Ukraine thừa nhận tên lửa Nga đánh trúng căn cứ quân sự bên ngoài Kiev
Kiev gọi động thái này là hành động trả đũa của Nga trước những nỗ lực phản kháng của người Ukraine.
Lần đầu tiên sau nhiều tuần, hôm 28/7, Nga một lần nữa tấn công tên lửa vào khu vực thủ đô Kiev của Ukraine và vùng Chernihiv ở phía Bắc.
“Đó là một buổi sáng khó khăn. Lại có khủng bố tên lửa. Chúng ta sẽ không bỏ cuộc”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố trên mạng xã hội.
Ngày không bình yên trên hầu khắp Ukraine
Khi cuộc xung đột bước sang ngày thứ 155, Nga tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào các khu vực Kiev và Chernihiv, những khu vực không bị nhắm mục tiêu trong nhiều tuần, trong khi Ukraine tập trung vào việc giành lại một khu vực ở miền Nam đang nằm trong tay Nga.
Ukraine hôm 28/7 thừa nhận các lực lượng của Moscow đã đánh trúng một căn cứ quân sự cách thủ đô Kiev (Kyiv) khoảng 30 km (19 dặm) về phía bắc. Đây là một trong những lần hiếm hoi Ukraine thừa nhận Nga tấn công tên lửa trúng vào cơ sở hạ tầng quân sự của mình.
Thống đốc vùng Kiev Oleksiy Kuleba cho biết, cuộc tấn công khiến 15 người bị thương, trong đó có 5 dân thường.
Ông Kuleba đã liên hệ các cuộc tấn công với ngày lễ quốc gia của Ukraine (Statehood Day) mà Tổng thống Zelenskyy đã khởi xướng năm ngoái và lần đầu tiên Ukraine kỷ niệm ngày này hôm 28/7.
Ông Oleksiy Gromov, một quan chức quân sự cấp cao của Ukraine, nói với các phóng viên rằng các lực lượng Nga đã bắn “6 tên lửa hành trình Kalibr vào một căn cứ quân sự ở Lyutizh” vào lúc 2h giờ GMT (9h giờ Việt Nam). Cuộc tấn công đã phá hủy 1 tòa nhà và làm hư hại 2 tòa nhà khác.
Các quả tên lửa – với một trong số đó đã bị phòng không Ukraine bắn hạ - được khai hỏa từ bán đảo Crimea, ông Gromov cho biết thêm.
Vị quan chức Ukraine cũng báo cáo các cuộc tấn công vào khu vực Chernihiv ở miền Bắc Ukraine, với đạn pháo được bắn từ nước láng giềng Belarus, một đồng minh của Moscow, đồng thời cho biết thêm rằng đã có “tổn thất” trong quân đội Ukraine.
Ở miền Đông, các lực lượng Nga đang cố gắng tiến về Siversk và Bakhmut - những thành phố trong khu vực công nghiệp Donbass mà Moscow đang cố gắng đánh chiếm, ông Gromov thông tin. Ông nói: “Tình hình ở đó khó khăn nhưng hoàn toàn trong tầm kiểm soát”.
Tại khu vực Kherson mà Nga đã kiểm soát ngay từ đầu cuộc chiến, các lực lượng Ukraine đã tái chiếm 3 ngôi làng trong 2 tuần qua, ông Gromov bổ sung.
Thời gian gần đây Ukraine đã công khai tuyên bố ý định tiến hành một cuộc phản công nhằm giành lại Kherson.
Truyền thông Ukraine dẫn lời ông Oleksiy Arestovych, Cố vấn Tổng thống Ukraine, cho biết các lực lượng của Kiev đang lên kế hoạch cô lập quân đội Nga ở Kherson và cho họ 3 lựa chọn: Rút lui, Đầu hàng hoặc Bị tiêu diệt.
Tình báo Anh đánh giá rằng Ukraine đã sử dụng hiệu quả loại pháo tầm xa mới do phương Tây cung cấp để làm hư hại và vô hiệu hóa ít nhất 3 trong số các cây cầu bắc qua sông Dnipro mà Nga phải dựa vào để tiếp tế cho các lực lượng của mình.
