Tuyệt tác các căn phòng Raphael – Kỳ III: Thần tích của Cơ đốc giáo
Trong căn phòng này, Raphael đã tập trung nhiều hơn vào những vinh quang của nhà thờ Cơ đốc. Ông vẽ bốn cảnh trong Kinh Cựu Ước...
Stanze di Raffaello, hay các căn phòng Raphael, chính là chuỗi căn phòng được mở cho công chúng, nằm trong quần thể kiến trúc Thánh Điện tọa lạc tại Vatican. Thánh Điện hay Điện Tông Tòa bao gồm một loạt các công trình kiến trúc như: căn hộ Giáo hoàng; các văn phòng của Giáo hội Công giáo Rôma; nhà nguyện; bảo tàng Vatican và các thư viện Vatican. Thánh Điện cũng là nơi ở chính thức của Giáo hoàng.
Tiếp theo kỳ II
Tiếp nối kỳ II, sau khi tìm hiểu về căn phòng Stanza della Segnatura và hành trình tìm kiếm chân lý của nhân loại, chúng ta sẽ tiếp tục đi tới căn phòng thứ hai trong chuỗi các căn phòng Raphael: Stanza di Eliodoro.
Trong căn phòng này, Raphael đã tập trung nhiều hơn vào những vinh quang của nhà thờ Cơ đốc. Raphael vẽ bốn cảnh trong Kinh Cựu Ước trên trần nhà, và công việc còn lại thì được những trợ lý thực hiện. Toàn bộ căn phòng được hoàn thiện từ năm 1511 đến 1514. Stanza di Eliodoro lấy tên từ tác phẩm “Heliodorus bị trục xuất khỏi Thánh điện”.
Các tác phẩm trên mái vòm bao gồm:
The sacrifice of Isaac (Tạm dịch: Hy sinh Isaac) Jacob’s dream (Tạm dịch: Giấc mơ của Jacob) Moses before the burning bush (Tạm dịch: Moses trước bụi cây đang cháy) Noah leaving the ark (Tạm dịch: Noah rời khỏi con thuyền)
Các tác phẩm trên tường bao gồm:
The Expulsion of Heliodorus from the Temple (Tạm dịch: Heliodorus bị trục xuất khỏi Thánh điện) The Mass at Bolsena (Tạm dịch: Lễ Mét ở Bolsena) The Meeting of Leo the Great and Attila (Tạm dịch: Thánh Leo gặp Attila) Deliverance of Saint Peter (Tạm dịch: Giải thoát Thánh Peter)
Bốn tác phẩm chính
Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về câu chuyện đằng sau các tác phẩm trên tường:
1. Heliodorus bị trục xuất khỏi Thánh điện
Heliodorus là một viên tướng được nhà vua xứ Syria là Seleucus IV Philopator yêu cầu tới đoạt lấy của cải thuộc về một điện thờ ở Jerusalem. Số tiền này vốn được dành dụm để cho những người mẹ góa, con côi cần sự trợ giúp. Trước hành động của Heliodorus, vị linh mục tại điện thờ đã cầu nguyện, và Chúa trời cử một Thánh kỵ sĩ và hai Thiên thần tới để đuổi Heliodorus ra khỏi điện thờ.
Trung tâm của bức họa, thu hút ánh mắt người xem là hình ảnh người linh mục đang yên lặng cầu nguyện. Trong khi đó, cảnh Thánh kỵ sĩ và hai Thiên thần đánh đuổi Heliodorus như chực nhảy ra khỏi bức tường. Ở phía bên trái, Giáo hoàng Julius II đang chứng kiến sự việc. “Heliodorus bị trục xuất khỏi Thánh điện” có thể coi là một Thần tích trong Cơ đốc giáo.
2. Lễ Mét ở Bolsena
Lễ Mét ở Bolsena mô tả câu chuyện về một linh mục Bohemia, người đã nghi ngờ niềm tin về sự hóa thể trong tín ngưỡng Cơ đốc, một khái niệm trong đó bánh mì và rượu trở thành cơ thể, máu và linh hồn của Chúa Jesus. Chính vì nghi ngờ đức tin, nên trong một lần thực hiện nghi lễ vào năm 1263 tại nhà thờ Santa Cristina, vị linh mục đã tận mắt chứng kiến máu chảy ra từ mẩu bánh mì. Miếng vải bị vương máu đã được giữ lại như một Thánh tích tại thị trấn Orvieto. Giáo hoàng Julius II đã từng tới thăm Orvieto và cầu nguyện trước Thánh tích này vào năm 1506.
