Tỷ giá USD/VND: Vẫn tương đối ổn, nhưng rủi ro đang tăng

Chia sẻ Facebook
16/07/2022 13:25:54

Theo chuyên gia, dù tỷ giá USD/VND vẫn đang duy trì khá ổn định nhưng rủi ro tỷ giá đã và đang tăng lên...

Đến cuối tuần qua, giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 2,82% so với đầu năm, tăng 1,86% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này không quá đột biến khi đặt trong khoảng biến động quanh 2% nhiều năm qua.

Đặc biệt, so với nhiều đồng tiền trên thế giới, VND vẫn đang là một trong những đồng tiền ổn định nhất.

Diễn biến một số đồng tiền trong khu vực và trên thế giới, cập nhật sáng 15/7 - Nguồn: MSB Research


Nhưng, phía trước, rủi ro đối với tỷ giá VND/USD vẫn tăng lên. Các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đã phát đi thông điệp thắt chặt tiền tệ mạnh tay, khiến áp lực bên ngoài lên VND khá lớn. Đáng chú ý, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang hướng về một đợt tăng lãi suất mới cao nhất trong khoảng ba mươi năm qua.

Trước những diễn biến bất lợi từ bên ngoài khiến áp lực tỷ giá tăng lên và nhu cầu USD tăng trong các tháng cuối quý 2/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động bán ra một lượng USD khá lớn để bình ổn nhu cầu thị trường và giữ ổn định tỷ giá, đồng thời, hút bớt lượng VND ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại.

Diễn biến tỷ giá USD/VND đang như thế nào so với khu vực? Liệu Việt Nam có đủ công cụ để điều hành, kiểm soát tỷ giá trong thời gian tới?

Diễn biến tỷ giá USD/VND từ đầu năm 2022 đến nay


Tỷ giá USD/VND có thể tăng 3 - 4% trong năm nay

TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng hơn 2% từ đầu năm. Nếu so sánh với giai đoạn 5-7 năm gần đây thì mức tăng này có thể gọi là cao vì các năm trước tỷ giá USD/VND vô cùng ổn định, một năm chỉ tăng 1,5% -2%. Tuy nhiên, so với mức tăng của các đồng tiền khác trên thế giới thì đây không phải là mức cao.

Để giải thích điều này, chúng ta phải nhìn vào lãi suất, bởi vấn đề tỷ giá bao giờ cũng phụ thuộc vào lãi suất.

Một đồng tiền có lãi suất cao bao giờ cũng có xu hướng tăng giá so với đồng tiền có lãi suất thấp. Đó là một quy luật tiền tệ tác động tới tỷ giá. Lãi suất VND hiện đang cao hơn gấp 3 - 4 lần lãi suất USD nên xu hướng ủng hộ cho sức mạnh của đồng VND vẫn lớn hơn so với xu hướng mất giá.

Thứ hai, trong sâu xa của tỷ giá có yếu tố lạm phát tác động vào. Vì sao? Lạm phát là một loại giá, tỷ giá cũng là một loại giá. Lạm phát tăng cao có nghĩa là sức mua đối nội của đồng tiền đó giảm xuống, còn tỷ giá là sức mua đối ngoại bên ngoài. Giữa sức mua đối nội và sức mua đối ngoại có những quan hệ mật thiết với nhau.

Hiện lạm phát của Mỹ đang rất cao, trên 9%. Lẽ ra, với thông tin này, thì đồng USD phải mất giá, bởi dù lãi suất USD có tăng nhưng vẫn ở mức thấp và do đó, đồng USD phải mất giá.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh, bên cạnh các yếu tố như lạm phát, lãi suất thì còn các yếu tố khác như chiến tranh, cấm vận, giá cả xăng dầu, rồi lời hứa hẹn tiếp tục tăng lãi suất của Fed nên các dòng vốn trên thế giới vẫn đang tập trung về thị trường Mỹ, tập trung vào các công cụ nợ, trái phiếu chính phủ Mỹ.

Với Việt Nam, lạm phát 6 tháng mới chỉ ở mức 2,44%, dự báo cả năm nay sẽ quanh 4%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với của Mỹ. Lãi suất đồng VND cao hơn lãi suất USD.

Lẽ ra, với hai yếu tố này, đồng VND sẽ tăng giá so với USD. Tuy nhiên, tổng hòa các yếu tố như đã phân tích ở trên thì đồng VND có mất giá nhưng mất giá không nhiều so với đồng USD.

Khác với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008 – 2009, khi các nước đua nhau phá giá đồng nội tệ nhằm tránh cuộc khủng hoảng, ngày nay, áp lực lạm phát cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu đã bắt đầu manh nha khiến các quốc gia đang tìm mọi cách chống đỡ để đồng tiền của mình không bị mất giá nhiều, thậm chí, nếu có điều kiện thì nâng giá. Bởi, nếu đồng tiền nội tệ mất giá mà quốc gia đó lại nhập siêu nhiều thì hàng hóa sẽ tăng giá, ảnh hưởng tới lạm phát.

