Ukraine đi từ “bị động” đến “chủ động” trong xung đột với Nga

Chia sẻ Facebook
11/08/2022 16:20:45

Động lực trong xung đột Nga-Ukraine đã thay đổi, với việc đến lượt người Ukraine dẫn dắt câu chuyện...


Không tuyên bố nhận trách nhiệm rõ ràng về một cuộc tấn công trước đó vào căn cứ không quân Nga ở Crimea, nhưng Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine hôm 10/8 cho biết, họ đã phá hủy 9 máy bay Nga trong vòng 24 giờ qua. Họ không nêu rõ vị trí của các máy bay.

Nga phủ nhận thông tin, cho biết rằng không có máy bay nào bị hư hại, cũng như không có bất kỳ cuộc tấn công nào xảy ra trong khu vực này, đồng thời tuyên bố nguyên nhân các vụ nổ là do đạn pháo lưu trữ tại căn cứ này bốc cháy.

Còn trang The Guardian hôm 11/8 trích dẫn các hình ảnh vệ tinh mới được công bố cho biết, ít nhất 8 máy bay chiến đấu của Nga dường như đã bị hư hại hoặc bị phá hủy trong cuộc tấn công gần đây vào căn cứ không quân Saky ở Crimea.

Những hình ảnh chụp từ vệ tinh của công ty Planet Labs có trụ sở tại Mỹ cho thấy những khu vực rộng lớn trên mặt đất bị cháy xém và hư hại trên đường băng cùng với tàn tích cháy đen của máy bay quân sự.

Các hình ảnh do nhà điều hành vệ tinh tư nhân chụp vào khoảng 8h sáng ngày 9/8 - khoảng 4 tiếng trước cuộc tấn công - và khoảng 4h40 ngày 10/8, cho thấy ít nhất 8 máy bay đậu ngoài trời đã bị hư hại hoặc phá hủy.

Những hình ảnh được chụp trước và sau vụ việc là xác nhận độc lập đầu tiên về thiệt hại đối với căn cứ không quân này, đặt ra câu hỏi về việc một vị trí cách chiến tuyến hơn 100 dặm (160 km) có thể bị tấn công như thế nào.

Ông Eliot Higgins, người sáng lập và giám đốc của trang web điều tra mã nguồn mở Bellingcat, cho biết ông “không ngờ có lúc Nga lại tổn thất nhiều tài sản hàng không như vậy trong một ngày” trong một loạt bài đăng trên Twitter hôm 11/8.

Bản đồ cho thấy địa điểm xảy ra các vụ nổ ngày 9/8/2022 làm rung chuyển căn cứ không quân Saky của Nga ở Crimea. Ảnh: Al Jazeera

Khói được nhìn thấy bốc lên từ hướng của một căn cứ không quân quân sự của Nga gần Novofedorivka, Crimea, ngày 9/8/2022. Ảnh: Daily Mail

Hình ảnh một máy bay phản lực của Nga bị phá hủy ở căn cứ Saky, Crimea. Ảnh: Twitter

Hình ảnh vệ tinh về căn cứ không quân ở Novofedorivka cho thấy một số máy bay chiến đấu của Nga đậu dọc đường băng. Căn cứ không quân gần Saky và Novofedorivka là nơi đóng quân của Trung đoàn không quân tấn công độc lập số 43 thuộc Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga. Ảnh đăng trên Daily Mail

Xu hướng mới trong xung đột giữa người Ukraine và người Nga

Nhận định về các vụ nổ gần đây tại căn cứ không quân Saky ở Crimea, chuyên gia phân tích quân sự Mike Martin, một cựu sĩ quan quân đội Anh, nói với DW, ông cho rằng Ukraine đứng sau vụ việc, mặc dù Kiev không chính thức tuyên bố nhận trách nhiệm.

Theo ông Martin, lý do mà người Ukraine lập lờ rằng có thể họ làm điều đó, cũng có thể họ không làm, là nhằm gieo rắc sự hoang mang và lo sợ cho người Nga - đặc biệt là các lực lượng Nga ở Crimea và Kherson, khu vực nằm ngay phía bắc của bán đảo này.

“Tôi nghĩ đó là sự tiếp tục của một chiến lược. Thực tế, bằng cách tấn công Crimea, người Ukraine muốn cho người Nga thấy rằng không nơi nào ở Ukraine là an toàn”, vị chuyên gia phân tích nhận định.