Trong bức “Lễ Mét ở Bolsena” của Raphael, Giáo hoàng trở thành một người tham gia buổi lễ, quỳ bên phải và chứng kiến Thánh tích. Bức tranh chia làm hai nửa. Nửa bên trái chính là những người đã chứng kiến Thánh tích trong quá khứ, và tập trung vào việc máu chảy ra từ mẩu bánh mì với những biểu cảm ngạc nhiên và xúc động. Trong khi đó, nửa bên phải chính là những người ở thời của Giáo hoàng Julius II, bình lặng hơn và tập trung vào hình ảnh Giáo hoàng đang cầu nguyện.
Raphael.
Raphael cũng xuất hiện trong tranh, đầu quay về phía khán giả như muốn trở thành người kể lại câu chuyện về “Lễ Mét ở Bolsena”. Ông cũng là người duy nhất trong tranh không tập trung vào Thánh tích.
3. Thánh Leo gặp Attila
Attila là Vua của đế chế Hung, một đế chế hùng mạnh bao gồm các bộ tộc tại Trung và Đông Âu thời bấy giờ. Trong thời gian ông ta nắm quyền lực, đế chế Hung đã từng là kẻ thù đáng sợ nhất của Đế chế La Mã. Attila đã từng hai lần vượt sông Danube, cướp bóc Balkans; vượt sông Rhine, đánh sâu vào Aurelianum, và chỉ gục ngã trong trận đánh trên đồng bằng Catalaunian. Sau đó, Attila tiếp tục đánh Ý, khiến những tỉnh miền Bắc nước này chìm vào chiến tranh, nhưng chưa thể tiến vào Rome thì qua đời vào năm 453.
Theo truyền thuyết thì Thánh Leo đã từng gặp vua Attila, và hứa rằng nếu ông ta không gây chiến với Rome thì một trong những người kế vị ông ta sẽ nhận được ngai vàng thần thánh, một danh hiệu do Giáo hoàng phong cho nhà Vua và Hoàng đế. Thông thường chỉ Hoàng đế La Mã mới nhận được vinh dự này.
Trong tranh, phía trên bầu trời là hai vị Thánh Peter và Paul đang chứng kiến lời ước hẹn của Giáo hoàng Leo (sau này ông được phong Thánh).
4. Giải thoát Thánh Peter
Bức “Giải thoát Thánh Peter” kể về câu chuyện của Thánh Peter như sau: Vua Herod hạ lệnh bắt giam Thánh Peter vào trong nhà ngục. Nhưng tối hôm đó, một Thiên thần xuất hiện, khiến cho xiềng xích rơi xuống, cửa ngục bật mở và dẫn lối cho Thánh Peter rời đi. Khi ông trở về nhà Mary, mẹ của John Mark, một người hầu nữ là Rhoda đã quá xúc động khi nghe tiếng ông, đến nỗi cô ta quên cả mở cửa mà chỉ cấp tốc chạy đi thông báo cho mọi người. Khi Thánh Peter vào đến nhà rồi, ông kể lại Thần tích mình đã trải qua buổi tối hôm đó.
Bức họa chia làm 3 cảnh: Ở trung tâm là Thiên thần xuất hiện và đánh thức Thánh Peter; bên phải là cảnh Thiên thần dẫn lối cho Thánh Peter rời đi trong khi những lính canh ngủ gục; bên trái là cảnh một lính canh đang đánh thức đồng bạn, kinh ngạc trước Thần tích xảy ra.
