Ukraine đem cuộc chiến về Nga bằng phương tiện không người lái

Chia sẻ Facebook
08/08/2023 12:24:51

Những cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái mà quân đội Ukraine thực hiện tại Nga là một tiến triển không ai ngờ tới.

Những phương pháp tấn công này đang ngày càng trở thành một yếu tố phổ biến và chính quyền Kyiv hứa hẹn sẽ còn nhiều cuộc tấn công tương tự xảy ra.

Một loạt các cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái đã được triển khai hướng vào nhiều thành phố của Nga bao gồm thủ đô Moscow trong mùa hè. Cuộc tấn công trong ngày thứ Sáu tuần vừa rồi là một trong những cuộc tấn công nghiêm trọng nhất. Nhiều phương tiện không người lái đường biển đã tấn công một cảng lớn của Nga, cách lãnh thổ Ukraine hàng trăm dặm, làm hư hại một tàu chiến.

Những cuộc tấn công này đã thu hút sự chú ý khỏi cuộc phản công hiện vẫn chưa mang lại thành công nào đáng kể trên chiến trường của quân đội Ukraine và đưa cuộc chiến trở về đất Nga.

Tuy nhiên, chúng cũng mang lại rủi ro cho chính quyền Kyiv, khi chính quyền này cố gắng chiếm ưu thế trong cuộc chiến, bên cạnh giữ vững quan hệ với các quốc gia phương Tây vốn cảnh giác về các tín hiệu leo thang.

Một loạt các cuộc tấn công

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tuần vừa rồi đã cảnh báo về việc cuộc chiến “đang dần trở lại” đất Nga, sau một loạt các cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái nhằm vào Nga. Những cuộc tấn công này bị cáo buộc do chính quyền Kyiv thực hiện.

Những máy bay không người lái đã tấn công một số tòa nhà tại Moscow trong tuần vừa rồi. Vào ngày thứ Ba, một máy bay không người lái đã làm hư hại một tòa nhà đã bị tấn công hôm Chủ Nhật trước đó.

Cuộc tấn công này thực hiện sau hai cuộc tấn công được các quan chức Nga báo cáo vào cuối tháng 7 và hàng loạt các vụ tấn công khác trong tháng 6. Trước đó, hồi tháng 5, một máy bay không người lái đã cố gắng tấn công điện Kremlin.

Một tòa nhà tại Moscow bị hư hại sau cuộc tấn công. (Ảnh: Evgenia Novozhenina/Reuters)


Chính phủ Ukraine thường không trực tiếp chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công, nhưng chính phủ này đang phản hồi ngày càng lạc quan trong các tuần vừa qua. Ông Douglas Barrie, một thành viên cấp cao nghiên cứu về Hàng không Vũ trụ Quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế trao đổi với CNN: “Khoảng cách của chính quyền Kyiv và khả năng phủ nhận trách nhiệm của họ trước các cuộc tấn công này đang ngày càng thu hẹp. Hiện tại gần như họ đang ngầm khẳng định thủ phạm của các cuộc tấn công đó là mình”.

Bộ trưởng của Ukraine ông Mykhailo Fedorov, người điều hành Bộ Chuyển đổi Số với vai trò giám sát chương trình “Quân đoàn Máy bay Không người lái” của nước này cho biết, nhiều cuộc tấn công nữa sẽ được triển khai trong khi quân đội Ukraine tiếp tục đẩy mạnh tiến độ cuộc phản công mùa hè nhằm đẩy lùi quân đội Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine.

Hạn chế nhưng hiệu quả

Hiện rất khó có thể xác định chi tiết loại vũ khí được sử dụng trong các cuộc tấn công này và chính xác những tòa nhà nào đang nằm trong tầm ngắm, vì cả chính phủ Nga và Ukraine đều từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các cuộc tấn công.

Tuy nhiên, những cuộc tấn công này đều có các khác biệt rõ rệt, chúng thường có quy mô hạn chế nên khả năng gây thương vong ít và không được thực hiện hướng vào các tòa nhà dân cư.

