Ukraine ra đòn tài chính với Nga, Mỹ dự kiến gửi chiến đấu cơ cho Kiev

Chia sẻ Facebook
26/02/2023 14:03:21

Xung đột Nga-Ukraine đã bước sang năm thứ hai mà không có dấu hiệu dừng lại. Thay vào đó, nhiều diễn biến mới vẫn tiếp tục nảy sinh cả về mặt ngoại giao và quân sự.


Ngày 24/2 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Để đánh dấu mốc một năm xung đột Nga-Ukraine, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) hôm 23/2 đã thông qua một nghị quyết, với 141 phiếu thuận, kêu gọi Moscow chấm dứt hành động thù địch và rút quân khỏi quốc gia láng giềng Đông Âu.

Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy đã bác bỏ nghị quyết là “vô ích”, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng đó là “một tín hiệu mạnh mẽ về sự hỗ trợ toàn cầu dành cho Ukraine”.

Cũng để đánh dấu cột mốc quan trọng của cuộc xung đột, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có buổi hội đàm trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 và ông Zelensky, trong đó các biện pháp trừng phạt mới đối với các bên giúp sức cho Nga sẽ được công bố, Nhà Trắng cho biết.

Trong khi đó, trên thực địa, giao tranh vẫn đang diễn ra gay gắt ở Donbass. Trong bản đánh giá hôm 23/2, đơn vị tình báo của Bộ Quốc phòng Anh cho biết, 2 ngày qua đã chứng kiến “giao tranh ác liệt” tại khu vực thành phố trọng điểm của vùng Donetsk là Bakhmut, nơi các quân nhân Ukraine “đang bảo vệ các tuyến đường tiếp tế mở về phía Tây”.

Binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến ở miền Đông, tháng 2/2023. Ảnh: NY Times

Các tuyến tiếp tế vẫn mở bất chấp việc quân Nga ngày càng siết chặt vòng vây đối với Bakhmut, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.

Cụ thể hơn, ông Oleksii Hromov, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết tình hình ở hướng Đông thành phố Bakhmut vẫn “khó khăn nhất” khi các lực lượng Nga vẫn nỗ lực bao vây thành phố này.

Phần lớn các đơn vị pháo binh Nga tập trung ở khu vực Bakhmut, ông Hromov cho biết tại một cuộc họp báo hôm 23/2, nhắc lại rằng cuộc giao tranh khốc liệt đã diễn ra từ 7 tháng nay. “Kể từ đầu tháng 2, đã có hơn 380 cuộc giao tranh với kẻ địch riêng ở khu vực này”, ông Hromov bổ sung.


Vị quan chức Ukraine cũng đánh giá những gì Nga có thể mong muốn đạt được khi phát động một cuộc tấn công mới: Phá vỡ sự chuẩn bị của lực lượng quốc phòng Ukraine cho các hoạt động quân sự ; Phá vỡ nguồn cung cấp vũ khí của đồng minh cho Ukraine; và Bảo vệ hành lang đất liền đến Bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguồn lực của Nga, chẳng hạn như đạn dược cho các hệ thống pháo binh, sẽ hạn chế đáng kể khả năng Moscow đạt được bước tiến trên thực địa, ông Hromov lưu ý.

Trung Quốc công bố giải pháp cho xung đột ở Ukraine

Trung Quốc vừa công bố một tài liệu gồm 12 điểm nêu chi tiết quan điểm của họ về cuộc chiến ở Ukraine, kêu gọi ngừng bắn, “giảm leo thang dần dần” và đàm phán.

Trong bản tài liệu được công bố trực tuyến có tiêu đề “Lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cam kết Trung Quốc sẽ “tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng” trong việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Mỗi điểm được theo sau bởi một đoạn giải thích lập trường của Trung Quốc, nhưng không đưa ra đề xuất cụ thể nào về cách đạt được các điểm đó.

Một số điểm chính trong tài liệu của Trung Quốc gồm: Tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước; Ngừng bắn, ngừng chiến, không để khủng hoảng Ukraine trầm trọng thêm, thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát; Từng bước thúc đẩy giảm leo thang và xoa dịu tình hình và cuối cùng đạt được ngừng bắn toàn diện; Đối thoại, đàm phán là con đường duy nhất giải quyết khủng hoảng Ukraine; Ngăn chặn phổ biến hạt nhân, tránh mọi khủng hoảng hạt nhân; Phản đối bất kỳ biện pháp trừng phạt đơn phương nào không được ủy quyền bởi Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez (phải) trong một cuộc họp báo ở Kiev, ngày 23/2/2023. Ảnh: EPA

Tổng thống Ukraine Zelensky, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ở Kiev hôm 23/2, cho biết rằng chính quyền Ukraine đã gửi yêu cầu gặp gỡ cho Bắc Kinh. Ông Zelensky nói rằng ông chưa xem kế hoạch hòa bình cho Ukraine mà Trung Quốc mới công bố, nhưng biết về nó.

