Ukraine tuyên bố hạ gục “hàng loạt” lính Nga ở Kherson
“Quân đội Ukraine đang dồn sức phản công chống lại người Nga và đây mới chỉ là bước khởi đầu”, một quan chức của chính quyền Kiev tuyên bố.
Quân đội Ukraine hôm 30/7 tuyên bố đã tiêu diệt hàng loạt binh sĩ Nga và phá hủy 2 bãi tập kết đạn dược trong các cuộc giao tranh ở khu vực Kherson, miền Nam Ukraine, nơi Kiev đang tiến hành một cuộc phản công và là một mắt xích quan trọng trong các tuyến tiếp tế của Moscow.
Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của quân đội Ukraine cho biết, giao thông đường sắt đến Kherson qua sông Dnipro đã bị cắt đứt, có khả năng cô lập thêm các lực lượng Nga ở phía tây con sông khỏi nguồn cung cấp từ bán đảo Crimea và miền Đông.
Ukraine đã sử dụng các hệ thống tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để làm hư hỏng nặng 3 cây cầu bắc qua sông Dnipro trong những tuần gần đây, cô lập thành phố Kherson khỏi các khu vực do Nga kiểm soát. Ttheo đánh giá của các quan chức quốc phòng Anh, điều này khiến Tập đoàn quân số 49 của Nga đóng quân ở bờ Tây sông dễ bị tổn thương.
Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của quân đội Ukraine cho biết trong một tuyên bố: Hơn 100 binh sĩ và 7 xe tăng của Nga đã bị tiêu diệt trong trận giao tranh hôm 29/7 tại khu vực Kherson, đô thị lớn đầu tiên bị quân Nga kiểm soát ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột.
Ông Dmytro Butriy, Thống đốc vùng Kherson của phía Ukraine, cho biết quận Berislav bị ảnh hưởng nặng nề. Berislav nằm bên kia sông về phía tây bắc của nhà máy thủy điện Kakhovka.
“Ở một số ngôi làng, không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn, tất cả cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy, mọi người đang sống trong những căn hầm”, ông Butriy cho biết trên ứng dụng Telegram.
Reuters không thể xác minh độc lập các báo cáo. Theo Reuters, các quan chức chính quyền do Nga bổ nhiệm điều hành vùng Kherson vào đầu tuần này đã bác bỏ các đánh giá của phương Tây và Ukraine về tình hình.
Tranh cãi về vụ tù nhân ở Donbass thiệt mạng
Ở miền Đông Ukraine, Moscow và Kiev tiếp tục tranh cãi gay gắt và cáo buộc lẫn nhau về vụ tấn công hôm 29/7 vào một khu nhà giam trong lãnh thổ do phe ly khai thân Nga kiểm soát ở Donetsk. Vụ việc được cho là đã khiến hàng chục tù binh chiến tranh Ukraine thiệt mạng .
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 40 tù nhân đã thiệt mạng và 75 người bị thương tại nhà tù ở thị trấn tiền tuyến Olenivka do phe ly khai thân Moscow ở Donetsk giam giữ.
Một phát ngôn viên của phe ly khai đưa ra con số thiệt mạng là 53, và cáo buộc Kiev nhắm mục tiêu vào nhà tù bằng tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất.
Ông Pushilin, lãnh đạo khu vực ly khai Donetsk, tuyên bố các lực lượng của Kiev tấn công khu nhà giam vì các tù nhân chiến tranh Ukraine đã bắt đầu cung cấp lời khai.
Các lực lượng vũ trang Ukraine phủ nhận trách nhiệm, cáo buộc ngược lại rằng pháo binh Nga đã nhắm vào nhà tù để hòng che giấu hành vi ngược đãi những người bị giam giữ ở đó. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng Nga đã phạm tội ác chiến tranh và kêu gọi quốc tế lên án.
Các cơ quan an ninh của Ukraine đã yêu cầu Liên Hợp Quốc (LHQ) và Hội Chữ thập đỏ phản ứng ngay lập tức trước cái chết của các tù nhân chiến tranh trong một nhà tù của Nga. Giới chức Ukraine cho biết, 2 tổ chức quốc tế này đã đưa ra lời đảm bảo rằng những người bị giam giữ sẽ được đối xử tốt và họ nên cử các điều tra viên đến nhà tù.
Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đang tìm cách tiếp cận địa điểm này và đã đề nghị giúp sơ tán những người bị thương, ICRC cho biết trong một tuyên bố hôm 29/7.
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, Mỹ chưa có thông tin chính xác về tình huống xảy ra tại nhà tù.
Điện đàm cấp Ngoại trưởng Mỹ - Nga
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 29/7 đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, cuộc điện đàm kéo dài khoảng 25 phút, “không mang tính luận chiến nhưng thiết thực”.
Trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa 2 nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, hai bên đã thảo luận về thỏa thuận do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian để tái khởi động hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới.
Ông Lavrov phàn nàn với ông Blinken rằng Washington đã không thực hiện đúng những lời hứa liên quan đến việc miễn thực phẩm Nga khỏi các lệnh trừng phạt, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Trong khi đó, ông Bliken thúc giục Điện Kremlin chấp nhận “đề xuất quan trọng” mà Washington đưa ra về việc trả tự do cho 2 công dân Mỹ bị giam giữ ở Nga.