Keir Giles, một chuyên gia về Nga tại Chatham House cho biết: “Bất kể chúng có làm hư hại hay không, thì những mục tiêu mà chúng được hướng đến có vẻ là những tòa nhà liên quan tới các cơ quan tham gia cuộc chiến tại Ukraine”.

Ông Giles cũng lưu ý rằng “vẫn còn một câu hỏi chưa được trả lời về phương pháp mà Ukraine đang thực hiện những cuộc tấn công này”. Tuy nhiên, những cuộc tấn công vẫn đã “phơi bày tính yếu kém trong hệ thống phòng thủ của Nga”.

Ông Barrie cho biết, những máy bay không người lái (UAV) một chiều này được phóng “mang theo đầu đạn khá nhỏ và chúng được sử dụng với số lượng ít. Vì vậy, xét về phương diện ảnh hưởng trực tiếp về mặt quân sự, chúng khá hạn chế”.

“Những hệ thống mà Ukraine sử dụng đơn giản so với các hệ thống khác, nhưng chúng khá hiệu quả khi được sử dụng đúng mục đích”.

Quan trọng hơn, hiện tại không có tín hiệu nào cho thấy những vũ khí này được cung cấp bởi phương Tây. Theo ông Barrie, “Ukraine có thể tự sản xuất những hệ thống vũ khí này”, và từ đó cho phép chính quyền Kyiv gửi thông điệp quân sự tới người dân Nga cũng như phục vụ cuộc chiến tại quốc gia mình, vốn được các nước NATO viện trợ quân sự.

“Về cơ bản, chúng được sử dụng nhằm thể hiện Moscow cũng nằm trong vòng chiến sự”.

Các cuộc tấn công có vẻ được hướng vào những tòa nhà liên quan tới hoạt động chiến tranh của Nga. (Ảnh: Stringer/AFP/Getty Images)

Đưa cuộc chiến về đất Nga


Chính quyền Kyiv sẵn sàng chấp nhận ảnh hưởng hạn chế về mặt quân sự của những cuộc tấn công này, vì chúng có vai trò khác quan trọng hơn rất nhiều.

Ông Giles cho biết: “Chính phủ Ukraine đã nhận ra, quan điểm công chúng tại Nga và thái độ về cuộc chiến là một trong những khu vực trọng điểm mà họ cần tập trung để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến. Chừng nào chính phủ Nga còn có thể giả vờ như cuộc chiến này là một sự kiện xảy ra ở nơi nào khác, cách xa nước họ thì công chúng Nga vẫn sẽ còn ủng hộ cuộc chiến”.

Các quan chức Ukraine đã công khai thảo luận về yếu tố tuyên truyền trong các cuộc tấn công này. Ông Yurii Ihnat, phát ngôn viên của Không quân Ukraine, cho biết những cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái tại Moscow chủ yếu tập trung làm ảnh hưởng đến người Nga, những người thấy cuộc chiến là một thứ xa xôi.

“Luôn luôn có những thứ bay trên bầu trời Nga và Moscow. Giờ đây, cuộc chiến đã bắt đầu ảnh hưởng tới những người chưa từng phải lo ngại về nó. Bất kể chính quyền Nga có muốn tảng lờ điều đó bằng cách khẳng định, họ đã bắn hạ tất cả máy bay không người lái tới mức nào, thì sự thực là luôn luôn sẽ có một số cuộc tấn công được thực hiện thành công”.

Hình ảnh trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào tháng 5 hướng vào điện Kremlin. (Ảnh: Yuri Kochetkov/EPA-EFE/Shutterstock)

“Giá trị kích động”

Rất khó có thể đánh giá được quan điểm công chúng tại Nga. Tuy nhiên, những ý kiến chủ quan ít nhất đã cho thấy ảnh hưởng của các cuộc tấn công này lên người dân ở xung quanh địa điểm bị tấn công.

