Tuyệt tác các căn phòng Raphael – Kỳ cuối: Constantine Đại đế

Chia sẻ Facebook
06/04/2023 12:22:29

Bức "Thập tự giá hiển thánh" kể câu chuyện về việc Constantine Đại đế nhìn thấy hình ảnh một cây thập tự giá to lớn xuất hiện trong...


Stanze di Raffaello, hay các căn phòng Raphael, chính là chuỗi căn phòng được mở cho công chúng, nằm trong quần thể kiến trúc Thánh Điện tọa lạc tại Vatican. Thánh Điện hay Điện Tông Tòa bao gồm một loạt các công trình kiến trúc như: căn hộ Giáo hoàng; các văn phòng của Giáo hội Công giáo Rôma; nhà nguyện; bảo tàng Vatican và các thư viện Vatican. Thánh Điện cũng là nơi ở chính thức của Giáo hoàng.

Cảnh Constantine Đại đế tham gia chiến trận. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Các kỳ trước :


Tiếp nối kỳ IV , sau khi tìm hiểu về căn phòng Stanza dell’incendio del Borgo và những Vinh quang của các Giáo hoàng, chúng ta sẽ tiếp tục đi tới căn phòng cuối cùng trong chuỗi các căn phòng Raphael: Sala di Costantino hay căn phòng Constantine.

Căn phòng Constantine cũng là một căn phòng nổi tiếng, nhưng không phải chỉ vì các tác phẩm bên trong phòng. Trong khi Raphael cùng các trợ lý đang hoàn thiện nó thì ông đột ngột qua đời một cách bí ẩn. Mặc dù các trợ lý đã cố gắng dựa trên ý tưởng của Raphael, nhưng họ không thể tái hiện được phong cách thần thánh của danh họa.

Toàn cảnh căn phòng Constantine (Ảnh: 0ro1, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Căn phòng Constantine cũng là căn phòng lớn nhất trong chuỗi các căn phòng Raphael. Chủ đề chính của căn phòng này là về Constantine Đại đế, hay nói chính xác hơn, là về việc Cơ đốc giáo đã khiến các tà giáo khác bị lu mờ như thế nào. Các tác phẩm trong căn phòng này được ba trợ lý của Raphael là Giulio Romano, Gianfrancesco Penni và Raffaellino del Colle hoàn thành. Riêng mái vòm của căn phòng này được Giáo hoàng Gregory XIII thay đổi với sự giúp đỡ của họa sĩ Tommaso Laureti và hoàn thành vào năm 1585.

Toàn cảnh căn phòng Constantine (Ảnh: 0ro1, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Nói riêng về Constantine Đại đế, ông là một vị Hoàng đế La Mã đầu tiên tin theo Cơ đốc giáo, và là người đã ban bố Sắc lệnh Milano chấm dứt cuộc thảm sát tín đồ Cơ đốc giáo trên toàn đế quốc. Ông cũng là người đã thiết lập và củng cố quyền lực của mình dựa trên niềm tin vào Chúa trời. Ông cho rằng nhiệm vụ của một vị Hoàng đế La Mã là duy trì trật tự đất nước, và trao toàn quyền cho những sứ giả của Chúa trời làm nhiệm vụ duy trì đức tin.

Các tác phẩm trong căn phòng Constantine bao gồm:

The Vision of the Cross (Tạm dịch: Thập tự giá hiển thánh) The Battle of Milvian Bridge (Tạm dịch: Chiến dịch trên cầu Milvian) The Baptism of Constantine (Tạm dịch: Lễ rửa tội của Constantine) The Donation of Constantine (Tạm dịch: Quyên tặng của Constantine) Và mái vòm với chủ đề: Triump of Christianity (Tạm dịch: Cơ đốc giáo khải hoàn)

