Ukraine: Nga mất 19 xe tăng và xe bọc thép trong một ngày
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho Ukraine điểm 12 trong thang điểm từ 0-10 về mức độ mức độ hiệu quả của các lực lượng vũ trang Ukraine trước quân Nga.
Nga đã phải đối mặt với thiệt hại đáng kể về xe tăng và xe bọc thép sau các hành động của các lực lượng Ukraine, trang Newsweek đưa tin, dẫn nguồn truyền thông địa phương.
Các lực lượng Kiev hôm 13/8 đã tiêu diệt thành công 8 xe tăng và 11 xe bọc thép Nga, tờ Ukrainska Pravda, một tờ báo trực tuyến của Ukraine, đưa tin.
Báo cáo này được đưa ra sau một bài đăng của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine trên trang Facebook hôm 14/8.
Bài đăng nhấn mạnh ước tính của Ukraine về tổng thiệt hại mà Nga phải đối mặt kể từ khi xung đột bắt đầu vào ngày 24/2, đồng thời nêu rõ những tổn thất mới nhất.
Theo bài đăng, tổng cộng 43.550 quân nhân Nga đã thiệt mạng, và riêng hôm 13/8 đã có thêm 150 lính Nga tử trận. Tổng cộng 1.864 xe tăng Nga đã bị phá hủy. Con số này chưa bao gồm 8 chiếc bị phá hủy hôm 13/8. Tổng cộng 4.126 phương tiện chiến đấu bọc thép của Nga đã bị phá hủy. Cùng với đó, 5 UAV tác chiến-chiến thuật, 3 xe và tàu chở nhiên liệu, 2 hệ thống pháo và 1 máy bay trực thăng, đã bị phá hủy vào ngày 13/8, theo Ukraine.
Bài đăng cũng nhấn mạnh rằng 261 hệ thống tên lửa phóng loạt, 136 hệ thống phòng không, 233 máy bay, 194 trực thăng, 980 hệ thống pháo, 187 tên lửa hành trình, 15 tàu/thuyền, 3.039 phương tiện và tàu chở nhiên liệu cùng 91 phương tiện và thiết bị khác của Nga đã bị các lực lượng Ukraine phá hủy.
Trang Facebook của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cũng lưu ý rằng quân đội Nga đã chịu tổn thất nặng nề nhất trên mặt trận Donetsk.
Đánh giá hành động của các lực lượng Ukraine, một quan chức Lầu Năm Góc đã ca ngợi Ukraine về hiệu quả của họ trong cuộc chiến chống lại Nga, Newsweek cho biết.
Trang báo Mỹ dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc nói rằng quân đội Ukraine đã làm những điều mà “chúng tôi không nghĩ là có thể xảy ra”.
Tinh thần của quân đội Nga cũng bị ảnh hưởng do thành công của các lực lượng Ukraine, vị quan chức này nói thêm.
Trên thang điểm từ 0 đến 10, vị quan chức này đặt mức độ hiệu quả của các lực lượng vũ trang Ukraine ở mức 12 “dựa trên mức độ ấn tượng của họ đối với chúng tôi theo nhiều cách khác nhau”, Newsweek cho biết, dẫn báo cáo về một cuộc họp của các quan chức quốc phòng Mỹ.
Các vụ nổ tại một căn cứ không quân Nga ở Crimea tuần trước cũng đã gây ra thiệt hại đáng kể về máy bay và vũ khí của Nga, vị quan chức này cho biết, mặc dù Mỹ không biết nguyên nhân gây ra vụ nổ.
Hôm 12/8, CNN trích dẫn các chuyên gia và hình ảnh vệ tinh báo cáo rằng ít nhất 7 máy bay chiến đấu của Nga đã bị phá hủy trong các vụ nổ, đây có thể là tổn thất lớn nhất của Nga về máy bay quân sự trong một ngày kể từ Thế chiến II. Trong số các máy bay bị phá hủy có máy bay ném bom Su-24 và máy bay chiến đấu đa năng Su-30.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Bộ Quốc phòng Ukraine để yêu cầu bình luận.
Nga pháo kích dồn dập ở miền Đông, ưu tiên tăng quân ở miền Nam Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga hôm 14/8 cho biết quân đội của họ đã tiếp tục tấn công Donetsk, sử dụng tên lửa và pháo binh, tấn công vào hàng chục nơi, DW cho biết.
Theo DW, trong khi các cuộc tấn công tập trung ở khu vực Donetsk, Moscow tuyên bố đã chiếm được làng Udy ở khu vực lân cận Kharkiv ở Đông Bắc đất nước. Nga cũng tuyên bố đã phá hủy một kho nhiên liệu nằm gần Slovyansk thuộc tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine, nơi đã trở thành trọng tâm chính của cuộc chiến kéo dài gần 6 tháng.