Ông cho rằng, mục đích cuối cùng của người Ukraine có thể là buộc người Nga phải triển khai quân từ các khu vực khác ở Ukraine tới Crimea. Điều này sẽ cung cấp cho Kiev nhiều lựa chọn hơn về các hướng phản công.

“Động lực thực sự đã thay đổi trong cuộc chiến này. Bây giờ người Ukraine đang dẫn dắt câu chuyện trong khi trước đây chính người Nga đã buộc người Ukraine phải đáp trả họ”, ông Martin kết luận.

Ngoài ra, ông cũng cho biết, có vẻ như người Nga đã mất một lượng lớn nhiên liệu và đạn dược trong các vụ nổ.

Hệ thống tên lửa phóng loạt Grad Nga bắn về phía quân đội Ukraine tại một địa điểm không được tiết lộ, ngày 8/8/2022. Ảnh do cơ quan dịch vụ báo chí Bộ Quốc phòng Nga công bố.

Lý do Ukraine muốn kết thúc cuộc chiến trước mùa đông

Khi xung đột Nga-Ukraine đang ở tháng thứ sáu, Kiev hy vọng có thể kết thúc cuộc giao tranh trước khi giá rét mùa đông bắt đầu, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, cho biết hôm 10/8.

Ông Yermak cảnh báo có nguy cơ Nga sẽ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng sưởi ấm của Ukraine khi nhiệt độ giảm xuống.


“Đây là một trong những mục tiêu của họ, họ thậm chí còn không che giấu nó”, ông Yermak nói với hãng thông tấn Interfax Ukraine. “Đây là một trong những lý do tại sao chúng tôi muốn nỗ lực tối đa để kết thúc cuộc chiến vào cuối mùa thu này”.

Ông cũng cho biết, Ukraine đang làm mọi thứ có thể để đạt được mục tiêu giải phóng đất nước, đồng thời nói thêm rằng nhiệm vụ này sẽ ngày càng khó khăn hơn nếu quân đội Nga ở lại Ukraine lâu hơn.

Nhiều dân thường thiệt mạng do không kích, pháo kích

Phe ly khai thân Nga hôm 10/8 cáo buộc Ukraine nã pháo vào một nhà máy bia ở thành phố Donetsk, Donbass, miền Đông, khiến 1 người thiệt mạng và làm rò rỉ khí amoniac, hãng thông tấn Interfax Nga đưa tin.

Cơ quan tình trạng khẩn cấp ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng do Nga hậu thuẫn cho biết, một quả đạn pháo đã bắn trúng vào dòng khí amoniac vào đêm khuya, làm bùng lên ngọn lửa có thời điểm bao phủ một khu vực rộng tới 6.500 feet vuông (603,87 m2).

Hình ảnh từ hiện trường cho thấy ngọn lửa thắp sáng bầu trời phía trên một phần của thành phố cũng như các nhân viên cứu hỏa đeo mặt nạ. Ngoài ra còn có hình ảnh được cho là của nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc.

Trong khi đó, Thống đốc Donetsk của phía Ukraine, Pavlo Kyrylenko, hôm 10/8 đưa thông tin rằng có ít nhất 6 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong các cuộc không kích của Nga vào thành phố Bakhmut, tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine.

“Người Nga đã bắn phá thành phố này bằng một hệ thống tên lửa phóng loạt, đánh trúng một khu dân cư. Theo thông tin ban đầu, 12 tòa nhà dân cư đã bị hư hại và 4 tòa nhà bị cháy”, ông Kyrylenko cho biết trên Telegram.

Lính cứu hỏa dập lửa sau trận pháo kích ở Bakhmut, Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 10/8/2022. Ảnh: Getty Images

Khói bốc lên sau khi pháo kích ở thành phố Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 10/8/2022. Ảnh: The Guardian

Ở vùng Dnipropetrovsk, miền Trung Ukraine, Thống đốc khu vực Valentin Reznichenko hôm 10/8 cáo buộc Nga không kích qua đêm khiến ít nhất 11 dân thường thiệt mạng tại chỗ và 2 người khác không qua khỏi vì vết thương.

“Đó là một đêm khủng khiếp”, Thống đốc Reznichenko cho biết trên Telegram.

Ông Reznychenko ban đầu đưa ra con số thương vong là 21 người, với 11 người thiệt mạng ở quận Nikopol và 10 người ở Marganets, nhưng trong một tin nhắn sau đó trên ứng dụng nhắn tin Telegram, ông cho biết rằng tổng số người thiệt mạng là 11, mà không nói rõ chi tiết ban đầu nào là không chính xác.