Bản tường thuật của Bộ Ngoại giao Nga về cuộc điện đàm đã trích dẫn lời ông Lavrov nói với Blinken rằng, Nga sẽ đạt được tất cả các mục tiêu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” và nói rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài xung đột và làm tăng thêm thương vong.
Tổng thống Zelenskyy: Ukraine đã sẵn sàng xuất khẩu ngũ cốc
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelesnkyy hôm 29/7 đã đến thăm một cảng trên Biển Đen để chứng tỏ đất nước ông đã sẵn sàng bắt đầu xuất khẩu ngũ cốc theo một thỏa thuận đã ký với Nga do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian nhằm làm giảm bớt tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.
Tổng thống Ukraine cũng cho biết, Kiev đang chờ tín hiệu về chuyến hàng đầu tiên.
"Chúng tôi đã sẵn sàng xuất khẩu ngũ cốc Ukraine. Chúng tôi đang chờ tín hiệu từ các đối tác về việc bắt đầu vận chuyển hàng", ông Zelenskyy cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram sau khi cập cảng Chornomorsk gần thành phố cảng Odessa, miền Nam Ukraine.
"Con tàu đầu tiên đang được chất hàng kể từ đầu cuộc xung đột. Đây là tàu của Thổ Nhĩ Kỳ", ông Zelenskyy nói, theo một tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống Ukraine.
Đoạn video quay từ cảng Chornomorsk do Văn phòng Tổng thống Ukraine công bố hôm 29/6 cho thấy ông Zelenskyy đang đứng trước một con tàu có tên Polarnet.
Bắc Macedonia cung cấp cho Ukraine xe tăng Liên Xô
Thành viên mới nhất của NATO là Bắc Macedonia đang bàn giao một số xe tăng chiến đấu từ thời Liên Xô cho Ukraine trong bối cảnh nước này chuẩn bị hiện đại hóa hệ thống phòng thủ phù hợp với các tiêu chuẩn của liên minh, Bộ Quốc phòng Bắc Macedonia cho biết hôm 29/7.
Nếu không chuyển cho Ukraine thì Bắc Macedonia cũng sẽ phải loại bỏ những chiếc xe tăng đó, tuyên bố của Bộ này cho biết.
Bắc Macedonia vẫn còn khoảng 30 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 sản xuất từ thời Liên Xô, nhưng số lượng được giao cho Ukraine không được nêu rõ.
Một đoạn video do hãng thông tấn Makfax (Bắc Macedonia) đăng tải cho thấy một số phương tiện được chất trên xe tải khi đoàn xe di chuyển qua làng Kriva Palanka gần biên giới với Bulgaria.
Liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraine, Bộ Quốc phòng Đức hôm 29/7 cho biết nước này sẽ bàn giao 16 xe tăng bắc cầu (bridgelayer tank) Biber cho Kiev để làm cầu tạm hoặc bắc qua những khu vực bị hư hại, cho phép quân đội và phương tiện quân sự của Ukraine vượt qua các khoảng trống hoặc sông ngòi.
Bộ này cho biết 6 chiếc Biber đầu tiên sẽ được bàn giao trong năm nay, bắt đầu từ mùa thu, và 10 chiếc còn lại sẽ đến Ukraine vào năm sau.
Hungary sẽ sớm có thêm nguồn cung khí đốt từ Nga
Hungary dự kiến sẽ có thêm 700 triệu m3 khí đốt vào mùa hè này nếu một thỏa thuận mới với Nga được ký kết, Thủ tướng Viktor Orbán cho biết hôm 29/7, Politico.eu đưa tin.
Quốc gia Trung Âu hiện đang đứng sau các nước EU khác về lượng tồn kho khí đốt cho mùa đông.
"Chúng tôi đang đàm phán với người Nga... thỏa thuận này có thể được ký kết trong mùa hè, và sau đó chúng tôi sẽ an toàn", ông nói với đài phát thanh nhà nước địa phương. "Hungary sẽ có đủ khí đốt".
Thỏa thuận mới này nằm ngoài thỏa thuận 15 năm với tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, được ký năm ngoái, cung cấp cho Hungary khoảng 4,5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Bình luận của ông Orbán được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó đến thăm Moscow vào tuần trước để thảo luận về một thỏa thuận tiềm năng với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng "yêu cầu (cung cấp thêm khí đốt) của Budapest sẽ được... xem xét ngay lập tức".
Hungary hiện đang bị tụt lại phía sau so với các nước thành viên EU khác về lượng khí đốt trước mùa đông. Dự trữ của đất nước chỉ đầy 50%, so với mức trung bình của toàn khối là 68%.
Quốc gia Trung Âu, vừa là thành viên EU vừa là thành viên NATO, phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Moscow, với khoảng 80% khí đốt của họ đến từ Nga. Họ phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt tiềm năng nào của EU đối với khí đốt Nga .
Minh Đức (Theo Reuters, DW, Al Jazeera, Politico.eu)