Ukraine nói trưng cầu ý dân ở khu vực ly khai về gia nhập Nga là không có cơ sở pháp lý
Ngày 27-3, Ukraine tuyên bố việc Nga tổ chức trưng cầu ý dân trên vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine là không có cơ sở pháp lý và cảnh báo Nga sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Chính quyền Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ở miền đông Ukraine trước đó cho biết có thể sớm tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc gia nhập Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko tuyên bố tất cả những cuộc trưng cầu ý dân tại các vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine "tạm thời đều vô hiệu và sẽ không có giá trị pháp lý".
"Thay vào đó Nga sẽ phải đối mặt với một phản ứng thậm chí mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế, làm sâu sắc thêm tình trạng cô lập của mình trên toàn cầu hiện nay", ông Nikolenko nhấn mạnh.
Trước đó, ông Leonid Pasechnik - người đứng đầu LPR - cho biết ông hy vọng sẽ sớm tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc liệu khu vực này có nên trở thành một phần của Nga hay không.
Ông Pasechnik tuyên bố bản thân hy vọng cuộc bỏ phiếu sẽ có lợi cho người dân trong khu vực - những người ông cho biết đã mệt mỏi vì "phải sống dưới những đợt pháo kích liên tục trong tám năm".
Phát biểu trước báo giới, ông Pasechnik nói cuộc trưng cầu ý dân sẽ là cách Lugansk "thực hiện quyền hiến định tuyệt đối của họ và bày tỏ quan điểm của họ về việc gia nhập Liên bang Nga".
Theo Đài CNN, cùng với Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, LPR đã đòi ly khai từ năm 2014.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công nhận nền độc lập của họ ngay trước khi phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vào tháng trước.
Nếu tổ chức bỏ phiếu về việc gia nhập Nga, LPR sẽ đi theo con đường mà Crimea đã thực hiện vào tháng 3-2014. Cuộc trưng cầu ý dân của Crimea từng ghi nhận 97% phiếu ủng hộ việc gia nhập Nga.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin AP, Phó tổng thư ký NATO Mircea Geoana cho biết khối này sẽ đáp trả nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học hoặc vũ khí cao cấp hơn trong chiến sự tại Ukraine.