Thập tự giá hiển thánh


Bức “Thập tự giá hiển thánh” kể câu chuyện về việc Constantine Đại đế nhìn thấy hình ảnh một cây thập tự giá to lớn xuất hiện trong ánh mặt trời, khi đang hành quân chuẩn bị cho trận đánh với Maxentius. Bên cạnh đó, ông nhìn thấy dòng chữ: “Εν τούτῳ νίκα”, có nghĩa là hãy chiến thắng nhân danh điều này (ý chỉ niềm tin vào Chúa). Như vậy, đây là một điềm báo đối với Constantine rằng, nếu ông tin vào Chúa trời, tin vào Cơ đốc giáo, thì ông sẽ thắng trận. Đối với Vatican, khoảnh khắc này đánh dấu mốc quan trọng cho việc Constantine sau này sẽ trở thành một vị Hoàng đế La Mã đầu tiên tin theo Cơ đốc giáo.

Bức “Thập tự giá hiển thánh”. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Bố cục trong bứ c “Thập tự giá hiển thánh” khá phức tạp, với hai vị Giáo hoàng ở hai bên, phía xa bên cạnh cây thập tự giá là một con rồng. Trong tranh có sự xuất hiện của người lùn, và một số tỷ lệ của các chiến binh không được cân xứng.

Chiến dịch trên cầu Milvian

Chiến dịch trên cầu Milvian xảy ra vào ngày 28 tháng 10 năm 312, giữa Hoàng đế La Mã Constantine và Maxentius. Sau khi thấy thập tự giá hiển thánh, Constantine đã tin vào Chúa trời, và vì vậy, ông ta đã đánh thắng trận Milvian.

Bức “Chiến dịch trên cầu Milvian”. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Cảnh vật trong tranh được mô tả đúng như cảnh thật, nằm tại phía Bắc của Rome. Phía xa bên trái, chúng ta có thể thấy đồi Monte Mario, ngọn đồi cao nhất Rome. Trên đồi còn có một ngôi nhà, chính là Villa Madama, nơi Raphael và Antonio da Sangallo thiết kế dành cho Giáo hoàng.

Lễ rửa tội của Constantine


Bức “Lễ rửa tội của Constantine” vẽ cảnh Giáo hoàng Sylvester I rửa tội cho Constantine Đại đế trong phòng rửa tội ở Rome.

Bức “Lễ rửa tội của Constantine”. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Giáo hoàng Sylvester I được vẽ theo hình dạng khuôn mặt của Giáo hoàng Clement VII, người đã yêu cầu hoàn thành bức họa dang dở.

Quyên tặng của Constantine


Bức “Quyên tặng của Constantine” kể về một sự kiện xảy ra ngay sau lễ rửa tội của Constantine Đại đế. Theo đó, ông đã trao cho Giáo hoàng quyền lực tại Rome và toàn bộ phần phía Tây của Đế quốc La Mã.

Bức “Quyên tặng của Constantine”. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Phía xa trong bức họa là một bệ thờ với những cây cột xoắn. Đây là những cây cột được Constantine trao tặng cho nhà thờ từ một ngôi đền Do Thái cổ bị đổ nát.

Cơ đốc giáo khải hoàn

Mái vòm của căn phòng Constantine được trang trí muộn hơn, dưới thời của Giáo hoàng Gregory XIII. Chủ đề của nó cũng chính là chủ đề bao quát căn phòng: Sự chiến thắng của Cơ đốc giáo.

Mái vòm căn phòng Constantine (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Phía dưới hình ảnh chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự giá là hình ảnh đổ vỡ của một bức tượng, tượng trưng cho những quan niệm sai lầm về Cơ đốc giáo cũng như những tín ngưỡng lệch lạc.

Bức tượng đổ vỡ dưới chân cây thập tự giá. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Căn phòng Constantine, căn phòng cuối cùng trong chuỗi các căn phòng Raphael, đã đánh dấu sự qua đời đột ngột của vị danh họa Phục Hưng tài ba, và cũng đánh dấu cho đỉnh điểm hoàng kim của hội họa phương Tây.


Quang Minh

Bức “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” của Raphael


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook