó với biến động của giá dầu sẽ giúp giảm áp lực lạm phát, đảm bảo nguồn cung trong nước khi giá dầu dự báo sẽ còn biến động mạnh.
Công bố nguồn cung
Để giải bài toán xăng dầu hiện nay, trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp xăng dầu lớn khẳng định, việc cần làm nhất lúc này là chỉ ra được vòng luân chuyển nguồn cung xăng dầu trong chuỗi phân phối. Cùng đó, Bộ Công Thương phải thanh lọc được thị trường, rút giấy phép vĩnh viễn với các doanh nghiệp có nhiều vi phạm.
Theo vị này, với thẩm quyền của mình, Bộ Công Thương hoàn toàn có quyền yêu cầu toàn bộ các doanh nghiệp đầu mối hàng ngày nộp số liệu tồn rồi công bố số liệu đó lên trang web của Bộ Công Thương để các thương nhân kinh doanh xăng dầu toàn quốc nắm được. Khi đó, đại lý bán lẻ đặt hàng không được sẽ có kênh phản hồi để Bộ Công Thương, Quản lý thị trường vào kiểm tra, biết ngay nguồn cung đang bị tắc ở đâu.
“Điểm then chốt và quan trọng nhất đối với Bộ Công Thương phải làm bây giờ là thiết lập lại thị trường xăng dầu để đảm bảo tính cạnh tranh, đảm bảo quyền lực quản lý của nhà nước và cơ chế điều hành”.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế
“Bộ Công Thương cần kiểm tra và minh bạch số lượng hàng tồn kho, hàng dự trữ bắt buộc theo quy định tại tất cả các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối từ đầu năm đến nay. Hồi tháng 2, Bộ Công Thương rầm rộ đi kiểm tra nhưng sau đó không rõ vì sao kết luận thanh tra lại không được công bố công khai cho người dân được biết?”, vị này nói.
Tại tọa đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển”, do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, với hoạt động vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm từ 30-40% chi phí khai thác tàu. Nếu tính đầy đủ chi phí logistics thì chi phí vận tải chiếm khoảng 60%. Việc giá dầu và giá nhiên liệu tăng mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành, cũng như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics cùng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, theo đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam, các cơ quan quản lý trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các giải pháp giữ giá nhiên liệu trong nước thông qua giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
“Cơ quan quản lý cần tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm thuế và ổn định giá xăng dầu đến hết quý II/2023 để giúp doanh nghiệp khôi phục và ổn định sản xuất”, ông Trung đề xuất.
Ưu tiên thiết lập lại thị trường
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ thuế các doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) cho rằng cần phải tính rất kỹ việc giảm thuế. Theo ông Phụng, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng nghiên cứu cho thấy không nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, và thuế giá trị gia tăng vì đây là thuế đánh vào tiêu dùng. Hạ thuế này là cấm kỵ với tất cả quốc gia. Chưa kể, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng là hai loại thuế thẩm quyền quyết định, điều chỉnh thuộc Quốc hội và phải chờ trong năm 2023 khi thực hiện sửa luật trình Quốc hội.
“Trước kia chỉ cần giá dầu tăng 1 USD là chúng ta có 1.000 tỷ thu ngân sách. Nhưng bây giờ giá dầu tăng 1 USD chúng ta chỉ thu được đâu đó trên 4 trăm tỷ đồng. Vì vậy không có chuyện giá dầu tăng thì ta được hưởng lợi từ dầu thô. Phương án căn cơ để ứng phó với biến động giá dầu là tăng dự trữ quốc gia và bảo đảm sản xuất của các nhà máy lọc hoá dầu trong nước", ông Phụng nói.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý chính là phải chủ động và linh hoạt hơn trong vấn đề về giảm thuế hay các khoản thu của ngân sách nhà nước đối với xăng dầu. Lúc chúng ta cần giảm thuế nhất, chính là lúc giá xăng dầu tăng vọt nhưng không làm được. Nay giá đã giảm xuống nhiều nên không cần phải áp dụng các biện pháp giảm thuế nữa.
Ông Ánh cho rằng, nhiệm vụ ưu tiên hiện nay chính là cơ quan quản lý nhà nước phải thiết lập lại thị trường xăng dầu, kể cả thị trường bán buôn. Cùng đó, thực hiện điều hành bình ổn giá linh hoạt thông qua các biện pháp như cắt giảm các khoản thu ngân sách hay thuế, phí.