“Nói chung, việc Trung Quốc bắt đầu nói về Ukraine là rất tốt”, ông Zelensky nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá tài liệu này.

Mỹ thảo luận về việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev

Washington đang thảo luận về khả năng cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư hoặc thứ năm. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã nói về điều này trong một cuộc phỏng vấn với báo The Washington Post hôm 23/2. Nhà ngoại giao Mỹ làm rõ rằng quyết định về nguồn cung khả thi sẽ được đưa ra sau khi đánh giá nhu cầu của Kiev.

Ukraine trước đó đã nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu để nước này đẩy lùi bước tiến của quân đội Nga. Và chính quyền của Tổng thống Ukraine Zelensky đang đẩy mạnh chiến dịch vận động phương Tây gửi máy bay phản lực F-16 tới tiền tuyến.

Về vấn đề này, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, máy bay chiến đấu F-16 – loại được Ukraine đích danh yêu cầu – “không phải là khả năng quân sự chính” cho nhu cầu hiện tại của đất nước Đông Âu, đó là phản công đẩy lùi các lực lượng Nga.

“F-16 không phải là câu hỏi cho cuộc chiến ngắn hạn. F-16 là câu hỏi cho sự nghiệp quốc phòng lâu dài của Ukraine, và đó là nội dung cơ bản của cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Zelensky”, ông Sullivan cho biết.

Cho đến nay, ông Biden đã từ chối yêu cầu cung cấp loại khí tài này, và nhà lãnh đạo Mỹ đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: Phải đi bao xa để giúp Kiev giành chiến thắng trong khi tránh đụng độ trực tiếp giữa phương Tây và Nga.

Các máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Ba Lan từ phái bộ Cảnh sát Hàng không Baltic của NATO hoạt động trong không phận Litva, ngày 25/1/2022. Ảnh: The Hill

Trong một diễn biến khác, tại một sự kiện trực tiếp của Đài CNN tối 23/2, đánh dấu mốc một năm xung đột Nga-Ukraine, ông Sullivan thông báo rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 2 tỷ USD hỗ trợ an ninh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét những gì cần thiết và đảm bảo rằng chúng tôi cung cấp những gì cần thiết để Ukraine có những gì họ cần để thành công trên chiến trường”, vị cố vấn Mỹ cho biết.

Người Đức kêu gọi đàm phán hòa bình cho Nga-Ukraine

Hơn 600.000 người Đức đã ký tên thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, kêu gọi Thủ tướng Olaf Scholz dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao để ngừng bắn và đàm phán hòa bình.

Bản kiến nghị, do nhà lập pháp Đảng Cánh tả Sahra Wagenknecht và nhà hoạt động nữ quyền Alice Schwarzer cùng soạn thảo 2 tuần trước, đã thu thập được 607.000 chữ ký tính đến ngày 23/2 trên trang web change.org.

Ông Gunter Verheugen, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu; ông Erich Vad, cựu Thiếu tướng; nhà báo Franz Alt và Gisela Marx; các chính trị gia Oskar Lafontaine và Jurgen Todenhofer, cùng các nhà khoa học chính trị Hajo Funke và Ulrike Guerot nằm trong số những người đầu tiên ký tên vào bản kiến nghị.

“Được hỗ trợ bởi phương Tây, Ukraine có thể giành chiến thắng trong các trận chiến đơn lẻ. Nhưng họ không thể chiến thắng trong cuộc chiến chống lại cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới”, các tác giả viết trong bản kiến nghị và nhấn mạnh rằng “không bên nào có thể thắng về mặt quân sự” và cuộc chiến chỉ có thể kết thúc trên bàn đàm phán.

“Đàm phán không có nghĩa là đầu hàng. Đàm phán có nghĩa là hai bên cùng đưa ra thỏa hiệp để ngăn chặn việc hàng trăm nghìn sinh mạng nữa bị mất và những điều tồi tệ hơn có thể xảy ra”, họ nhấn mạnh.

Bản kiến nghị kêu gọi Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngừng leo thang cung cấp vũ khí cho Ukraine và bắt đầu một sáng kiến ngoại giao để đạt được một lệnh ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt.

