Ukraine: Nhà ngoại giao Mỹ nói Putin đang đưa chiến tranh lên cấp độ 'dã man' mới
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói Putin không chân thành trong các cuộc hòa đàm và đang nhắm đến từng hộ dân tại Ukraine.
4 tháng 12 2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin không chân thành trong các cuộc hòa đàm với Ukraine, trong khi ông ta đang đưa cuộc chiến tranh lên một mức độ "dã man" mới bằng cách cắt điện nhằm vào dân thường, một quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói hôm thứ Bảy 03/12.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị, Victoria Nuland đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và những quan chức cấp cao Ukraine tại Kyiv để cho thấy sự ủng hộ vào thời điểm Nga đang tìm cách phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
"Ngoại giao rõ ràng là mục tiêu của mọi người nhưng phải có một đối tác có thiện chí," bà Victoria Nuland nói với phóng viên.
"Và rất rõ ràng là về các cuộc tấn công năng lượng, các ngôn từ từ Điện Kremlin và thái độ nói chung, Putin không chân thành hay sẵn sàng cho điều này [ngoại giao]."
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói hôm thứ Năm 01/12 là ông đã sẵn sàng nói chuyện với người đồng cấp Nga Putin nếu nhà lãnh đạo Nga muốn chấm dứt chiến tranh. Nhưng ý tưởng này nhanh chóng bị tiêu tan khi Điện Kremlin nói Phương Tây phải công nhận việc Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine.
Về phản ứng này từ phía Nga, bà Nuland nói đã cho thấy "họ không nghiêm túc như thế nào".
Nga đã tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn lên cơ sở hạ tầng điện và sưởi ấm của Ukraine gần như hàng tuần kể từ tháng 10, điều mà Kyiv và các đồng minh gọi là một chiến dịch có chủ đích làm hại dân thường, một tội ác chiến tranh.
"Putin đã đưa cuộc chiến tranh này lên một cấp độ dã man mới, nhắm đến từ hộ dân Ukraine khi tìm cách tắt nguồn điện, nước và đạt những gì ông ta không thể có được trên chiến trường," bà Nuland nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova nhanh chóng đáp trả.
"Nuland không có quyền dạy bảo thế giới - riêng Mỹ và Nato cộng lại đã phá hủy mạng lưới năng lượng mà Mỹ đã tự mình phá hủy," bà Zakharova phát biểu trên kênh Telegram, đề cập đến các cuộc tấn công năm 1999 nhằm vào Serbia.
Trong suốt các cuộc tấn công tại Serbia, các máy bay chiến đấu đã tắt nguồn điện năng đối với hơn 70% khu vực, theo Nato.
Bà Nuland cũng gặp ông Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine. Ông Andriy Yermak đã cảm ơn số tiền viện trợ hàng tỷ USD mà Washington đã cam kết với Kyiv.
"Chiến thắng của Ukraine mà chúng tôi chắc chắn có được, sẽ là chiến thắng chung," văn phòng của Tổng thống Zelensky nêu tuyên bố của ông Andriy Yermak trong cuộc gặp với bà Nuland.
Nguồn hình ảnh, RUSSIA
Chụp lại hình ảnh,
Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ trích mức giá trần mà các đồng minh Phương Tây áp lên sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Nga, cho là "yếu"
Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chỉ trích mức giá trần mà các đồng minh Phương Tây áp lên dầu mỏ xuất khẩu của Nga, cho là "yếu".
Mức giá trần này, được chấp thuận vào ngày thứ Sáu 02/12, nhắm vào việc ngăn chặn các quốc gia chi trả hơn 60 USD cho một thùng dầu thô được vận chuyển bằng tàu biển.
Nga tuyên bố sẽ không chấp nhận áp mức giá trần cho số lượng dầu xuất khẩu.
Biện pháp này sẽ có hiệu lực vào thứ Hai 05/12, gia tăng áp lực của Phương Tây lên Nga liên quan đến cuộc xâm lược.
Nhưng ông Zelensky gọi mức giá trần này là "một vị thế yếu" và không đủ "nghiêm túc" để gây tổn hại lên nền kinh tế Nga.
"Nga đã gây tổn thất quy mô vô cùng lớn lên tất cả quốc gia trên thế giới bằng cách cố tình gây bất ổn thị trường năng lượng," ông Zelensky nói trong bài phát biểu hằng đêm.
Đây "chỉ là vấn đề thời gian khi nào các công cụ mạnh tay hơn sẽ phải được dùng đến," ông nói thêm.
Biện pháp áp mức giá trần đã được nhóm G7 (gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật và EU) đưa ra hồi tháng Chín nhằm giáng đòn vào nguồn tài chính của Nga dành cho cuộc chiến tranh Ukraine.
Trong một tuyên bố chung, nhóm G7, Liên minh châu Âu (EU) và Úc cho biết quyết định được đưa ra "nhằm ngăn chặn Nga hưởng lợi từ cuộc chiến tranh xâm lược nhằm vào Ukraine".
Hôm thứ Bảy 03/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Moscow đã chuẩn bị cho động thái này nhưng "sẽ không chấp nhận" mức giá trần.
Mặc dù các biện pháp sẽ hầu như chắc chắn ảnh hưởng đến Nga, nhưng đòn giáng này sẽ một phần được giảm nhẹ khi Nga tiến hành bán dầu cho các thị trường khác như Ấn Độ và Trung Quốc - hiện là những khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga.
Thỏa thuận về áp mức giá trần được thông qua chỉ vài ngay trước khi một lệnh cấm trên toàn EU về nhập khẩu dầu thô từ Nga bằng đường biển có hiệu lực cũng vào ngày thứ Hai 05/12.
Mức giá trần này, đồng nghĩa tác động đến sản lượng xuất khẩu dầu toàn cầu, được cho bổ sung lệnh cấm trên.
Các quốc gia tham gia vào chính sách do G7 dẫn đầu sẽ chỉ được phép mua dầu và sản phẩm xăng được vận chuyển qua đường biển, được bán ở mức giá trần hoặc thấp hơn.
Các đồng minh Phương Tây của Ukraine có kế hoạch từ chối bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga giao đến các nước không tuân theo mức giá trần này. Điều này sẽ khiến việc Nga bán dầu với giá cao hơn giá trần trở nên khó khăn hơn.
Trước cuộc chiến tranh Ukraine, vào năm 2021, hơn một nửa sản lượng dầu xuất khẩu của Nga được vận chuyển đến châu Âu, theo Cơ quan năng lượng quốc tế (International Energy Association). Đức là quốc gia nhập khẩu lớn nhất, theo sau là Hà Lan và Ba Lan.
Nhưng kể từ sau cuộc chiến tranh nổ ra, các quốc gia châu Âu đã chật vật trong việc cố gắng giảm sự phụ thuộc. Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga, trong khi Anh Quốc thì lên kế hoạch theo từng giai đoạn, chấm dứt sự phụ thuộc trước thời điểm cuối năm nay.