Các lực lượng Ukraine xác nhận Nga đã pháo kích dữ dội và nỗ lực tiến vào một số thị trấn ở Donetsk, nhưng nhiều cuộc tấn công đã bị phía Ukraine đẩy lùi, The Guardian đưa tin.
Theo tờ báo Anh, quân đội Ukraine hôm 14/8 cho biết, các binh sĩ Nga đã tiếp tục không thành công khi tấn công các vị trí của Ukraine gần Avdiivka, nơi từ năm 2014 đã trở thành một trong những tiền đồn của các lực lượng Ukraine gần Donetsk.
Quân đội Ukraine cho biết, “giao tranh ác liệt” đã tiếp tục diễn ra ở Pisky, một ngôi làng ở miền Đông mà trước đó trong ngày Nga tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn.
“Đối phương đang cố gắng phá vỡ hàng phòng thủ của quân đội chúng tôi ở các hướng Oleksandropol, Krasnohorivka, Avdiivka, Maryinka và Pisky”, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết trong cuộc họp giao ban hàng đêm hôm 14/8. “Giao tranh khốc liệt vẫn tiếp tục”.
Ông Oleg Zhdanov, một chuyên gia quân sự Ukraine, cho biết tình hình đặc biệt khó khăn ở Avdiivka và các thị trấn lân cận, chẳng hạn như Pisky.
“Chúng tôi không có đủ sức mạnh pháo binh tại chỗ và các lực lượng của chúng tôi đang yêu cầu hỗ trợ nhiều hơn để bảo vệ Pisky”, ông Zhdanov cho biết trong một video được đăng trực tuyến. “Nhưng thị trấn về cơ bản nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine”.
The Guardian cho biết, họ không thể xác minh ngay lập tức các báo cáo chiến trường.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh đánh giá rằng các lực lượng do Nga hậu thuẫn của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng ở Donbass tiếp tục cố gắng tấn công vào phía bắc thành phố Donetsk.
Các cuộc giao tranh đặc biệt ác liệt đã tập trung vào làng Pisky, gần sân bay Donetsk, Bộ này cho biết trong bản cập nhật tình báo hàng ngày về tình hình chiến sự Nga-Ukraine hôm 14/8, phù hợp với các bình luận trước đó từ quân đội Ukraine.
Bản cập nhật của tình báo Anh cũng cho biết, cuộc tấn công của Nga "có khả năng" nhằm đảm bảo an toàn cho "đường cao tốc M04", con đường tiếp cận chính tới Donetsk từ phía tây.
Ở miền Nam Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh đánh giá rằng trong tuần qua, Nga có khả năng đã điều động các đơn vị tăng cường tấn công ở khu vực này, nơi có nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia mà cả 2 bên tham chiến đã đổ lỗi cho nhau về các cuộc pháo kích liên tục trong những ngày gần đây.
Tranh cãi xung quanh nhà máy Zaporizhzhia chưa có hồi kết
Nguy cơ xảy ra thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine, nơi quân đội Nga đang kiểm soát, đang “tăng lên mỗi ngày”, theo Thị trưởng thành phố Enerhodar, nơi đặt nhà máy này.
Thị trưởng Dmytro Orlov hôm 14/8 nói với hãng tin AFP qua điện thoại: “Những gì đang xảy ra ở đó hoàn toàn là khủng bố hạt nhân. Mọi thứ có thể kết thúc một cách không thể đoán trước bất cứ lúc nào”.
Nhà máy với 6 tổ máy là tổ hợp điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, đã nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga ngay trong những ngày đầu của cuộc xung đột và vẫn là tuyến đầu tranh chấp kể từ đó. Tuần qua, tổ hợp này đã liên tục bị pháo kích, với việc Kiev và Moscow đổ lỗi cho nhau về sự leo thang nguy hiểm.
Trên Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 14/8 tuyên bố, “mọi binh sĩ Nga” bắn vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hoặc cố gắng sử dụng nó làm lá chắn “phải hiểu rằng hắn ta đang trở thành mục tiêu đặc biệt của các cơ quan tình báo và dịch vụ đặc biệt của quân đội chúng tôi”.
Ông cũng kêu gọi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại ngành công nghiệp hạt nhân của Nga sau cuộc tranh giành nhà máy này.
Tổng cộng 42 quốc gia, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Anh, cộng với Liên minh châu Âu (EU), hôm 14/8 đã ra một tuyên bố kêu gọi Nga rút ngay các lực lượng quân sự khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã nhiều lần cảnh báo về một thảm họa hạt nhân có thể xảy ra trừ khi các cuộc giao tranh tại khu vực này dừng lại.
