Ukraine chật vật trước thế tiến công của quân Nga ở miền Đông

Chia sẻ Facebook
28/05/2022 10:04:34

Kyiv thừa nhận rằn tình hình rất căng thẳng khi 25 tiểu đoàn Nga đang cố gắng bao vây các lực lượng Ukraine ở Donbass. Một tiểu đoàn đầy đủ có khoảng 800 quân.


Nga hiện đang chiếm ưu thế trong giao tranh ở khu vực Luhansk trong khi các lực lượng Ukraine phải rút lui khỏi một số vị trí của họ ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine, một quan chức cấp cao của Quân đội Ukraine thừa nhận.

Trong cuộc họp giao ban hôm 26/5, Tướng Oleksiy Gromov nói: “Nga có lợi thế, nhưng chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể”.

Ông Gromov cũng cho biết, Ukraine đã quan sát thấy Nga đang chuyển các hệ thống tên lửa Iskander đến khu vực Brest ở miền Tây Belarus. Điều này, theo ông Gromov, làm dấy lên quan ngại về khả năng xảy ra các cuộc tấn công tên lửa mới vào miền Tây Ukraine.

Nga đã điều hàng nghìn quân tham gia cuộc tổng tấn công ở miền Đông, tiến công từ 3 hướng nhằm bao vây các lực lượng Ukraine ở Severodonetsk và Lysychansk. Nếu 2 thành phố này thất thủ, gần như toàn bộ tỉnh Luhansk sẽ nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga.

Lực lượng thân Nga bắn đạn pháo về hướng Severodonetsk, tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine. Ảnh: The Guardian

Trong bối cảnh xuất hiện thông tin về thị trấn Lyman ở phía Bắc tỉnh Donetsk, nơi có một giao lộ đường sắt quan trọng, phần lớn đã bị quân Nga chiếm giữ, Bộ tổng tham mưu Ukraine báo cáo rằng các lực lượng Nga cũng đang đạt được bước tiến ở Severodonetsk, Bakhmut và Avdiivka.

Ông Serhiy Haidai, Thống đốc Luhansk của phía Ukraine, cho biết chỉ 5% tỉnh này hiện nằm trong tay Ukraine - giảm so với khoảng 10% cách đây hơn một tuần - và các lực lượng Ukraine đang rút lui ở một số khu vực.

Ông Haidai cho biết, tuyến đường cuối cùng ra khỏi Lysychansk và Severodonetsk, nằm 2 bên bờ sông Siversky Donets, vẫn nằm ngoài vòng kiềm tỏa của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên mạng xã hội, ông Haidai cho biết, khoảng 50 binh sĩ Nga đã tiến vào đường cao tốc nối Lysychansk với Bakhmut nơi quân Ukraine đang trấn giữ, và đôi lúc có chiếm được một vài vị trí và lập chốt ở đó.

Tuy nhiên, các chốt này nhanh chóng bị phá vỡ. Quân đội Nga hiện không kiểm soát tuyến đường, nhưng họ đang pháo kích vào đó.

"Ngay từ ngày đầu tiên, toàn bộ lãnh thổ tỉnh này, tất cả các vị trí của quân đội Ukraine đều bị pháo kích. Nhiều công trình kiên cố của chúng tôi đã bị phá hủy", Thống đốc Lugansk nói, đồng thời giải thích quân của ông đang dần rút lui về các vị trí phòng thủ tốt hơn.

Theo ông Haidai, quân Ukraine sẽ phải tiếp tục rút lui, có thể là khỏi 1-2 khu định cư. “Chúng ta cần chiến thắng trong cả cuộc chiến chứ không phải chỉ trận chiến này”.

Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng kết quả của trận chiến giành 2 thành phố Lysychansk và Severodonetsk sẽ là một bước ngoặt của cuộc xung đột, vì giờ đây Nga đã xác định mục tiêu chính của họ là ở miền Đông Ukraine.

Moscow gọi các hành động của mình kể từ ngày 24/2 là một "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm giải giáp Ukraine và loại bỏ cái mà nước này gọi là chủ nghĩa dân tộc chống Nga do phương Tây kích động. Ukraine và phương Tây cho rằng Nga đã phát động một cuộc tấn công quân sự vô cớ.

Khói bụi bốc lên theo sau đợt tấn công vào một nhà máy ở thành phố Soledar, Donetsk (Donbass), ngày 24/5/2022. Ảnh: CBC News

Nếu việc Lyman thất thủ trước quân Nga được xác nhận, điều này nghĩa là các lực lượng Nga dễ dàng cô lập thành phố Severodonetsk, nơi đã bị pháo kích không ngừng trong nhiều ngày qua.

Theo các tường thuật đăng trên mạng xã hội, những binh sĩ Ukraine bảo vệ Lyman đã rút về vùng ngoại ô phía Nam, mặc dù giao tranh vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt là xung quanh các khu vực đường sắt trong thành phố, The Guardian cho biết.

Bên ngoài Severodonetsk, hiện là tâm điểm trong đợt tấn công mới của Moscow ở Donbass, ông Haidai nói rằng tình hình "rất khó khăn".

