Tỷ phú Trung Quốc này vẫn gấp đôi tài sản bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ
Sau khi chính phủ Mỹ cấm doanh nghiệp nước này nhập khẩu các sản phẩm của Hoshine Silicon, Luo Liguo và gia đình của ông lại ngày càng giàu có và phạm vi hoạt động của công ty vẫn đang được mở rộng.
Khoảng một năm trước, Mỹ ra lệnh trừng phạt thương mại với một công ty Trung Quốc ít được biết đến trong chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời, Hoshine Silicon Industry Co., với cáo buộc công ty này sử dụng lao động bị cưỡng bức ở khu vực Tân Cương. Lệnh trừng phạt này có tác động ngay lập tức và lâu dài, khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia này trở nên tồi tệ và đẩy ngành năng lượng mặt trời của Mỹ vào hỗn loạn.
Tuy nhiên, xét về mục tiêu kinh tế và chính sách của họ, các biện pháp này lại không thành công. Bởi, giá cổ phiếu của Hoshine tăng 111% kể từ khi lệnh trừng phạt được công bố. Tài sản của người sáng lập, Luo Liguo và gia đình ông cũng tăng hơn 2 lần. Và với khoản đầu tư 1 tỷ USD từ gia đình Luo, Hoshine đang mở rộng hoạt động ở Tân Cương, tiếp tục tăng trưởng và củng cố vị trí của họ trong chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời.
Thành công liên tục của Hoshine cho thấy giới hạn của các hành động đến từ Mỹ, ngay cả khi lệnh trừng phạt mới mở rộng với các sản phẩm có xuất xứ từ Tân Cương. Hoshine là nhà sản xuất silicon công nghiệp hàng đầu thế giới và là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời. Dù nhu cầu từ Mỹ giảm, song lại được bù đắp nhiều hơn bằng đơn hàng sang châu Âu, khu vực đang muốn loại bỏ nguồn cung khí đốt của Nga. Chưa kể, Mỹ cũng phần nào ngừng hạn chế Hoshine tiếp cận thị trường tài chính Mỹ.
Hoshine không phải là công ty duy nhất trong chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời có liên quan đến lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Trong khi đó, ông James Cockayne, cựu giáo sư tại Đại học Nottingham, cho biết các công ty Trung Quốc thống trị lĩnh vực năng lượng mặt trời đến nỗi người mua Mỹ khó mà tìm được nhà cung cấp thay thế. Vì vậy, lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khiến các nhà nhập khẩu của nước này chịu thiệt hại nhiều hơn là các nhà sản xuất Trung Quốc. Chưa kể, triển vọng về nhu cầu đối với các sản phẩm này đang rất khả quan ở các thị trường khác.
Sau khi các lệnh trừng phạt được công bố, nhập khẩu sản phẩm liên quan đến năng lượng mặt trời của Mỹ giảm mạnh. Từ tháng 7/2021 đến tháng 5 năm nay, nhập khẩu các sản phẩm này đạt 4,1 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của BloombergNEF .
Trong khi ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ gặp khó khăn, Hoshine lại ghi nhận năm kinh doanh tốt nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2017. Giá silicon công nghiệp tại Trung Quốc tăng 300% trong mùa thu năm ngoái sau khi các nhà sản xuất ở một khu vực khác của Trung Quốc buộc phải cắt giảm sản lượng để tiết kiệm điện trong bối cảnh cả nước đang thiếu than.
Xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến năng lượng mặt trời của Trung Quốc nói chung tăng 71% lên 35,6 tỷ USD trong giai đoạn tháng 6/2021 – tháng 5/2022. Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan là những quốc gia nhập khẩu lớn nhất, ngoài ra còn có Brazil, Nhật Bản và Australia.
Vốn hoá thị trường của Hoshine tăng từ dưới 9 tỷ USD vào đầu tháng 6/2021 lên 41 tỷ USD vào ngày 14/9/2021. Giá silicon và định giá của Hoshine có xu hướng giảm từ sau đó, song giá cổ phiếu trên Sàn giao dịch Chứng khoán Thượng Hải vẫn tăng 11% kể từ khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt.
Con gái của ông Luo là Luo Yi, hiện là phó chủ tịch của Hoshine. Người con trai là Luo Yedong, giữ chức tổng giám đốc. Theo đó, tài sản của gia đình Luo cũng tăng lên theo giá cổ phiếu của công ty. Ông Luo và các con sở hữu 76% cổ phần của Hoshine. Tính chung, tài sản của gia đình Luo là khoảng 12,8 tỷ USD sau khi loại bỏ số cổ phần thế chấp, theo Bloomberg Billionaires Index .
Tiềm năng của Hoshine vẫn còn nhiều. Bởi, các quốc gia khác đã không theo phe Mỹ trong việc ban hành các biện pháp trừng phạt đối với công ty này, đồng thời, nhu cầu về pin mặt trời của họ lại đang tăng mạnh.