Nga tuyên bố phá hủy hệ thống phòng không do Đức sản xuất

Bộ Quốc phòng Nga hôm 10/8 tuyên bố, các lực lượng của họ đã phá hủy một hệ thống phòng không Gepard do Đức cung cấp đang được quân đội Ukraine sử dụng ở vùng Mykolaiv, miền Nam nước này.

Trong một cuộc họp giao ban hàng ngày, Bộ này cũng cho biết, họ đã bắn rơi 3 máy bay chiến đấu của Ukraine trong khu vực, cũng như phá hủy 7 quả tên lửa cho Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất ở khu vực Kherson lân cận.

Không có bình luận ngay lập tức từ Kiev về các tuyên bố. Al Jazeera không thể xác minh độc lập các tuyên bố về diễn biến trên chiến trường.

Quân nhân Ukraine khai hỏa súng phòng không vào sáng sớm ngày 10/8/2022 ở Kharkiv, miền Đông Ukraine. Ảnh: EPA

Ukraine tuyên bố vô hiệu hóa cây cầu gần đập Nova Kakhovka

Ukraine đã đánh trúng một trong hai cây cầu bắc qua sông Dnipro ở miền Nam đất nước, nơi quân Nga đang kiểm soát, Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của quân đội Ukraine cho biết hôm 10/8.

Cầu Kakhovskyi ở phía Đông thành phố Kherson, gần đập Nova Kakhovka, đã liên tiếp bị tập kích, và theo tuyên bố của quân đội Ukraine thì các cuộc tấn công vào cây cầu nhằm mục đích gây ra các vấn đề cho hậu cần của Nga, và cây cầu hiện đã “không còn thích hợp để sử dụng”.

Al Jazeera đã không thể xác minh các tuyên bố.

LHQ sẽ thảo luận về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) sẽ họp khẩn vào cuối ngày 11/8 để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, các nguồn tin ngoại giao nói với AFP.

Cuộc họp dự kiến diễn ra vào 3h chiều ngày 11/8 (7h tối giờ GMT), theo một tuyên bố của cơ quan giám sát an toàn hạt nhân của LHQ.

Một nguồn tin ngoại giao tại trụ sở LHQ ở New York nói với AFP rằng 15 quốc gia thành viên của UNSC sẽ tập hợp theo yêu cầu của Nga, một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng - cùng với Anh, Trung Quốc, Pháp và Mỹ - những thành viên nắm quyền phủ quyết đối với các nghị quyết của LHQ.

Ít nhất 14 người đã thiệt mạng sau cuộc pháo kích vào khu vực Đông Nam Ukraine, gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu.

G7 – nhóm gồm hầu hết các quốc gia công nghiệp phát triển – cảnh báo rằng việc Moscow tiếp tục chiếm giữ nhà máy này “gây nguy hiểm cho khu vực” và kêu gọi Nga trao trả quyền kiểm soát nó cho Ukraine.

Quang cảnh một ngôi nhà bị phá hủy bởi một cuộc tấn công tên lửa vào khu định cư Kushuhum ở Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine, ngày 10/8/2022. Ảnh: The Guardian


Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) – Cơ quan giám sát an toàn hạt nhân của LHQ – cho biết trong một tuyên bố, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi sẽ báo cáo tóm tắt tại cuộc họp của UNSC “về tình hình an ninh và an toàn hạt nhân” tại nhà máy cũng như những nỗ lực của IAEA nhằm tìm cách tiếp cận nhà máy trong thời gian sớm nhất có thể. Ông Grossi gọi tình hình tại đây là “cực kỳ nghiêm trọng”.


EU chính thức ngừng nhập than Nga

Các quốc gia thành viên EU sẽ không được phép nhập khẩu thêm bất kỳ loại than nào từ Nga sau khi giai đoạn chuyển tiếp đối với lệnh cấm vận của khối kết thúc vào nửa đêm ngày 10/8, theo Al Jazeera.

Lệnh cấm vận là một phần của gói trừng phạt thứ năm được EU nhất trí hồi tháng 4 và sẽ có hiệu lực đầy đủ từ ngày 11/8 trở đi.

Các nước EU đã đồng ý về thời gian chuyển tiếp 120 ngày để ngành công nghiệp có thời gian thích ứng với lệnh cấm nhập khẩu loại nhiên liệu hóa thạch này, nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga.


Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, cho biết vào tháng 4 rằng lệnh cấm vận than có thể khiến Nga thiệt hại khoảng 8 tỷ USD mỗi năm .


Minh Đức (Theo The Guardian, DW, TRT World, Al Jazeera)

Chia sẻ Facebook