Tỷ giá bất ngờ hạ nhiệt vì đâu?

Chia sẻ Facebook
12/11/2022 10:06:28

Những dự báo gần đây đều cho rằng sức ép của thị trường ngoại hối càng về cuối năm sẽ càng tăng, do đó diễn biến tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt trở lại trong nửa đầu tháng 11 được đánh giá là tích cực. Đâu là yếu tố hỗ trợ xu hướng này?

Tỷ giá bất ngờ hạ nhiệt vì đâu?

Tín hiệu tích cực


Trong sáng 11/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh giảm 10 đồng giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN, xuống 24,860, đánh dấu lần giảm thứ 2 trong năm nay sau lần giảm đầu tiên vào ngày 19/01. Dù mức giảm chỉ khiêm tốn nếu so với tổng mức tăng 1,820 đồng đã thực hiện trong 6 lần tăng liên tiếp trước đó, động thái trên cũng gợi mở một số tín hiệu tích cực cho thị trường.

Tỷ giá trung tâm USD/VND cũng đang giảm từ đầu tháng 11 đến nay. Tính đến sáng 11/11, tỷ giá trung tâm đang nằm tại 23,863, giảm 12 đồng so với đầu tháng và giảm 20 đồng so với đỉnh cao 23,703 vào ngày 25/10. So với đầu năm nay, tỷ giá trung tâm đang tăng hơn 2.3% - vẫn đang cao so với mục tiêu 2% đề ra trong nhiều năm nay.


Không chỉ hạ nhiệt trên thị trường chính thức, thị trường tự do cũng chứng kiến giá đô la Mỹ đã có bước giảm đáng kể từ đầu tháng đến nay, với mức giảm xấp xỉ 100 đồng so với thời điểm cuối tháng 10. Hiện giá mua vào và bán ra USD tự do đã giảm về quanh mốc tương ứng 25,100 và 25,200 đồng, chênh lệch vẫn duy trì ổn định quanh mốc 100 đồng, cho thấy cung cầu trên thị trường tự do đang khá cân bằng.


Điểm đáng lưu ý là giá giao dịch USD tại các ngân hàng, khi một số nhà băng vẫn tiếp tục có động thái nâng giá mua vào USD , trong khi giữ ổn định ở giá bán ra, khiến chênh lệch mua - bán thu hẹp so với giai đoạn trước. Đơn cử như tại Vietcombank, giá mua vào trong chiều 11/11 nằm ở mức 24,717, chỉ còn thấp hơn 150 đồng so với giá bán ra là 24,867, trong khi giai đoạn trước mức chênh lệch này thường duy trì ổn định quanh mốc 280 đồng.


Việc các ngân hàng thương mại nâng mạnh giá mua vào USD , qua đó thu hẹp chênh lệch với giá bán là chuyển động mới hiếm thấy những năm gần đây, cho thấy cầu ngoại tệ trong hệ thống dường như vẫn đang tăng lên. Hoặc cũng có khả năng các ngân hàng đang chuẩn bị sẵn nguồn cung ngoại tệ để đáp ứng hoạt động cho vay cũng như nhu cầu cao điểm thanh toán, nhập khẩu giai đoạn cuối năm. Mới đây Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng tạo điều kiện và đáp ứng đủ vốn cho doanh nghiệp đầu mối vay vốn nhập xăng dầu, đảm bảo nguồn cung trong nước.

Tỷ giá trung tâm USD/VND cũng đang giảm từ đầu tháng 11 đến nay. Ảnh minh họa

Các yếu tố hỗ trợ


Những dự báo gần đây đều cho rằng sức ép của thị trường ngoại hối khi càng về cuối năm sẽ càng tăng dần, do đó diễn biến tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt trở lại trong nửa đầu tháng 11 được đánh giá là tích cực. Yếu tố hỗ trợ đầu tiên có lẽ đến từ việc đồng USD trên thị trường quốc tế cũng bất ngờ đi xuống trở lại, bất chấp động thái tăng lãi suất cơ bản USD thêm 0.75% của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp đầu tháng 11 vừa qua.


Mới đây nhất, vào ngày 10/11, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của nước này chỉ tăng 0.4% so với tháng trước và tăng 7.7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cả năm thấp nhất của CPI Mỹ kể từ đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8.2% ghi nhận trong tháng 9, đồng thời thấp hơn so với mức dự báo tăng 0.6% và 7.9% mà giới chuyên gia đưa ra.