Bản đánh giá tình báo hàng ngày của Bộ Quốc phòng Anh hôm 28/7 cho biết, thành phố Kherson “hiện gần như bị cô lập khỏi các vùng lãnh thổ khác do Nga kiểm soát”.
Trong khi đó, giới lãnh đạo thân Nga ở Kherson phủ nhận các vụ tấn công cầu đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp trong thành phố, cho biết thêm rằng các lực lượng của họ sẽ sử dụng các cách khác để vượt qua các khu vực có cầu bị hư hỏng, bao gồm cả cầu phao và phà.
Ở miền Trung, cuộc tấn công tên lửa vào một trường hàng không ở thành phố Kropyvnytskyi thuộc vùng Kirovohrad đã khiến 5 người thiệt mạng, 25 người bị thương và gây thiệt hại cho 2 máy bay dân sự và 1 máy bay AN-26.
Ông Andriy Raikovych, Thống đốc vùng Kirovohrad, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 28/7 rằng 2 tên lửa đã tấn công nhà chứa máy bay tại Đại học Hàng không Quốc gia vào khoảng 9h20 giờ GMT (16h20 giờ Việt Nam).
Reuters không thể xác minh các báo cáo. Nga cũng chưa đưa ra bình luận nào về các báo cáo trên.
Ở Kharkiv, Thị trưởng Igor Terekhov cho biết, thành phố lớn thứ hai của Ukraine ở phía đông bắc tỉnh Kharkiv đã bị pháo kích 2 lần trong đêm bằng tên lửa S-300, dẫn đến các vụ hỏa hoạn.
“Chúng tôi có 9 quận nội thành và tất cả đều đang bị ném bom với cường độ khác nhau và vào những thời điểm khác nhau. Vì vậy, có thể nói hiện không nơi nào ở Kharkiv là an toàn”, ông Terekhov nói với AFP.
Kharkiv, thủ đô thời Liên Xô của Ukraine, đã bị bao vây ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc xung đột toàn diện và là trọng tâm chính trong chiến dịch quân sự của Nga ở quốc gia Đông Âu.
Ở khu vực Mykolaiv, miền Nam Ukraine, Thống đốc Vitaliy Kim cho biết, 1 người bị thương và 1 tòa nhà trong trường học bị phá hủy sau trận pháo kích “trên diện rộng” đêm qua.
Ở chiều ngược lại, các nhà chức trách ly khai thân Nga ở Donetsk, miền Đông Ukraine, hôm 28/7 cáo buộc các lực lượng Ukraine đã pháo kích nhiều lần vào thành phố Donetsk.
Theo một thông báo được đăng trên Telegram của phe ly khai, các cuộc pháo kích từ 8h sáng ngày 27/7 đến 8h sáng ngày 28/7 (giờ địa phương) đã khiến 4 người thiệt mạng và 11 người bị thương.
Thành phố Donetsk do phe ly khai thân Nga kiểm soát kể từ năm 2014, trong khi các lực lượng Ukraine tiếp tục giữ các vị trí ở ngoại ô thành phố.
Điện Kremlin: Thông tin báo Mỹ đưa về thương vong của Nga ở Ukraine là giả
Điện Kremlin hôm 28/7 lên tiếng bác bỏ thông tin các tờ báo Mỹ trích dẫn về thương vong trong quân đội Nga ở Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Xét cho cùng, đây không phải là dữ liệu của chính phủ Mỹ, mà là các công bố trên báo chí”.
“Trong thời đại của chúng ta, ngay cả những tờ báo uy tín nhất cũng không ngần ngại phát tán tin giả. Thật không may, hoạt động này đang ngày càng phổ biến”, ông Peskov bổ sung.
Bình luận của người phát ngôn Điện Kremlin được đưa ra không lâu sau khi báo The New York Times của Mỹ đưa tin về con số thương vong khủng khiếp của quân đội Nga trong chiến dịch ở Ukraine, theo hãng tin Interfax.
