Ùn tắc đăng kiểm, người dân không được phục vụ sao lại còn bị phạt?
Gần 6 tháng trôi qua, ùn tắc ở các Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) vẫn tiếp diễn ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương,… Người dân phải chờ đợi rất lâu hoặc được sắp lịch hẹn đến vài tháng sau mới đến lượt, xe kinh doanh lỡ quá hạn đăng kiểm ra đường sẽ bị Công an giao thông xử phạt hoặc gánh đủ loại chi phí khi xe nằm bãi.
Thời gian qua, Việt Nam có 106 TTĐK phải tạm dừng hoạt động khi các cơ quan chức năng tiến hành điều tra sai phạm. Cho đến hiện tại, vẫn còn 40 trung tâm đóng cửa. Cục Ðăng kiểm Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa 66 trung tâm trở lại hoạt động, nhưng thực tế các trung tâm này mới chỉ hoạt động ở công suất tối thiểu do không đủ nhân lực, tờ Quân đội Nhân dân đưa tin.
Sau gần 6 tháng mệt mỏi, người dân trở thành nạn nhân của việc dịch vụ đăng kiểm không bảo đảm năng lực phục vụ. Tài xế phải tất tả ngược xuôi hết tỉnh này sang tỉnh nọ để tìm nơi đăng kiểm, rồi phải xếp hàng cả đêm để giữ chỗ.
Nhiều phương tiện hết đăng kiểm từ tháng 4/2023 nhưng đặt lịch phải đến tháng 8/2023 mới được tới lượt kiểm định. Trong thời gian chờ đợi đó thì xe phải nằm bãi, vì nếu ra đường là sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt.
Điều này tạo ra nguy cơ là từ việc đứt gãy cung ứng dịch vụ đăng kiểm sẽ dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải, logistics, làm tăng chi phí của nền kinh tế, trong lúc nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, việc phương tiện chưa được đăng kiểm, không đủ điều kiện lưu thông còn dẫn đến những thiệt hại kinh tế rất lớn đối với người dân như mất việc làm, không có thu nhập.
Dịch vụ đăng kiểm là một dịch vụ công. Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định: “Dịch vụ công là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà Nhà nước phải tổ chức thực hiện”.
Như vậy, trách nhiệm khi không bảo đảm được dịch vụ đăng kiểm hoạt động thông suốt hoàn toàn thuộc về Nhà nước chứ không phải lỗi của người dân.
Doanh nghiệp bức xúc vì gánh hàng loạt chi phí, xe thì nằm bãi vì ùn tắc TTĐK
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai cho biết hàng loạt xe đến hạn nhưng chưa thể đăng kiểm ngay, doanh nghiệp không thể đưa phương tiện vận tải vào sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải gánh nhiều khoản chi phí, theo báo Tuổi Trẻ .
Hiện ở Đồng Nai, các trung tâm đăng kiểm đều rơi vào tình trạng quá tải, xe đến hạn đăng kiểm nhưng khi đến đăng ký đều phải bốc phiếu hẹn đến tháng 7/2023.
“Trong khi doanh nghiệp không thể đưa phương tiện vận tải vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phí bảo trì đường bộ, vé đường, lãi suất vay ngân hàng và các chi phí khác vẫn phải chi làm lãng phí các nguồn lực cho doanh nghiệp và toàn xã hội”, ông Hưng nói.
Còn tại Bình Dương, sáng ngày 10/5, nhiều phương tiện vận tải tải trọng lớn đến đăng ký kiểm định tại TTĐK 61-03S hết sức thất vọng khi nhìn thấy thông báo: “Xe khối lượng trên 2,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ đã được phát phiếu hẹn kiểm định hết tháng 7/2023. Đợt phát phiếu hẹn tiếp theo cho tháng 8 sẽ tiến hành vào ngày 25/7”, báo Thanh Niên đưa tin.
Ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện Hiệp hội Vận tải Bình Dương cho biết tình trạng không đăng kiểm xe được khiến rất nhiều cá nhân, công ty vận tải thiệt hại rất lớn, thậm chí là có nguy cơ vi phạm hợp đồng vận chuyển và phải đền bù.
Một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cũng thừa nhận: “Trong số 1.750 xe buýt đang hoạt động thì cũng vẫn còn đến 1.300 xe chưa thể kiểm định. Quá tải trong hoạt động kiểm định xe cơ giới đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp khi phương tiện phải nằm một chỗ cả tháng trời.”
Tại TP.HCM, hiện có 15/19 TTĐK đang hoạt động nhưng số chuyền kiểm định có đủ nhân sự để hoạt động chỉ chiếm khoảng 56%. Vì vậy, công suất kiểm định hằng ngày hiện chỉ đáp ứng 50% so với trước.
Tuấn Minh
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải thua lỗ nặng khi xe nằm bãi chờ đăng kiểm
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang thiệt hại lớn khi tình trạng ùn tắc ở Trung tâm Đăng kiểm đến nay chưa được giải quyết, xe nằm bãi không có doanh thu.