Đối với Việt Nam, chúng ta có nhiều lợi thế để giữ ổn định tiền đồng, bên cạnh các yếu tố nội tại như lạm phát ổn định hơn so với Mỹ, lãi suất cao hơn Mỹ, có dự trữ ngoại hối tương đối cao - khoảng 14-15 tuần nhập khẩu, GDP tăng trưởng khá, 6 tháng đầu năm đã đạt 6,42%, dự kiến cả năm sẽ đạt 7%-7,5%, tình hình chính trị, xã hội ổn định, phục hồi sau đại dịch rất tốt cùng với Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ với các gói phục hồi kinh tế, Việt Nam vẫn là nơi có thể thu hút được dòng vốn bên ngoài, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Đó là các nhân tố căn bản làm cho cán cân thanh toán của chúng ta được củng cố, thặng dư, nhờ đó tăng cường dự trữ ngoại hối và chúng ta có thể có những can thiệp kịp thời.

Tựu chung lại, dựa trên các cơ sở căn bản của nền kinh tế cũng như những yếu tố tạo nên cán cân thanh toán quốc gia, tôi cho rằng trong năm nay, đồng USD có thể tăng so với VND, tuy nhiên, sẽ không nhiều, khoảng 3-4%.


Tỷ giá vẫn ổn định, nhưng rủi ro đang tăng

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Đến thời điểm hiện tại tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 2%. So với mức tăng từ 5 -10% của nhiều đồng tiền trong khu vực, tỷ giá USD/VND được đánh giá là khá ổn định. Có được điều này là nhờ chúng ta liên tục xuất siêu, nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI tăng trưởng ổn định, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức cao kỷ lục. Cùng với đó, NHNN điều hành chính sách linh hoạt, có can thiệp mua bán, vừa hỗ trợ thị trường, vừa kiểm soát lạm phát.

Với những thuận lợi như trên, tôi cho rằng từ nay đến cuối năm, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục được duy trì ổn định, chỉ tăng khoảng 2,5% - 3%.

Dù vậy, rõ ràng bài toán về rủi ro tỷ giá đã và đang tăng lên. Do vậy, chúng ta phải lưu tâm, phối hợp đồng bộ chính sách kinh tế vĩ mô, chủ động, bám sát diễn biến thị trường và can thiệp khi cần thiết.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đồng thời, xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi điều tiết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế - giáo dục… một cách phù hợp, nhịp nhàng, hiệu quả tránh giật cục, không phù hợp về thời điểm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông cùng các biện pháp bình ổn giá, nhất là các giai đoạn cao điểm nhằm giảm thiểu tâm lý quá lo sợ lạm phát và hiện tượng tăng giá "té nước theo mưa".

Chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0% đang gây nhiều bất lợi

TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Tới thời điểm hiện tại, lạm phát của Mỹ đã tăng tới 9,1%, trong khi đó, tại Việt Nam, con số này mới ở mức 2,44%. Lẽ ra, với yếu tố này, đồng USD phải mất giá so với VND khoảng 5-6%, vì lạm phát cao hơn.

Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ nằm ở đó. Một yếu tố tác động chiều ngược lại là thâm hụt cán cân vãng lãi của Việt Nam trong thời gian qua tương đối cao, theo đó đã tác động trực tiếp và tương quan tỷ giá hối đoái.

Như vậy, giữa một bên là yếu tố tác động làm tăng giá VND, một bên làm giảm giá VND, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giữ được đồng nội tệ ổn định như vậy là rất tốt, đồng thời, giữ được cam kết với Bộ Tài chính Mỹ, tránh bị gắn mác "thao túng tiền tệ".

Dù vậy, tôi cho rằng chính sách lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0% đang gây rất nhiều bất lợi trong quản lý ngoại hối khi nó khuyến khích dòng ngoại tệ nằm ngoài "biên giới" Việt Nam để hưởng lãi suất cao hơn trong khi các ngân hàng vẫn phải đi vay hàng tỷ USD để đáp ứng nhu cầu trong nước. Do đó, tôi cho rằng chúng ta cần phải có thay đổi để khắc phục dòng luân chuyển vốn.

Do Việt Nam neo tỷ giá hối đoái vào USD, đồng nghĩa với việc USD tăng giá kéo theo VND cũng tăng giá so với các đồng tiền khác (ngoài USD), từ đó ảnh hưởng tới xuất khẩu. Do đó, tôi cho rằng chúng ta có thể linh hoạt để đồng VND mất giá vài ba % để vừa hỗ trợ xuất khẩu, vừa đảm bảo mục tiêu quan trọng là kiềm chế lạm phát.

Bởi phần lớn lạm phát của Việt Nam là lạm phát nhập khẩu. Nếu chúng ta đẩy tỷ giá tăng 5-6% thì lạm phát sẽ bị đẩy lên rất khủng khiếp. Ổn định tỷ giá là một mục tiêu quan trọng để kiểm soát lạm phát chi phí đẩy hiện nay.

Chia sẻ Facebook