Ngoài The New York Times, Đài CNN của Mỹ cũng đã đưa tin rằng hơn 75.000 lính Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương (ở Ukraine), dẫn lời nhà lập pháp đảng Dân chủ Elissa Slotkin, người trước đó đã tham dự một cuộc họp giao ban bí mật của chính phủ Mỹ.
Hôm 28/7, người phát ngôn Điện Kremlin cũng xác nhận rằng Nga đang đàm phán với Mỹ về khả năng trao đổi tù nhân, nhưng “chưa có thỏa thuận nào trong lĩnh vực này”.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đã đưa ra “đề xuất quan trọng” với Moscow về việc trả tự do cho ngôi sao bóng rổ Brittney Griner và cựu lính thủy đánh bộ Paul Whelan, nhưng từ chối xác nhận thông tin rằng Mỹ đang đề nghị trao đổi tay lái buôn vũ khí khét tiếng của Nga là Victor Bout với 2 công dân Mỹ.
Trong một diễn biến quan trọng, hôm 28/7, ông Blinken cho biết, ông sẽ có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov “trong những ngày tới”. Nếu cuộc điện đàm thực sự diễn ra, đây sẽ là cuộc điện đàm đầu tiên giữa 2 nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2.
Ukraine bổ nhiệm công tố viên chống tham nhũng
Ukraine hôm 28/7 đã chỉ định điều tra viên giàu kinh nghiệm Oleksandr Klymenko làm người đứng đầu Văn phòng Công tố chuyên trách về chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) khi quốc gia Đông Âu tìm kiếm tư cách thành viên EU.
Ông Klymenko được bổ nhiệm sau một quá trình lựa chọn dài kể từ khi người tiền nhiệm từ chức gần 2 năm trước. Trước đây ông từng làm việc cho cục chống tham nhũng quốc gia.
Tổng thống Zelenskyy cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng, quyết định quan trọng đầu tiên của Tổng công tố Andriy Kostin, người vừa được ông chọn giữ chức vụ này hôm 27/7, là ký bổ nhiệm ông Oleksandr Klymenko, một điều tra viên giàu kinh nghiệm, theo Reuters.
“Cuộc chiến chống tham nhũng là một ưu tiên của nhà nước chúng ta, vì sức hấp dẫn đầu tư và quyền tự do kinh doanh của chúng ta phụ thuộc vào sự thành công của cuộc chiến này”, ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, viết trên Telegram.
EU đã cấp tư cách ứng cử viên cho Ukraine hồi cuối tháng 6, khởi động quy trình dài và phức tạp để Ukraine trở thành thành viên chính thức của khối.
Mặc dù việc Ukraine được cấp tư cách ứng viên EU diễn ra một cách nhanh chóng chưa từng có tiền lệ, EU cho biết các công việc quan trọng vẫn phải được thực hiện, bao gồm cả chống tham nhũng.
Thủ tướng Hungary nói về chiến lược của NATO và hòa bình cho Ukraine
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cho rằng Ukraine không thể đánh bại Nga theo chiến lược hỗ trợ hiện tại của NATO.
“Cuộc chiến dưới hình thức này không thể mang về chiến thắng”, ông Orbán cho biết trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Áo Karl Nehammer tại thủ đô Vienna hôm 28/7.
Cho đến nay, tình hình đã cho thấy chiến lược hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí và huấn luyện của các nước NATO “sẽ không dẫn đến thành công”, ông Orbán giải thích.
Ông cũng cho biết thêm rằng, Liên minh châu Âu (EU) cần “thay đổi chiến lược của mình” trong việc ứng phó với xung đột Nga-Ukraine và tập trung vào các cuộc đàm phán hòa bình và soạn thảo các đề xuất hòa bình hơn là tìm cách giành chiến thắng trên thực địa.
“Nếu không thay đổi chiến lược, sẽ không có hòa bình”, Thủ tướng Hungary nói, cảnh báo rằng, nếu không có hòa bình ở Ukraine, toàn bộ EU sẽ “bị đẩy vào tình trạng chiến tranh” .
Minh Đức (Theo Al Jazeera, TRT World, The Guardian, NBC News)