Ứng phó với bất ổn thị trường, ngành dệt may sẵn sàng vươn cao
Sau khi trải qua những tháng đầu năm đầy ảm đạm với sự sụt giảm đơn hàng từ nước ngoài, ngành dệt may Việt Nam đang rục rịch trở lại đường đua quốc tế.
Trở lại đường đua quốc tế trong bối cảnh mới ổn định
Thông tin trên báo Tin Tức, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam nhận định: “Trong thời gian tới, cung – cầu bông trên toàn cầu sẽ duy trì với trạng thái cân bằng, tạo môi trường thuận lợi để giá bông đang giao dịch trên Sở ICE và thị trường hàng thực được ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may”.
Dệt may là ngành công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch đạt 44 tỷ USD trong năm 2022 và chiếm giữ vị trí ngành công nghiệp lớn thứ 5 cả nước. Trong giai đoạn 5 năm (2015 - 2020), ngành liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 17%/năm, cho thấy tiềm năng để phát triển vẫn còn rất lớn và là cơ sở để ngành tiếp tục phát triển trong năm nay.
Tuy vậy, thách thức là điều không thể tránh khỏi và một trong những khó khăn hàng đầu đối với dệt may trong nước chính là việc phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu đầu vào là bông tự nhiên từ nước ngoài. Bất cập hơn chính là việc phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ 1 nước, điều này đã để lại bài học lớn cho các doanh nghiệp trong năm 2022 khi nguồn nhập khẩu bông lớn nhất của nước ta là Mỹ rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh. Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp trong nước đã loay hoay trong việc duy trì nguồn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo hoạt động sản xuất, đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào.
Thời gian qua nguyên liệu là nguyên liệu đầu vào tối quan trọng của ngành dệt may, những biến động của giá bông đóng vai trò không hề nhỏ đến tương lai của ngành công nghiệp lâu năm nói trên. Điển hình, giá bông được giao dịch trên Sở ICE đã trải qua năm 2022 với những rung lắc mạnh mẽ. Có thời điểm giá bật tăng lên mức cao kỷ lục với 157,00 cents/pound, cao nhất kể từ mức đỉnh lịch sử vào năm 2011, rồi ngay sau đó lại tụt xuống mốc 70,00 cents/pound, thấp nhất kể từ tháng 11/2020 khi giá đồng USD ở mức cao nhất trong 20 năm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu bông hàng đầu thế giới đang nghiêm ngặt trong việc thực hiện chính sách Zero Covid, khiến nhu cầu về bông trên toàn cầu rơi vào tình trạng thâm hụt nghiêm trọng, đã kéo giá bông lao dốc thảm hại.
Bước sang năm 2023, tình hình dịch bệnh cũng như lạm phát được kiểm soát phần nào. Trung Quốc đã mở cửa giao thương lại với thế giới, trong khi tốc độ tăng lãi suất của Fed cũng giảm dần từ mức 75 điểm cơ bản ở thời điểm năm 2022 xuống còn 25 điểm cơ bản trong lần điều chỉnh mới nhất vào tuần trước. Điều này, thúc đẩy nhu cầu về bông được khôi phục và đảm bảo sự ổn định về giá. Từ đầu năm đến nay, giá bông chủ yếu dao động trong khoảng 76,00 – 90,00 cents/pound.
Sự hồi phục cũng được thể hiện từ phía nguồn cung, sau những đợt cắt giảm mạnh dự đoán sản lượng bông tại Mỹ do ảnh hưởng từ thời tiết khô hạn kéo dài tại vùng Texas hồi giữa năm 2022, những ước tính gần đây dần ổn định hơn. Theo số liệu mới nhất trong báo cáo cung – cầu nông sản tháng 3, sản lượng bông tại Mỹ đã thoát khỏi mức thấp nhất trong 7 năm và luôn duy trì ở mốc trên 14,5 triệu kiện trong những tháng gần đây. Điều này giúp thị trường xua tan những lo ngại về vấn đề nguồn cung rơi vào tình trạng thiếu hụt trước đó, tạo bước đệm đến sự cân bằng trong cán cân cung – cầu.
Thực tế, sản xuất vải trong nước mới đạt sản lượng 2 tỷ mét/năm, đáp ứng 25-30% nhu cầu của ngành may mặc. Ngành dệt may Việt Nam hiện phụ thuộc tới 60-70% nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều may mắn là Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định FTA, tạo điều kiện cho dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu với thuế suất giảm dần về 0%.
Nhưng để được hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ theo từng FTA, chẳng hạn với CPTPP là quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi", với EVFTA là "từ vải trở đi". Do vậy, nếu không sản xuất được nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ, ngành dệt may sẽ không được hưởng lợi từ các FTA và tiếp tục phải gia công với giá trị gia tăng thấp.
Đặc biệt thời gian gần đây ở một số thị trường hiện nay, khách hàng thay đổi nhận thức từ “thời trang nhanh” sang thời trang bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn. Đặc biệt, họ quan tâm tới việc các chuỗi cung ứng phải được truy soát về tiêu chuẩn lao động, môi trường.
