Ứng phó linh hoạt các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu

Chia sẻ Facebook
20/08/2022 18:15:25

Nhu cầu tiêu dùng của nhiều thị trường đang chững lại bởi người dân thắt chặt chi tiêu vì lạm phát tăng cao.


Chủ động thích ứng diễn biến thị trường xuất khẩu


Lượng nhập khẩu giảm đang là một hiện trạng chung đang diễn ra trên toàn cầu, khi mà nhu cầu tiêu dùng của các thị trường đều chững lại bởi người dân thắt chặt chi tiêu vì lạm phát tăng cao. Nhất là với thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật.

Theo các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, điều này sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, từ cách đây 2 - 3 tháng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã đoán định được tình hình và đã có các giải pháp thích ứng khá nhanh nhạy.

150% là mức tăng trưởng mà Công ty TNHH Thái Minh Long đặt ra trong năm nay. Trước những khó khăn về khan hiếm nguyên liệu tôm đầu vào, họ tăng cường sản xuất sản phẩm tôm giá trị cao.

"Tận dụng cơ hội thị trường chúng tôi đang mở thêm nhà máy mới để chế biến sâu hàng hóa xuất khẩu", ông Trần Văn Diệu - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thái Minh Long cho hay.

Để ứng phó với biến động về tỷ giá, giới chuyên môn cho rằng, các doanh nghiệp thuỷ sản hoàn toàn có thể tìm đến những thị trường có diễn biến tỷ giá ổn định hơn như Nga hay Mexico. Ảnh minh họa.

Cũng theo VASEP, các doanh nghiệp phải linh hoạt với từng thay đổi của các thị trường, từ nay đến cuối năm sản lượng thuỷ sản vào Mỹ có thể sẽ chững lại nhưng với thị trường Nhật, Hàn Quốc vẫn có những cơ hội nhất định.

Bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP. PRO, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhận định: "Phân khúc hàng giá trị gia tăng vẫn được nhà nhập khẩu Nhật Bản ưa chuộng, vì vậy doanh nghiệp vẫn có thể tận dụng cơ hội đó để có thể xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…"

Để ứng phó với biến động về tỷ giá, giới chuyên môn cho rằng, các doanh nghiệp thuỷ sản hoàn toàn có thể tìm đến những thị trường có diễn biến tỷ giá ổn định hơn như Nga hay Mexico.

Riêng với ngành gỗ, trước những khó khăn từ thị trường Hoa Kỳ, nơi tiêu thụ tới 60% các sản phẩm gỗ của Việt Nam, theo các doanh nghiệp đã đến lúc tính đến việc tìm thêm những thị trường mới, sản phẩm mới.


Hàng loạt giải pháp củng cố hoạt động xuất khẩu

Cùng thời điểm này năm trước, những chiếc truyền treo sẽ kín đơn hàng để kịp tiến độ sản xuất xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu nhưng năm nay thưa thớt hơn hẳn. Theo chia sẻ của một doanh nghiệp, hiện tại họ mới chỉ có đơn hàng sơ mi đến hết tháng 10 và số lượng thì cũng chỉ được 70% năng lực sản xuất.

Sẽ khan hiếm đơn hàng trong quý IV là điều mà Công ty May 10 dự đoán khi các khách hàng tại Hoa Kỳ, châu Âu của họ đã tăng nhập khẩu hai con số từ 6 tháng đầu năm, vì thế kịch bản sản xuất của họ hiện nay đã sẵn sàng.

Tận dụng tối đa các FTAS với thị trường xuất khẩu truyền thống cũng như thị trường mà các FTAs mới có hiệu lực, cùng với đó đẩy mạnh xuất khẩu trong khu vực ASEAN cũng được bàn đến.

Ngoài ra các doanh nghiệp phải nâng cao việc quản trị rủi ro, các biện pháp phòng về thương mại để ứng phó với những rào cản phi thuế quan ngày càng nhiều của thị trường xuất khẩu.

Theo chia sẻ của một doanh nghiệp, hiện tại họ mới chỉ có đơn hàng sơ mi đến hết tháng 10 và số lượng thì cũng chỉ được 70% năng lực sản xuất. Ảnh minh họa.


Trước những thách thức rất rõ ràng của thị trường xuất khẩu thời gian tới, trước những nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp Việt Nam và các Bộ, ban ngành liên quan, phát biểu kết luận tại Hội nghị tối 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình thế giới diễn biến phức tạp nên phải có ứng phó linh hoạt trước một thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp lại do yếu tố khách quan.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã nhấn mạnh sẽ phát động một chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu trong thời kỳ mới, giao các bộ ban ngành liên quan nghiên cứu và triển khai ngay. Thủ tướng cũng nhấn mạnh hy vọng qua hội nghị này, nhận thức và hành động sẽ có những chuyển biến tích cực, để hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục mang lại của cải vật chất dồi dào cho đất nước, nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay có thể nói tứ bề đều là khó khăn thách thức. Nhưng đối diện với khó khăn thì buộc các doanh nghiệp phải phát huy sức mạnh nội tại, thay đổi các chiến lược, cũng như thị trường kinh doanh sao cho phù hợp. 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta ký với hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới đang mở ra những cơ hội mới, một vận hội rất khác cho ngành xuất khẩu thời gian trước đây.

Với tiềm năng lớn, lợi thế về sự đa dạng và chất lượng sản phẩm, với nỗ lực của các doanh nghiệp Việt, với sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo và linh hoạt của Chính phủ, không có lý gì, hàng hóa Việt Nam không đến được với nhiều quốc gia và người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Về củng cố thị trường truyền thống, tìm kiếm và xây dựng thêm thị trường mới. Các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đều khẳng định, cần tăng nhận biết và tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên tất cả các thị trường.

Trước chủ trương phải đa dạng hoá thị trường, đa dạng sản phẩm và xây dựng vững chắc thương hiệu hàng hóa Việt Nam, đại diện thương mại các thị trường cho rằng, công tác quảng bá, đào tạo và củng cố nguồn nhân lực tại các thị trường có tiềm năng lớn cần được chú trọng.

Về hoạt động quản lý nhà nước, có ý kiến cho rằng đã đến lúc phải có một chiến dịch thúc đẩy xuất khẩu trong giai đoạn tới, đồng thời với việc xây dựng một chiến lược về xuất khẩu ít nhất cho mỗi 3 đến 5 năm.

Chia sẻ Facebook