Tuyên bố của nhóm 42 quốc gia gọi việc Nga triển khai quân nhân và vũ khí tại cơ sở hạt nhân này là không thể chấp nhận được vì nó “coi thường các nguyên tắc an toàn, an ninh và các biện pháp bảo vệ mà tất cả các thành viên của IAEA đã cam kết tôn trọng”.
Trong khi đó, ông Mikhail Ulyanov, nhà ngoại giao đại diện cho Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), đã kêu gọi LHQ can thiệp để đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya.
Nhiệm vụ của Ban Thư ký LHQ là “bật đèn xanh cho chuyến thăm nhà máy điện hạt nhân của các chuyên gia từ IAEA”, ông Ulyanov nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 14/8.
Theo các báo cáo truyền thông, LHQ cho đến nay vẫn chưa cho phép người đứng đầu IAEA Rafael Grossi thực hiện chuyến công du, không chỉ vì lý do an ninh, mà còn vì tranh chấp về hành trình.
“Chúng tôi đã làm việc rất chặt chẽ với IAEA vào tháng 5/tháng 7 để chuẩn bị cho chuyến thăm. Nhưng Ban Thư ký LHQ đã chặn nó vào giờ chót mà không giải thích lý do”, ông Ulyanov nói.
Kiev cáo buộc Moscow muốn chuyển hướng năng lượng sản xuất tại nhà máy điện sang khu vực Crimea, nơi Nga đã sáp nhập năm 2014.
10 máy bay Nga mắc kẹt ở Đức
Gần 6 tháng sau khi EU đóng cửa không phận đối với máy bay Nga, 10 máy bay do Nga sở hữu hoặc kiểm soát vẫn đang kẹt ở Đức, đài Redaktionsnetzwerk Deutschland (RND) đưa tin hôm 14/8, dẫn nguồn Bộ Giao thông Vận tải Đức.
“Do các máy bay phải chịu lệnh cấm cất cánh và cấm bay do chế độ trừng phạt của EU, chúng không thể được sử dụng bởi chủ sở hữu và không thể được đưa đến một địa điểm khác”, Bộ này cho biết.
Theo RND, có 3 máy Antonov AN-124 của Nga đang nằm ở Leipzig, 1 chiếc Bombardier BD-100-1A10 Challenger 300 và 1 chiếc Boeing 737 ở Cologne, và 1 chiếc Boeing 747 ở Frankfurt-Hahn. Còn 4 máy bay còn lại đang ở Baden-Baden, gồm 1 chiếc Cessna 750 Citation X, 2 chiếc Embraer ERJ-135BJ Legacy 600 và 1 chiếc Bombardier BD-700-1A10 Global Express XRS.
EU đã đóng cửa không phận đối với các máy bay Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2.
Ba Lan xem xét lệnh cấm thị thực đối với người Nga
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Piotr Wawrzyk hôm 14/8 nói với hãng thông tấn PAP: “Ba Lan đang nghiên cứu phát triển chính sách không cấp thị thực cho người Nga”.
Cộng hòa Séc đã trở thành quốc gia EU đầu tiên ngừng cấp thị thực cho công dân Nga từ cuối tháng 2, ngay sau khi Nga phát động tấn công quân sự vào Ukraine.
Hôm 11/8, chính phủ Estonia thông báo sẽ cấm người Nga có thị thực Schengen do Estonia cấp nhập cảnh vào nước này, sau một động thái tương tự của Latvia hồi đầu tháng này.
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan cho biết, đất nước ông ủng hộ việc EU áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine. Điều này cũng sẽ bao gồm việc đình chỉ chế độ thị thực cho công dân Nga.
Thị thực Schengen cho người Nga sẽ được thảo luận tại một cuộc họp của các ngoại trưởng EU ở thủ đô Prague của Cộng hòa Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, vào cuối tháng 8 này.
Con tàu đầu tiên chở lúa mì Ukraine cập cảng Thổ Nhĩ Kỳ
Con tàu đầu tiên chở lúa mì Ukraine được xuất khẩu theo một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung gian hôm 14/8 đã cập cảng Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, theo Trung tâm Điều phối Chung (JCC) có trụ sở tại thành phố này.
Tàu gắn cờ Belize là tàu đầu tiên chở lúa mì từ Ukraine băng qua Biển Đen kể từ khi Nga phát động tấn công quân sự ở quốc gia Đông Âu. Tàu Sormovskiy chất đầy 3.050 tấn lúa mì và đã rời cảng Chornomorsk của Ukraine hôm 12/8.
Con tàu được nhìn thấy đi qua eo biển Bosphorus và cập cảng ở đó, đang chờ kiểm tra.
Đây là chuyến hàng lúa mì thời chiến đầu tiên từ Ukraine, quốc gia cùng với Nga chiếm gần một phần ba lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu trước khi xung đột bùng phát.
Minh Đức (Theo DW, Newsweek, Al Jazeera, The Guardian)