Ukraine nói Nga dùng “Hỏa thần” S-500 Prometheus canh gác Cầu Crimea
Với việc Ukraine chưa bao giờ giấu giếm ý định muốn phá hủy Cầu Kerch, sẽ không mất nhiều thời gian để biết Nga có thực sự triển khai S-500 tới đó hay không.
Nga đã chuyển một trong những hệ thống phòng không S-500, hệ thống tiên tiến nhất mà nước này có, tới Bán đảo Crimea để bảo vệ cây cầu huyết mạch nối bán đảo này với đất liền Nga, gọi là Cầu Crimea hoặc Cầu Kerch.
Thông tin trên được “trùm” tình báo quân sự Ukraine tiết lộ hôm 12/6, trang The War Zone (TWZ) đưa tin. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên “Hỏa thần” S-500 Prometheus được triển khai tới đây và sẽ mang lại khả năng phòng không đáng kể, đặc biệt là trong việc chống lại tên lửa đạn đạo.
Hệ thống phòng không S-500 Prometheus của Nga. Ảnh: Defence Security Asia
“Các thành phần mới nhất của S-500 đã xuất hiện” tại thành phố Kerch (ở phía Đông Crimea), Trung tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine.
“Về nguyên tắc, đây sẽ là một thử nghiệm… Cầu Kerch luôn được sử dụng và chỉ cần nó ở đó thì nó sẽ được sử dụng”. The War Zone không thể xác minh độc lập các tuyên bố của “trùm” tình báo Ukraine Budanov.
Hệ thống phòng không S-500, có tên là Prometheus (Prometey trong tiếng Nga), được thiết kế để cung cấp khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo trên chiến trường và các khả năng phòng không tầm xa khác. Nó được phát triển để thay thế hệ thống tên lửa chống đạn đạo A-135 hiện được triển khai trong các hầm chứa xung quanh thủ đô Moscow.
S-500 ra đời cũng nhằm mục đích bổ sung cho hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) S-400 Triumf tầm xa. Trong khi Moscow tích cực thúc đẩy xuất khẩu S-400 và giành được hợp đồng với một số quốc gia trên toàn thế giới, thì S-500 đã trải qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt để xác nhận khả năng của nó.
Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là ông Sergei Shoigu cho biết, những mẫu đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không S-500 thế hệ tiếp theo sẽ được triển khai trong năm nay với 2 phiên bản là phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) và phòng không tầm mở rộng, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin.
Nga lần đầu tiên công bố video về một cuộc khai hỏa S-500, được thực hiện trong chiến dịch thử nghiệm tại Kapustin Yar, gần Astrakhan ở miền Nam nước này vào tháng 7/2021. Theo Bộ Quốc phòng Nga vào thời điểm đó, nó được cho là đã bắn rơi một mục tiêu thay thế tên lửa đạn đạo.
Bộ Quốc phòng Nga công bố video S-500 khai hỏa trong một cuộc thử nghiệm năm 2021.
Điều này diễn ra sau cuộc thử nghiệm hệ thống vào năm 2018, với việc chính quyền Nga cho biết S-500 đã bắn trúng mục tiêu cách đó gần 300 dặm (483 km). Theo hãng tin Nga RIA Novosti, tầm bắn tối đa của S-500 là khoảng 370 dặm (595 km). Các quan chức Nga trước đó cũng cho biết họ dự kiến hệ thống S-500 sản xuất hàng loạt đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2025.
Về khu vực Kerch, nơi có cây cầu dài nhất châu Âu, bắc qua eo biển Kerch nối Crimea với đất liền Nga, đây là khu vực đã hứng chịu nhiều đòn tấn công bằng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp, theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine.
Cuộc tấn công ngày 30/5 được cho là đã đánh trúng 2 chiếc phà của Nga. Những phương tiện này rất quan trọng trong việc vận chuyển quân đội và trang thiết bị của Nga tới tiền tuyến, đặc biệt là khi giao thông trên cầu bị gián đoạn. Bộ Quốc phòng Ukraine đã công bố hình ảnh vệ tinh sau cuộc tấn công đó.
ATACMS, đặc biệt là các biến thể tầm xa với đầu đạn đơn (chất nổ đơn mạnh) mà Ukraine dường như đang sử dụng, tạo thêm một khó khăn mới cho khả năng phòng thủ Crimea của Nga. So với các biến thể ATACMS mang đầu đạn chùm mà các lực lượng Ukraine nhận được ban đầu, các tên lửa mới gây ra mối đe dọa mới đối với các công trình lớn hơn và vững chắc hơn như Cầu Kerch.
Trong khi những chiếc phà là mục tiêu quan trọng thì cây cầu lại là phần thưởng lớn nhất. Nó đã bị tấn công thành công 2 lần, một lần bằng bom xe tải vào tháng 10/2022 và một lần nữa bằng tàu mặt nước không người lái (USV) vào tháng 7/2023. Việc triển khai hệ thống S-500 ngay bây giờ sẽ giúp cung cấp một lớp bảo vệ khác, đặc biệt là trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tiềm tàng.
Minh Đức (Theo TWZ, EurAsian Times)