Những câu chuyện Raphael miêu tả trên mái vòm
Ngoài câu chuyện đằng sau các tác phẩm trên tường, còn là những cảnh trong Kinh Cựu Ước được Raphael vẽ trên mái vòm:
1. Hy sinh Isaac
Theo Kinh Thánh, Chúa trời yêu cầu Abraham phải thực hiện nghi lễ cúng tế, trong đó yêu cầu con trai của Abraham là Isaac phải trở thành “vật hy sinh”. Khi Abraham đang đưa con dao lên, thì một Thiên thần đột ngột xuất hiện, giữ lấy cánh tay của ông và can ngăn, còn một Thiên thần khác mang tới một con cừu đực. Chúa trời đã hướng dẫn Abraham sử dụng con cừu trong nghi thức cúng tế, thay cho Isaac.
Kể từ đó, việc cúng tế cừu vẫn được các tôn giáo liên quan tới tín ngưỡng Chúa trời thực hiện. Từ “chiên con” mà chúng ta vẫn thấy xuất hiện trong Cơ đốc giáo chính là chỉ những con cừu non dùng cho cúng tế.
2. Giấc mơ của Jacob
Jacob được mô tả trong Kinh Thánh Hebrew, Kinh Talmud của người Do Thái, Kinh Cựu Ước của Cơ đốc giáo và Kinh Qur’an của Hồi giáo là vị tổ phụ thứ ba của dân Israel. Theo Kinh Thánh, ông là con trai của Isaac và Rebekah, cháu nội của Abraham và Sarah, cháu của Bethuel, em trai sinh đôi của Esau.
Trong hành trình rời khỏi Beersheba và đi tới Haran, Jacob đã nằm mơ thấy một chiếc thang nối từ dưới đất lên trên Thiên đàng. Các Thiên thần qua lại trên chiếc thang đó, và khi Jacob nhìn lên trên cùng, Chúa trời đã nói chuyện với ông. Đây chính là câu chuyện mà bức “Giấc mơ của Jacob” kể lại.
3. Moses trước bụi cây đang cháy
Moses được xem như một nhà tiên tri quan trọng trong cả ba tín ngưỡng lớn là Kitô giáo, Do Thái giáo, và Hồi giáo. Ông là người đã tiếp nhận và phổ biến “mười điều răn” của Chúa Trời như những tiêu chuẩn đạo đức quan trọng nhất của nhân loại.
Trong truyền thuyết, khi dẫn bầy cừu lên núi Horeb, Moses đã nhìn thấy một bụi gai đang bốc cháy nhưng không lụi tàn. Tò mò, ông đến gần để quan sát kỹ hơn. Và tại đây, ông đã nghe được lời của Chúa Trời phán bảo. Moses có nhiệm vụ dẫn đường cho người Do Thái tới một miền Đất Hứa và ông cũng được ban cho rất nhiều quyền năng kỳ lạ. (Xem thêm: Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng: Truyền thuyết Moses rẽ nước Biển Đỏ )
4. Noah rời khỏi con thuyền
Sau trận mưa dài 40 ngày đêm, Đại hồng thủy diễn ra trong 157 ngày. Và khi nước lũ bắt đầu rút đi, con thuyền của Noah mắc lại trên rặng núi Ararat. Noah mở cửa sổ và thử cho một con quạ ra để xem nước đã rút cạn hay chưa, nhưng con quạ này lại chỉ dám lượn qua lượn lại. Lần tiếp theo, Noah cho một con bồ câu bay ra ngoài. Tuy nhiên nó không tìm được nơi đậu và phải bay trờ về.
Noah đợi thêm 7 ngày, rồi cho con bồ câu ra ngoài lần nữa. Khi bay về, con bồ câu ngậm theo một cành ôliu. Noah tiếp tục đợi 7 ngày, rồi lại thả con bồ câu ra, và lần này nó không quay về nữa. Noah bỏ tấm chắn, mở cửa thuyền, đi ra ngoài và thấy mặt đất đang dần khô lại. Ông tạ ơn Chúa trời, và nhận được sự hiển linh của Chúa.
Có thể nói rằng, những bức tranh trong căn phòng Stanza di Eliodoro tràn ngập các Thánh tích và Thần tích của tín ngưỡng Cơ đốc, trong đó có cả những vinh quang của nhà thờ Cơ đốc.
(Còn nữa)
Quang Minh
Mời nghe radio :