Tỷ phú Trần Đình Long: “Ông trời đã bắt Hòa Phát phải làm việc khó”

Chia sẻ Facebook
12/04/2024 03:54:04

Theo ông Trần Đình Long, 5-10 năm tới, Hòa Phát muốn dành toàn lực cho sản xuất thép, thị trường hiện cạnh tranh rất khốc liệt nên không mở rộng sang kim loại màu.

Sáng 11/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 để trình cổ đông thông qua các kết quả kinh doanh đã đạt được năm 2023 và kế hoạch kinh doanh trong năm 2024.

Mở đầu đại hội, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát đã có lời cảm ơn đến các cổ đông đã tham gia chuyến thăm Khu liên hợp sản xuất thép Dung Quất và khẳng định đây sẽ trở thành hoạt động thường niên cho các cổ đông.

Ông Long cũng chia sẻ thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), tập đoàn có gần 170.000 cổ đông tính tới ngày chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ - thuộc diện đông nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay.

“Dưới một góc nhìn nào đó chúng ta cảm thấy tự hào. Lượng cổ đông lớn và lượng giao dịch hàng ngày lớn chứng tỏ tính đại chúng của tập đoàn rất cao", ông Long nói.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ năm 2024 của Tập đoàn Hoà Phát sáng 11/4.

Dung Quất 2 hoàn thành sẽ giúp doanh thu lên 200.000 tỷ đồng

Tại phiên họp lần này, tập đoàn thép đầu ngành đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023. Nếu đạt được đây sẽ là mức doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử và lợi nhuận cao nhất từ năm 2022.

Năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 120.355 tỷ đồng doanh thu và 6.800 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 16% và 19% so với năm 2022. Lợi nhuận năm 2023 đạt 85% kế hoạch và giảm so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do lĩnh vực kinh doanh thép giảm 22% lợi nhuận so với cùng kỳ.

Chia sẻ tại đại hội, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát nói rằng, lợi nhuận năm 2023 thấp hơn so với mọi năm, tuy nhiên giữa bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, để đạt được con số đó lãnh đạo và toàn thể công ty đã cố gắng nỗ lực rất nhiều.

Ông Thắng cho hay, kết quả kinh doanh năm 2024 chưa thể tăng trưởng đột biến dù năm 2022-2023 là đáy, do nền kinh tế vĩ mô vẫn đang gặp khó khăn. Lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là tại Trung Quốc vẫn chưa "ấm lên". Ở Mỹ và châu Âu, Fed vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ cứng rắn do lạm phát vẫn ở mức cao.

Tại đại hội, Tổng Giám đốc Hoà Phát chia sẻ, sau khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành, doanh thu của Hòa Phát có thể lên đến 200.000 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Hoà Phát cũng chia sẻ, sau khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành, doanh thu của Hòa Phát có thể lên đến 200.000 tỷ đồng và tỉ trọng doanh thu của mảng thép sẽ chiếm 95% tổng doanh thu, tăng lên từ mức 85-90% những năm qua.

Trước câu hỏi khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, nếu bất động sản Trung Quốc vẫn gặp khó khăn thì công ty sẽ bán hàng thế nào, ông Thắng chia sẻ, tập đoàn đang chiếm 35% thị phần thép xây dựng và vẫn luôn duy trì thị phần kể cả lúc khó khăn.

“Thị trường trong nước vẫn là chính và có cả xuất khẩu. Chúng tôi không có khó khăn gì trong vấn đề bán hàng. Trong năm 2024 đầu tư công đang được đẩy mạnh và Hòa Phát đang cung cấp thép cho một loạt dự án trọng điểm. Đây sẽ là cơ hội tốt cho tập đoàn. Với HRC, khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, bộ phận xuất khẩu đã tiến hành đi tìm thị trường để có thể bán được số thép đó", ông Thắng nói.


Ngành thép đang rất khốc liệt

Chia sẻ thêm với cổ đông, Chủ tịch Trần Đình Long tiết lộ, Hòa Phát đang nghiên cứu làm tôn silic, đầu vào cho thép mô tơ điện, máy biến thế và sẽ làm từ gốc. Đây là sản phẩm chưa công ty nào ở Việt Nam làm được.

Ngoài ra, giai đoạn 2 ở dự án Dung Quất 2 sẽ làm đường ray xe lửa nhưng không phải loại đường ray thông thường mà là đường ray cho tàu tốc độ cao. Ông Long cũng bày tỏ mong muốn tham gia đấu thầu các hạng mục trong dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nếu được.

"Ông trời đã bắt Hòa Phát phải làm việc khó", Chủ tịch Trần Đình Long nói.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát.

Theo ông Long, trong chiến lược dài hạn của Hòa Phát, công ty sẽ tăng cường sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao. Sau khi xong Dung Quất 2, sản lượng thép chất lượng cao có thể đạt được công suất 11 triệu tấn. Công ty sẽ không mở rộng quy mô sản xuất tôn và ống thép.

Ông cũng chia sẻ, công ty đã nghiên cứu sản xuất bô xít và nhôm tại Đăk Nông nhưng hai tuần trước đã phải chia sẻ với lãnh đạo tỉnh rằng, Hòa Phát chưa tuyên bố bỏ nghiên cứu dự án này nhưng nếu có doanh nghiệp khác ngỏ lời, thì có thể để cơ hội cho người ta.

“Trong 5-10 năm tới, Hòa Phát muốn dành toàn lực cho sản xuất thép - khi thị trường hiện cạnh tranh rất khốc liệt nên sẽ không mở rộng thêm sang kim loại màu”, ông Long chia sẻ và tâm sự “ngành thép hiện tại khốc liệt hơn tôi nghĩ rất nhiều!”.

Dù vậy, tập đoàn vẫn dự kiến đầu tư 5 tỷ USD vào dự án thép tại Phú Yên - tương đương Dung Quất 2. "Chúng tôi muốn trở thành một trong 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Nếu mà chúng ta không thay đổi, không nâng cấp thì sẽ bị đè bẹp", ông Long nói.

Ông Trần Đình Long cũng chia sẻ về mục tiêu đa ngành: "Với các tập đoàn sản xuất lớn, đa ngành là xu hướng không thể thay đổi. Về sách lược, ở từng thời điểm chúng ta phải có những bước đi thích hợp. Ở ngắn hạn, chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào thép và không có ý định thoái vốn mảng nào".

Chia sẻ với cổ đông về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Long nói rằng quý I có thể nói là tương đối tốt, tập đoàn làm được tốt hai việc. Thứ nhất là tăng sản lượng bán hàng so với cùng kỳ. Thứ hai là sử dụng hết nguyên liệu tồn kho giá cao.


Ông Long cho biết, ước tính sơ bộ quý I/2024, Hoà Phát ghi nhận khoảng 31.000 tỷ đồng doanh thu và 2.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế .

Chia sẻ Facebook