Sau cuộc tấn công tại Moscow trong tuần vừa rồi, một nhân chứng chia sẻ Reuters: “Tôi và một số người bạn đã thuê một căn hộ để tới và thư giãn, rồi bất ngờ chúng tôi nghe thấy tiếng nổ, mọi người đều giật mình. Đã có rất nhiều khói, tới mức chúng tôi không thể nhìn thấy gì. Từ tầng trên nhìn xuống chúng tôi có thể thấy lửa cháy”.

Khi nhận xét những tín hiệu ban đầu về hậu quả của các cuộc tấn công, ông Giles cho biết: “Chúng có vẻ đã đạt được giá trị kích động mà mọi người đều có thể nhận ra. Chúng khiến người Nga nhận ra rằng họ không hề hoàn toàn tách biệt khỏi những thứ đang xảy ra tại Ukraine”.

Hiện vẫn chưa rõ liệu những chiều hướng này có thay đổi được quan điểm ủng hộ cuộc chiến của người Nga hay không.

Phương Tây tiếp tục dõi theo

Bên cạnh những ảnh hưởng về mặt tuyên truyền, việc tấn công bằng máy bay không người lái không phải là nước đi không có rủi ro.

Ảnh hưởng đầu tiên là việc trả đũa. Điện Kremlin thường viện cớ trả đũa cho những cuộc tấn công vào Nga để thực hiện các cuộc tấn công tại nhiều thành phố của Ukraine.

Nhưng, người dân Ukraine đã quá quen với các cuộc không kích của Nga và cho tới nay, không có bằng chứng nào cho thấy những cuộc tấn công này làm thuyên giảm tính đồng lòng trong những nỗ lực bảo vệ tổ quốc của họ.

Một yếu tố đáng lo ngại hơn là về cách các nước phương Tây phản ứng trước các cuộc tấn công như vậy. Một năm trước, khả năng quân đội Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng các máy bay không người lái là khả năng không ngờ tới được, với lý do là nhất trí ngầm giữa các nước NATO và chính quyền Kyiv về việc các nước phương Tây sẵn sàng hậu thuẫn một cuộc chiến phòng vệ, nhưng sẽ cảnh giác hơn về bất kỳ hoạt động nào có thể khiến NATO đối đầu trực diện với Nga.

Hiện vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy quân đội Ukraine đã sử dụng vũ khí do các nước NATO cung cấp trên đất Nga, nhưng rõ ràng đã sẵn sàng đưa cuộc chiến tới đất Nga. Vì vậy, lãnh đạo các nước phương Tây nhìn chung khá thoải mái về phương pháp này.

Ông Giles cho biết: “Những điều khoản cấm tấn công trên đất Nga được các nhà cung cấp đưa ra là quyết định sai lầm. Từ trước đến nay, họ đã tham gia cuộc chiến của Nga theo luật mà Nga đặt ra”.

Tuy nhiên, có vẻ các nước phương Tây cũng có quan điểm khác nhau về các cuộc tấn công trên đất Nga, khi chính phủ Mỹ đặc biệt lo ngại. Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre phát biểu trong tháng 7: “Nhìn chung, chúng tôi không ủng hộ thực hiện các cuộc tấn công trên đất Nga”.

Tuy nhiên, sự tự tin của chính quyền Kyiv và việc họ sẵn sàng bào mòn quan điểm hậu thuẫn cuộc chiến của công chúng Nga sẽ tiếp tục khiến những cuộc tấn công này được thực hiện trong suốt cuộc xung đột.

“Không ai có thể đoán được tiến triển của những hoạt động này nhưng ít nhất chúng ta có thể tin rằng tần suất những cuộc tấn công thể hiện điểm yếu trong hệ thống quốc phòng của Nga như thế này sẽ còn tiếp tục được giữ vững”, ông Giles cho biết.


Nguyễn Quang Minh (theo CNN)

Chia sẻ Facebook