Tỷ lệ nợ xấu tại Campuchia tăng lên gần 4.5% GDP
Sau khi hoàn thành quá trình Tham vấn Điều khoản IV bắt buộc tại Campuchia gần đây, phái đoàn công tác của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ các khoản vay tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng tư nhân tại Vương quốc đã tăng lên mức 13% GDP, tỷ lệ nợ xấu (NPL) cũng tăng lên gần 4.5% GDP.
Tỷ lệ nợ xấu tại Campuchia tăng lên gần 4.5% GDP
Tổng dư nợ tư nhân tại Campuchia đã phình lên mức 170% GDP. Theo nhận định của ông Alasdair Scott, người đứng đầu của phái đoàn IMF tại Vương quốc, đây là một vấn đề vô cùng quan ngại. Trong năm 2019 và 2020, tỷ lệ NPL tại Campuchia chỉ ở mức lần lượt 1.8% và 2.1% GDP.
Việc tỷ lệ NPL gia tăng nhanh được xem là hậu quả từ tác động của đại dịch COVID-19. Phái đoàn IMF cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Trung ương Campuchia ( NBC ) phải áp dụng biện pháp để kiểm soát xu hướng gia tăng này.
Báo cáo của phái đoàn IMF tại Campuchia cho biết: “Mức nợ tư nhân rất cao, làm dấy lên lo ngại về sự cản trở đến tăng trưởng kinh tế nếu như các nhà cho vay phải vật lộn để thu hồi nợ. Tăng trưởng tín dụng đã vượt xa tăng trưởng GDP danh nghĩa trong nhiều năm liên tục. Tỷ lệ dư nợ lĩnh vực tư nhân tại Campuchia cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực. Đáng chú ý là những số liệu này chưa kể đến khoản tín dụng, có thể là khá lớn, được cung cấp bởi những nhà cho vay không được giám sát (như các công ty xây dựng và các tiệm cầm đồ)”.
Báo cáo nêu: “NBC cần tiếp tục bình thường hóa các yêu cầu an toàn như trước đại dịch để hệ thống tài chính có thể trụ được trước những cú sốc trong tương lai. Hồi tháng 5/2020, NBC đã công bố chính sách tạo điều kiện cho việc tái cơ cấu các khoản vay. Từ tháng 12/2021 Ngân hàng đã thực hiện một bước đáng hoan nghênh là áp dụng lại các yêu cầu về dự phòng và chúng sẽ được tiếp tục thực hiện dưới sự giám sát nghiêm ngặt hơn. NBC cần chuẩn bị để nâng cao yêu cầu trích lập dự phòng và hướng dẫn các nhà cho vay gặp khó khăn về khả năng thanh toán để chủ động tăng vốn. Tiềm ẩn của tình trạng nợ cao dai dẳng là tình trạng mất khả năng chi trả của các doanh nghiệp, việc thực hiện tái cơ cấu nợ và ngân hàng cũng như các khuôn khổ bảo vệ tiền gửi”.
“Để giúp kiềm chế tăng trưởng tín dụng, NBC nên bổ sung các biện pháp này thông qua việc khôi phục dần các điều kiện tiền tệ về mức trước khủng hoảng. Cân nâng các yêu cầu về dự trữ tối thiểu đối với các tổ chức tài chính, trong đó ưu tiên nâng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ tối thiểu cao hơn tỷ lệ dự trữ đồng nội tệ”, theo báo cáo.
Về phương diện kinh tế, phái đoàn IMF nhận thấy rằng nền kinh tế Campuchia đang trên đà phục hồi sau những tổn thất do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, quá trình phục hồi đang đối mặt với những thách thức mới.
Báo cáo nêu thêm: “Từ nửa cuối năm 2021, tăng trưởng GDP đã phục hồi, chủ yếu nhờ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa. Thế nhưng trong năm nay, nền kinh tế Campuchia bị tác động bởi xu hướng tăng trưởng tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng giảm tại các nước phát triển và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn. Lạm phát trong tháng 6/2022 chạm mức 7.8%, theo sau xu hướng gia tăng đáng kể chi phí nhiên liệu và phân bón. Dù vậy, trong tháng 8 năm nay, lạm phát đã giảm xuống còn 4.9%. Lượng đơn đặt hàng xuất khẩu trong nửa cuối năm đã yếu đi; thị trường bất động sản đang chậm lại”.
Báo cáo lưu ý: “Giới chức phần lớn đã tiếp tục thực hiện các chính sách ứng phó khủng hoảng như cho vay và bảo lãnh, giảm thuế, trợ cấp lương và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghề, chuyển hỗ trợ tiền mặt đồng thời thu hồi các khoản chi liên quan đến Covid-19 khi tình hình dịch được cải thiện”.
“Dù đối mặt với những thách thức mới, xu hướng phục hồi được dự báo vẫn tiếp diễn. Tăng trưởng GDP thực được dự báo đạt 5% trong năm 2022 nhờ xuất khẩu tăng mạnh vào đầu năm. Trong năm 2023, tăng trưởng GDP được dự báo đạt gần 5.5% nhờ lĩnh vực du lịch tiếp tục phục hồi. Dù vậy, Camphuchia vẫn phải đối mặt với những thách thức bên ngoài và giá dầu tăng. Lạm phát được kỳ vọng chạm đỉnh trong năm nay, giảm lại trong năm 2023 và tiếp tục giảm thêm về sau đó”, báo cáo nêu.
“Tài chính công đươc kỳ vọng cải thiện dần. Áp lực chi tiêu và thu ngân sách nhà nước thấp hơn dự dự kiến khiến thâm hụt tài chính tăng lên mức trên 7% GDP trong năm 2021. Mức thâm hụt này được kỳ vọng giảm về chỉ còn trên 4% GDP trong năm 2022 và giảm tiếp sau đó. Gánh nặng nợ công vẫn dễ bị tổn thương trước những cú sốc khác đối với xuất khẩu và tăng trưởng. Tuy nhiên, rủi ro về gánh nặng nợ nước ngoài và nợ tổng thể vẫn ở mức thấp, nếu như trong thời gian tới nợ công được hạn chế và việc gia tăng nợ tư nhân không kéo theo việc gia tăng trách nhiệm đột xuất của Chính phủ”.
Báo cáo nêu thêm: “Nhu cầu về chi tiêu công tăng trong suốt giai đoạn đại dịch và có khả năng sẽ tăng hơn nữa để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu cho cơ sở hạ tầng hiện có, tăng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và giáo dục cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, huy động thu ngân sách nhà nước và đa dạng hóa nguồn thu là điều tối quan trọng; đơn giản hóa hệ thống thuế sẽ khuyến khích sự tuân thủ của người nộp thuế”.
“Thâm hụt tài khoản vãng lai đã mở rộng đáng kể và vị thế đối ngoại được dự báo vẫn yếu hơn nhiều so với mức được đưa ra dựa trên các nguyên tắc cơ bản và chính sách mong muốn trong trung hạn. Dòng vốn đầu tư nhìn chung vẫn ổn định dù rằng số lượng dự án đầu tư được phê duyệt giảm nhiều so với các năm trước. Tỷ giá hối đoái vẫn ổn định. Dự trữ ngoại hối tuy giảm nhẹ trong năm 2021 nhưng vẫn đủ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu trong 8 tháng.
Khai Tâm (Theo Khmer Times)