Ứng dụng gọi xe tìm mọi cách giữ chân tài xế công nghệ
Giá xăng tăng cao khiến áp lực của tài xế ngày càng nhiều hơn. Các hãng gọi xe tìm mọi cách giữ chân tài xế bằng các chương trình hỗ trợ, giảm chiết khấu khi khó có thể tăng giá dịch vụ.
"Thế khó" của các ứng dụng gọi xe
Giá xăng liên tiếp điều chỉnh tăng từ đầu năm đến nay đã khiến áp lực đối với các tài xế taxi, xe công nghệ ngày càng trở nên lớn hơn. Áp lực gia tăng cũng ảnh hưởng đến quyết định gắn bó với công việc của nhiều người.
Trong bối cảnh giá xăng tiếp tục leo thang, các ứng dụng gọi xe tìm cách giữ chân tài xế bằng các chương trình thưởng chuyến, hỗ trợ thậm chí giảm chiết khấu để giảm áp lực, trong khi không thể tăng giá dịch vụ bởi nó sẽ tác động tới khách hàng.
Sức ép giá xăng tăng khiến hoạt động của đối tác tài xế gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ứng dụng gọi xe không thể tăng giá cước ngay lập tức theo giá xăng vì sẽ ảnh hưởng đến khách hàng
Để hỗ trợ các tài xế, từ 16/6, be tiếp tục giữ mức giảm chiết khấu dịch vụ beCar lên đến 10% tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, đồng thời tiếp tục bổ sung nâng cao các chương trình thưởng hỗ trợ doanh thu cho tài xế be nói chung.
Trong khi đó, Gojek Việt Nam cũng cho biết, hãng đang duy trì nhiều chương trình cho các đối tác tài xế của mình có thể duy trì thu nhập trong bối cảnh hiện nay. Chẳng hạn, chương trình doanh thu tăng thêm 7% được triển khai tại Hà Nội và TP.HCM, sẽ hoàn tiền 7% trên tổng doanh thu tuần kế tiếp cho tài xế GoCar đạt hiệu suất hoạt động.
Hiệu suất hoạt động của đối tác tài xế trong 1 tuần (được đánh giá dựa trên số chuyến đi hoàn thành và thời gian hoạt động) sẽ được xếp hạng và nhận được mức ưu đãi tương ứng là 3%, 5% hoặc 7%.
Chương trình tặng phiếu xăng điện tử cũng được duy trì nhằm hỗ trợ chi phí xăng dầu cho các đối tác tài xế 2 bánh và 4 bánh có hiệu suất hoạt động tốt, để hỗ trợ tài xế an tâm hơn khi hoạt động.
Theo đó, trong mỗi đợt xếp hạng (3 tháng/lần), Gojek sẽ gửi tặng các đối tác tài xế phiếu xăng điện tử có giá trị tương ứng với mức hạng đối tác tài xế đạt được. Mức ưu đãi này sẽ được duy trì trong 3 tháng tiếp theo, cho đến kỳ xét duyệt xếp hạng mới.
Để duy trì và đảm bảo thu nhập cho các tài xế 2 bánh, ứng dụng gọi xe này cũng áp dụng chương trình tính ưu đãi theo từng mức điểm. Theo đó, tại TP.HCM, nếu tổng điểm tích lũy là 60 điểm thì đối tác tài xế sẽ được đảm bảo tổng doanh thu là 360.000 đồng, nếu đạt 95 điểm sẽ nhận được doanh thu 620.000 đồng, và ở mức điểm cao nhất là 110 thì đối tác tài xế sẽ có được doanh thu là 800.000 đồng.
Trong khi đó, tại Hà Nội, mức hỗ tương ứng là từ 200.000 đồng đến 850.000 đồng. Nếu đối tác tài xế đạt được các mức điểm nêu trên, nhưng tổng doanh thu không được như bảng tính của chương trình, Gojek sẽ bù thêm phần tiền còn lại, để đảm bảo doanh thu thực nhận của tài xế đúng với mức của chương trình đưa ra.
Hãng gọi xe lo mất cân bằng cung - cầu
Như ICTnews đã phản ánh, nhiều người dùng cho biết việc gọi xe qua các ứng dụng hiện nay khó hơn khi giá tăng cao và thời gian chờ đợi lâu hơn.
“Hiện nay, nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân trong giai đoạn kinh tế phục hồi sau đại dịch đang tăng cao. Có những thời điểm nhất định trong ngày như các khung giờ cao điểm, khách sẽ gặp đôi chút khó khăn trong việc tìm được tài xế là điều không thể tránh khỏi”, đại diện be thông tin.
Phía Gojek cũng cho biết, tình trạng này xảy ra do cung – cầu đang mất cân bằng trong thời gian cao điểm. Theo đó, đại diện hãng gọi xe chia sẻ, tổng số lượng đối tác tài xế hoạt động trên nền tảng Gojek tăng gần 10% trong tháng 5 - đà tăng này được duy trì trong suốt thời gian kể từ sau Tết.
Đáng lưu ý, số lượng tài xế GoCar tại TP.HCM tăng gần 20% và lượng tài xế được tuyển dụng mới để tăng cường nguồn cung tăng 15%, trong 1 tháng qua. Riêng tại Hà Nội, số lượng tài xế xe 4 bánh mới đăng ký để hoạt động cùng Gojek cũng tăng gấp đôi so với tháng trước.
Về phía người dùng, Gojek cũng ghi nhận nhu cầu đi lại và đặt đồ ăn trực tuyến của người dùng từ sau Tết đến nay liên tục tăng, đặc biệt sau khi Hà Nội và TP. HCM mở cửa các hoạt động kinh doanh và hành chính trong giai đoạn bình thường mới. Tính riêng số lượng đơn hàng hoàn thành trên Gojek, tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi tháng của từng dịch vụ vận chuyển hành khách, giao đồ ăn, giao nhận hàng hóa đều ở mức 2 con số.
Lượng nhu cầu của khách hàng tăng cao đột biến vào một số khung giờ nhất định không tránh khỏi, dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung-cầu cục bộ, chưa kể sự mất cân bằng cung-cầu tại những điểm nóng về giao thông, hoặc trong những điều kiện thời tiết không thuận lợi.