Dự đoán “tuần tới sẽ mang tính quyết định”, Thống đốc Lugansk cho biết, thành phố đang phải hứng chịu “một lượng pháo kích khổng lồ” bởi quân đội Nga đang cố gắng hạ gục thành phố này.

Các nhà báo của Reuters hoạt động trên lãnh thổ do Nga nắm giữ ở xa hơn về phía Nam đã thấy bằng chứng về bước tiến của quân Nga tại thị trấn Svitlodarsk, nơi các lực lượng Ukraine đã rút lui hồi đầu tuần.

Thị trấn hiện nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các chiến binh thân Nga.

Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, ông Vadym Denisenko, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 26/5 rằng tình hình rất căng thẳng khi 25 tiểu đoàn Nga cố gắng bao vây các lực lượng Ukraine. Một tiểu đoàn đầy đủ có khoảng 800 quân.

"Mọi thứ bây giờ đều tập trung vào Donbass".

Những bước tiến gần đây của quân Nga ở Donbass, theo sau chiến thắng ở Mariupol vào tuần trước, cho thấy một sự thay đổi trong động lực trên chiến trường.

Hiện trạng của Donetsk và Lugansk (gọi chung là Donbass), miền Đông Ukraine, trước khi xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng phát vào ngày 24/2/2022. Ảnh: Al Jazeera

Mỹ cảnh báo Ukraine về nguy cơ leo thang xung đột với Nga

Mỹ đã thảo luận với Kyiv về nguy cơ leo thang xung đột nếu các lực lượng Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, Reuters đưa tin hôm 26/5.

Reuters dẫn nguồn quan chức Mỹ và các nguồn tin ngoại giao cho biết, các cuộc thảo luận giữa 2 bên không đặt ra giới hạn địa lý trong việc sử dụng vũ khí mà các lực lượng Ukraine được cung cấp, nhưng nhấn mạnh nguy cơ leo thang xung đột, đồng thời mong muốn đạt được nhận thức chung về nguy cơ này.

“Chúng tôi lo ngại về sự leo thang nhưng vẫn không muốn đặt ra giới hạn địa lý hoặc trói tay họ quá nhiều khi sử dụng những thứ mà chúng tôi đang cung cấp cho họ”, một quan chức Mỹ nói với Reuters.

Bộ Quốc phòng Ukraine đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo phương Tây rằng việc cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí có khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga sẽ là "một bước đi nghiêm trọng dẫn tới sự leo thang không thể chấp nhận được", theo các bình luận đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga hôm 26/5.

Các quan chức Nga đã nhiều lần cáo buộc Quân đội Ukraine thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới, bao gồm cả vào một kho nhiên liệu ở thành phố Belgorod, miền Tây nước Nga.

Ảnh do Cơ quan Báo chí Bộ Khẩn cấp Nga công bố, ngày 1/4/2022, quang cảnh địa điểm xảy ra hỏa hoạn tại một kho dầu ở vùng Belgorod, Nga. Ảnh: Daily Sabah


Moscow biện minh cho cuộc tấn công quân sự vào Ukraine một phần dựa trên tiền đề rằng Ukraine là một mối đe dọa đối với Nga - một ý tưởng mà Kyiv và phương Tây bác bỏ.

Một nguồn tin ngoại giao Mỹ nói với Reuters, có dấu hiệu rõ ràng rằng Kyiv hiểu rõ tính nhạy cảm của các hành động xuyên biên giới.

Ukraine đã từ chối xác nhận bất kỳ sự liên quan nào trong những vụ việc bị cáo buộc đó. Mỹ cũng không bình luận.

Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán với Nga, Ukraine về hành lang xuất khẩu ngũ cốc

Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán với Nga và Ukraine về việc mở một hành lang qua eo biển Bospho cho xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters hôm 26/5.

Các cảng ở Biển Đen của Ukraine đã bị phong tỏa kể từ khi xung đột với Nga bùng phát từ hồi cuối tháng 2, và hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đã bị mắc kẹt trong các hầm chứa trong khu vực.

Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu, và việc thiếu nguồn xuất khẩu từ Ukraine đang góp phần vào cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng.

"Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán với cả Nga và Ukraine để xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra ", vị quan chức này cho biết.

Văn phòng Tổng thống Tayyip Erdogan đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Một tàu hải quân Nga đi qua eo biển Bosporus qua Istanbul trên đường đến Biển Đen vào ngày 16/2/2022. Ảnh: Foreign Policy

Thổ Nhĩ Kỳ đã có 2 tàu khu trục nhỏ, 2 tàu ngầm và nửa tá tàu tuần tra và tấn công nhanh ở Biển Đen và nhiều phương tiện hơn nữa có thể nhanh chóng được triệu tập để tiến hành nhiệm vụ trên, ông Yoruk Isik, người đứng đầu công ty tư vấn Bosphorus Observer có trụ sở tại Istanbul, cho biết.


Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tuần tra các tuyến đường hành lang lương thực và cũng có thể dọn sạch những quả mìn đã bị bỏ lại ở Biển Đen trong cuộc xung đột Nga-Ukraine .


Minh Đức (Reuters, CBC News, The Guardian, DW)

Chia sẻ Facebook