“Mỗi ngày trôi qua sẽ tiêu tốn thêm tới cả nghìn sinh mạng con người – và đưa chúng ta đến gần hơn với Thế chiến III”, các tác giả của bản kiến nghị cho biết.

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow, ngày 22/2/2023. Ảnh: The Guardian

Ukraine áp lệnh trừng phạt 50 năm đối với ngành tài chính Nga

Quốc hội Ukraine hôm 23/2 đã áp đặt lệnh trừng phạt kéo dài 50 năm đối với các tổ chức tài chính của Nga, bao gồm ngân hàng trung ương, tất cả các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm và các doanh nghiệp khác.

Các biện pháp trừng phạt là một phần trong các động thái của Kiev nhằm duy trì áp lực tài chính đối với Moscow sau khi Nga đem quân vào Ukraine từ ngày 24/2 năm ngoái.

“Biện pháp này nhằm ngăn chặn hoàn toàn các tổ chức tài chính của Liên bang Nga tiếp cận thị trường và tài sản ở Ukraine”, ông Andriy Pyshniy, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ukraine, cho biết trên Facebook.

Đa số áp đảo trong số 325 nhà lập pháp Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp, dự kiến sẽ được áp dụng trong nửa thế kỷ tới.

Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết các biện pháp trừng phạt theo ngành sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm ngân hàng và hàng chục nghìn tổ chức tài chính đã đăng ký tại Nga.


Bà Svyrydenko cho biết các biện pháp bao gồm lệnh cấm giao dịch với tài sản thuộc sở hữu của các tổ chức tài chính của Liên bang Nga, lệnh cấm thiết lập quan hệ kinh doanh và lệnh cấm giao dịch và đầu tư vào các tổ chức tài chính của Nga.

Binh sĩ Nga chĩa súng từ trực thăng quân sự khi nó bay qua một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine. Ảnh do cơ quan dịch vụ báo chí Bộ Quốc phòng Nga công bố, đăng trên Financial Times ngày 15/2/2023

Ukraine đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hàng trăm quan chức và doanh nhân Nga, cấm những người có liên quan đến Nga sở hữu đất đai và tham gia tư nhân hóa nhà nước, cấm mua hàng hóa và một số dịch vụ của Nga, đồng thời đình chỉ chuyển giao công nghệ cho những người có liên quan đến Nga.

Ukraine cũng đang kêu gọi các đối tác phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, bao gồm cả việc thực hiện các bước nhắm vào lĩnh vực hạt nhân của Nga.


Nga cho thông xe qua Cầu Crimea trước thời hạn

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS hôm 23/2 dẫn thông báo của Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin cho biết: Cầu Kerch, nối Bán đảo Crimea với đất liền Nga, đã thông xe hoàn toàn trên tất cả các làn đường trước thời hạn hơn một tháng.

TASS cho biết: Các bộ phận của cây cầu đã bị hư hại do một vụ nổ xảy ra vào ngày 8/10/2022. Nguyên nhân chính xác của vụ nổ cầu vẫn chưa rõ ràng. Các quan chức Nga cho biết một chiếc xe tải chở đầy chất nổ đã phát nổ, làm hư hỏng hai nhịp của phần đường cao tốc của cây cầu và gây cháy các toa chở nhiên liệu của một đoàn tàu đi đến vùng Krasnodar. Bốn người đã thiệt mạng trong vụ việc.

Ukraine không nhận trách nhiệm về vụ nổ, nhưng vài ngày sau, Nga đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công tên lửa vào Kiev và các thành phố khác của Ukraine.

Ảnh vệ tinh của Maxar Technologies cho thấy vụ nổ xảy ra trên cầu Kerch (còn gọi là cầu Crimea), ngày 8/10/2022. Ảnh: Malay Mail

Theo ông Khusnullin, tất cả các làn đường dành cho ô tô lưu thông trên cầu đều được mở hoàn toàn trước thời hạn 39 ngày. Trong khi đó, việc khôi phục phần đường sắt của cây cầu dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 7/2023. Việc khôi phục các phần khác của cây cầu sẽ hoàn thành trước ngày 1/7.


Cây cầu có tầm quan trọng mang tính biểu tượng và chiến lược to lớn đối với Nga, quốc gia đã xây dựng cây cầu dài 19 km (khoảng 12 dặm) sau khi Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014 .


Minh Đức (Theo CNN, The Guardian, Perild, Anadolu Agency)

Chia sẻ Facebook