Kết quả lạm phát tháng 10 ở Mỹ giảm mạnh hơn dự báo dù chưa mang đến kỳ vọng Fed sẽ sớm chuyển sang cắt giảm lãi suất, nhưng ít nhất cơ quan này cũng có thể giảm bớt tốc độ tăng lãi suất hoặc tạm dừng việc tăng lãi suất sớm hơn dự tính trong giai đoạn tới, sau khi đã thắt chặt quá nhanh trong những tháng gần đây. Điều này có thể làm giảm sức mạnh của đồng bạc xanh và thực tế chỉ số USD Index đã có phiên giảm hơn 2% vào ngày 10/11, mạnh nhất kể từ năm 2009, rớt về ngưỡng quanh 108 điểm, thấp nhất gần 2 tháng qua.

Việc các ngân hàng thương mại nâng mạnh giá mua vào USD, qua đó thu hẹp chênh lệch với giá bán là chuyển động mới hiếm thấy những năm gần đây, cho thấy cầu ngoại tệ trong hệ thống tăng lên đáng kể. Hoặc cũng có khả năng các ngân hàng đang chuẩn bị sẵn nguồn cung ngoại tệ để đáp ứng hoạt động cho vay cũng như nhu cầu cao điểm thanh toán, nhập khẩu giai đoạn cuối năm.


Ngoài yếu tố hỗ trợ từ diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế, nguồn cung ngoại tệ trong nước tiếp tục được cải thiện cũng góp phần hỗ trợ thị trường ngoại hối trong nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng qua ước đạt 312.8 tỷ USD , tăng 15.9% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 10 đạt 30.27 tỷ USD . Theo đó, tháng 10 bất ngờ chứng kiến xuất siêu ước tính lên đến 2.27 tỷ USD , nâng thặng dư cán cân thương mại hàng hóa lũy kế 10 tháng lên đến 9.4 tỷ USD , cải thiện đáng kể so với con số nhập siêu 0.63 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.


Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tại Việt Nam 10 tháng năm 2022 ước tính đạt 17.45 tỷ USD , tăng 15.2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua. Điểm đáng lưu ý là tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 22.46 tỷ USD , giảm 5.4% so với cùng kỳ năm trước. Việc nguồn vốn đăng ký sụt giảm có thể ảnh hưởng đến lượng vốn giải ngân trong tương lai.

Dự báo


Trong báo cáo mới đây, CTCK Vietinbank ( CTS ) cũng cho rằng trong những tháng cuối năm 2022, nguồn cung trên thị trường ngoại hối sẽ được bổ sung một lượng ngoại tệ từ kiều hối và kỳ vọng dòng tiền từ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước có thể phần nào giảm bớt áp lực cho tỷ giá USD /VND. CTS cũng dự báo tỷ giá USD /VND sẽ ổn định và giảm dần trong nửa cuối năm 2023, khi Fed kết thúc lộ trình tăng lãi suất.


Thực tế số liệu chia sẻ từ NHNN TPHCM cho thấy lượng kiều hối chảy về địa bàn này (vốn chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kiều hối mà cả nước nhận được) đạt hơn 4.78 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 51% so với cuối tháng 6 năm nay và bằng 68% so với cả năm 2021. Theo đó, nguồn cung ngoại tệ từ hoạt động kiều hối được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.


Ngoài ra, Việt Nam với tiềm năng tăng trưởng kinh tế tốt vẫn là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều dòng vốn ngoại, gia tăng nguồn cung USD từ thị trường quốc tế và không ngoại trừ khả năng NHNN có thể quay trở lại mua USD trong nửa cuối năm 2023 trên nền tỷ giá ổn định để củng cố lại dự trữ ngoại hối vốn đã giảm mạnh trong năm 2022.


Còn theo CTCK BIDV ( BSC ), mức độ mất giá của VND so với USD vẫn ở mức thấp so với nhiều đồng tiền khác như Yên Nhật, Bạt Thái, Nhân dân tệ, Won Hàn Quốc. Dự trữ ngoại hối hiện ước tính đạt 85.7 tỷ USD , NHNN vẫn còn dư địa để điều tiết tỷ giá. Đà tăng của tỷ giá có thể chậm lại khi NHNN nâng lãi suất điều hành giúp bình ổn lại dòng vốn ngoại đang có xu hướng chảy khỏi thị trường Việt Nam.

Nhung Võ

Chia sẻ Facebook