Tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp, cảnh báo số trẻ mắc COVID-19 gia tăng
Bộ Y tế cho biết, trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại, ghi nhận nhiều bệnh nhân phải nhập viện và nhiều ca bệnh chuyển nặng.
Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 cho trẻ vẫn rất thấp
Mặc dù chỉ còn 1 tuần nữa để hoàn thành mục tiêu việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên hiện nay vẫn còn các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm chủng mũi nhắc lại cho đối tượng này dưới 20%.
Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 22/8, tổng số mũi tiêm vaccine COVID-19 triển khai ở nước ta là 254.786.196 liều.
Trong đó, trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, có tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại đạt 48%. Các địa phương có tỷ lệ tiêm thấp gồm Phú Yên (12,8%), Bình Thuận (24,6%), Bà Rịa-Vũng Tàu (14,4%), Đồng Nai (23,5), Bình Dương (22,7%).
Nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có tỷ lệ tiêm mũi 1 trên cả nước đạt 80,6%; mũi 2 đạt 51,2%. Trong đó, các địa phương có tỷ lệ tiêm thấp mũi nhắc lại ở đối tượng này gồm: Đà Nẵng (20,3%), Quảng Nam (17,2%), Khánh Hòa (29,4%), Bình Dương (27,2%).
Trước đó, chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được Bộ Y tế phát động từ giữa tháng 4/2022. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương tăng tốc tiêm vaccine cho trẻ để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tiêm chủng trong tháng 8 này.
Lý do tiến độ tiêm chủng cho nhóm trẻ thực hiện chậm được chỉ ra rằng, thời điểm nghỉ hè, trẻ cùng gia đình di chuyển nhiều nơi nên khó huy động trẻ đến tiêm. Bên cạnh đó, có hàng triệu trẻ các lứa tuổi đã mắc COVID-19 nhưng tình trạng bệnh nhẹ và phụ huynh không muốn cho con đi tiêm chủng vì cho rằng trẻ đã có miễn dịch tự nhiên hoặc trẻ chưa đủ thời gian tiêm vaccine sau khi mắc bệnh. Một số phụ huynh cũng có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, e ngại ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của trẻ nên không tích cực đưa trẻ đi tiêm.
Cảnh báo số ca mắc gia tăng khi trẻ đi học
Bộ Y tế cũng cho biết, những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại. Trong 7 ngày qua, cả nước ghi nhận hơn 18.500 ca mắc COVID-19, trung bình mỗi ngày phát hiện hơn 2.600 ca. Đặc biệt, trung bình mỗi ngày ghi nhận 1 ca tử vong.
Tại một số cơ sở điều trị COVID-19, bệnh nhân nặng đang có dấu hiệu gia tăng, trong số này nhiều trường hợp chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine COVID-19. Trong cuộc họp Tổ chuyên môn chăm sóc, điều trị các ca bệnh COVID-19 tại Bộ Y tế mới đây, báo cáo từ các bệnh viện cho thấy, các trường hợp nặng và tử vong do COVID-19 chưa tiêm vaccine chiếm 23-25% ở các tuyến. Riêng Bệnh viện Chợ Rẫy, tỷ lệ ca tử vong chưa tiêm vaccine COVID-19 là 50%.
Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo dõi chặt chẽ nhóm bệnh nhân nặng, tử vong, lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gen, theo dõi biến thể virus SARS-CoV-2.
Hiện, trong nước đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron (như BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc.
Các chuyên gia tiếp tục nhấn mạnh, tiêm vaccine là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, các chuyên gia lưu ý các địa phương có nhiều khu công nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố này cần chỉ đạo các khu công nghiệp triển khai tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 cần đạt tỷ lệ cao trên 90% để bảo đảm miễn dịch, duy trì liên tục công tác sản xuất, phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng với đối tượng trẻ em, khi thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, các chuyên gia cảnh báo, số trẻ mắc COVID-19 có thể gia tăng nhanh.
Từ thực tế điều trị bệnh nhân COVID-19, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc COVID-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí tử vong.
Nhiều trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu COVID-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi, gây hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục khẳng định, đến thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vaccine COVID-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Vaccine phòng COVID-19 hiện tại vẫn có tác dụng phòng bệnh trở nặng và tử vong khi mắc bệnh; giúp giảm thiểu quá tải hệ thống y tế; giảm tỷ lệ truyền nhiễm bệnh.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi sẽ tiêm mũi 3 ngay sau mũi 2 là 5 tháng; người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh 3 tháng. Với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nếu đã mắc COVID-19, sau 3 tháng nên đưa trẻ tới các điểm tiêm chủng.
Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tăng cường điểm tiêm chủng lưu động tại vùng khó khăn, tổ chức tiêm vét tại vùng có tỷ lệ thấp. Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo rà soát đối tượng học sinh, tổ chức tiêm vét cho trẻ để hoàn thành tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trước khi vào năm học mới.