Chiến lược phát triển ngành dệt may cũng định hướng, từ nay đến năm 2030, ngành chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ năm 2030 – 2045, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trước đó đánh giá về tín hiệu thị trường, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Ðức Giang chia sẻ với báo Nhân Dân , trong quý I/2023, số đơn hàng giảm từ 25 đến 27% do sức mua toàn cầu giảm, doanh nghiệp làm hàng gia công chịu áp lực lớn hơn đơn vị làm FOB (mua vật liệu, sản xuất, bán sản phẩm) do không chủ động được thị trường, đầu vào nguyên nhiên liệu,...
Hiện các nhà mua hàng không đặt đơn hàng dài hạn, hàng chục nghìn sản phẩm như trước, họ chỉ đặt đơn hàng ngắn, vài trăm sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng giá trị thấp hơn, đồng thời đa dạng hóa thị trường, mặt hàng nhằm giữ nhịp độ sản xuất, đẩy mạnh tăng trưởng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường cho hay, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ nhận được đơn hàng bằng 70-80% năng lực sản xuất do cầu tiêu dùng giảm, tín hiệu thị trường chưa khả quan. Ðây là giai đoạn mang tính chất ngắn hạn, do đó, giải pháp quan trọng cần xác định đâu là những tài sản cần bảo vệ trong dài hạn.
Ngành dệt may cần giữ vị trí trong chuỗi cung ứng làm sao phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi; phải giữ được đội ngũ lao động có trình độ cao để bảo đảm khi thị trường phục hồi có ngay lực lượng đáp ứng cho yêu cầu của thị trường; tập trung cải thiện năng suất lao động, hiệu quả quản trị, giảm chi phí,… song song với tập trung đổi mới công nghệ tự động hóa giảm sức lao động cũng như số lượng lao động.
Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035
Theo Kinh tế Việt Nam, trước đó Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.
Đối với ngành dệt may, chiến lược đặt kỳ vọng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8 - 7,2%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt 7,5 - 8,0%/năm. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 50 - 52 tỷ USD và năm 2030 đạt 68 - 70 tỷ USD.
Về chiến lược cũng nêu rõ, phát triển công nghiệp thời trang được coi là hướng đi mới. Theo đó, tập trung phát triển các yếu tố về nhân lực thiết kế, cung cấp nguyên liệu, hệ thống sản xuất và phân phối để hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước, tạo cơ sở và nền tảng bền vững cho phát triển công nghiệp thời trang, thị trường thời trang Việt Nam; đồng thời phát triển trung tâm thời trang tại Tp.HCM và Hà Nội.
Chiến lược nhấn mạnh tới việc khuýến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dần chuyển hướng đầu tư từ hình th́ức gia công sang sản xuất theo hình thức cao hơn (FOB - mua nguyên liệu, bán thành phẩm, ODM - tự thiết kế bán hàng, OBM- sở hữu nhãn hàng riêng), xây dựng thương hiệu riêng để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Do đó để mở rộng “cánh cửa” cho ngành dệt may Việt Nam vươn cao, các chính sách cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Rà soát các trung tâm, phòng thí nghiệm chuyên ngành hiện có. Đầu tư nâng cao tiềm lực các trung tâm, phòng thí nghiệm tại các viện nghiên cứu chuyên ngành để có đủ năng lực nghiên cứu, kiểm tra chất lượng sản phẩm được quốc tế công nhận, trong đó chú trọng đến các chỉ tiêu an toàn và sinh thái.
Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ sạch trong ngành dệt may. Ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới giảm tiêu hao năng lượng, nước xả thải nhằm giúp doanh nghiệp bù đắp chi phí đầu tư ban đầu, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Chiến lược nhấn mạnh tới việc quan tâm đến tiêu chuẩn xanh, sạch đối với sản phẩm dệt may ngay từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm.
Các doanh nghiệp may Việt Nam có tính chất gia công lớn, nguyên phụ liệu chiếm khoảng 65% từ nguồn nhập khẩu. Đây là rào cản lớn nhất cho phát triển ngành công nghiệp dệt may hiện nay.
Nguyên liệu là vấn đề nan giải nhất của ngành dệt may bấy lâu nay. Vì vậy, để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ dệt may phát triển, theo Chiến lược, ngành dệt may phấn đấu tỉ lệ nội địa hóa ngành giai đoạn 2021 - 2025 đạt 51% - 55% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 56% - 60%. Để đạt mục tiêu này, cần thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm nguyên, phụ liệu ngành dệt may trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến nay đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng vốn đăng ký của các dự án mới đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 5,9%. Xét theo lĩnh vực kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục dẫn đầu, chiếm 73% tổng vốn đầu tư đăng ký nhưng giảm 25% so cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai. Các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi là các ngành thu hút vốn tăng so với cùng kỳ. Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 1,69 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trúc Chi (t/h)