Tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: Đề 'dễ thở', điểm chuẩn sẽ tăng?
Hà Nội vừa kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với 3 môn thi đều được đánh giá là "dễ thở". Phía trước là 2 tuần phụ huynh nín thở chờ kết quả chấm thi.
Đề của cả 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội đều có điểm chung là không đột phá, thay đổi về cấu trúc, độ khó. Duy chỉ có một điều chỉnh về dung lượng, số ý trong đề thi nhiều hơn so với đề thi năm 2021. Lý do đề thi năm nay quay lại với quy định thời gian là 120 phút/môn đối với môn toán, ngữ văn (năm trước là 90 phút/môn) và 60 phút với môn ngoại ngữ (năm trước là 45 phút).
Đỉnh của phổ điểm khoảng 6-7,5 điểm
Không chỉ cấu trúc mà cách ra câu hỏi với môn ngữ văn cũng được giáo viên Hà Nội cho rằng "rất truyền thống". Theo cô Lê Hồng Đăng - Trường THCS Chu Văn An, Long Biên, Hà Nội, đề văn không chỉ quen về cấu trúc, mà còn về cách hỏi và ngữ liệu. Đề bám sát kiến thức căn bản nên điểm trung bình môn văn sẽ giữ ổn định dao động ở 6-7 điểm.
Tương tự, cô Đỗ Thu Hà, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), nhận định đề thi không đột phá, tương đối dễ nhưng để đạt được điểm cao từ 8 trở lên cũng không dễ. Những học sinh đạt 8 điểm trở lên môn văn sẽ là những em có năng lực học văn tốt, ôn thi kỹ. Đây cũng sẽ là nhóm đối tượng đăng ký vào những trường tốp đầu thành phố.
Đề thi toán nhìn chung là dễ thở nhưng theo nhóm giáo viên của hệ thống HOCMAI thì bài 5 và một vài ý trong đề có tính phân hóa. Đỉnh phổ điểm có thể rơi vào 6,5-7. Tuy nhiên, cũng như môn văn, nhóm học sinh đăng ký vào tường tốp đầu thành phố không khó lấy điểm 8 trở lên.
Môn tiếng Anh là môn duy nhất được đánh giá có điểm mới hơn, hay hơn, mặc dù về tổng thể vẫn không phải đề thi quá mới hay đột phá. Các phần kiến thức khó như cụm từ cố định, thành ngữ hay các từ vựng nâng cao không xuất hiện trong đề thi. Những câu hỏi về khả năng từ vựng nhiều hơn so với đề thi năm trước.
Hà Nội là địa phương có đông thí sinh dự thi và có khoảng chênh lệch lớn giữa khu vực thành thị - nông thôn, vùng núi. Vì thế nếu đỉnh phổ điểm như dự đoán rơi vào khoảng 6,5-7,5 điểm thì ở nhóm học sinh có năng lực, dự thi vào trường tốp đầu thành phố, mức điểm phổ biến sẽ vẫn là 8-9 điểm. Trong 3 môn thi, môn tiếng Anh cũng được dự đoán nhiều điểm 10.
Nếu so sánh với kỳ thi năm 2020 (tương đồng về số môn thi, thời gian làm bài thi/môn) thì mức điểm trung bình 3 môn thi của thí sinh không có nhiều biến động. Nhưng với các đề thi dễ như thế này, việc gặt hái ba điểm 8 trở lên của nhóm học sinh học lực giỏi không khó.
Điểm chuẩn trường tốp đầu có thể tăng nhẹ
Hà Nội phân chia 12 khu vực tuyển sinh, mỗi khu vực có 2-3 trường thuộc tốp đầu. Trong số các trường tốp đầu ở 1 khu vực tuyển sinh chỉ có 1 trường vượt lên. Các trường "top" thực sự căng thẳng về tuyển sinh trên toàn thành phố Hà Nội không đến 10 trường.
Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) là trường có tỉ lệ chọi cao nhất trong khối trường THPT ngoài công lập và cũng là nơi cạnh tranh của những học sinh có học lực khá và giỏi. Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng trường này, năm 2020 trường có mức điểm chuẩn 40,5 sau đó hạ còn 39 điểm. Như vậy thí sinh phải đạt mức điểm trung bình từ 7,8-8,1 điểm/môn thì cơ hội trúng tuyển mới có.
Đề thi, số lượng thí sinh dự thi và chỉ tiêu chỉ là các yếu tố chính, ngoài ra điểm chuẩn còn lệ thuộc vào nhiều việc. Ví dụ học sinh đỗ vào trường, nhưng đồng thời cũng đỗ nguyện vọng vào khối chuyên nên sẽ không nhập học. Số lượng này càng nhiều thì điểm chuẩn càng được hạ sau đợt đầu tuyển sinh.
Tuy nhiên, xem xét dựa trên yếu tố chính thì có thể dự đoán điểm chuẩn nằm ở khung nào. Ví dụ như Trường THPT Yên Hòa, theo nhận định của một số giáo viên THPT, thì điểm chuẩn sẽ nằm trong khoảng 39-42, trung bình mỗi môn thi khoảng 8-8,4 điểm.
Một số trường khác như THPT Chu Văn An (khối không chuyên), THPT Phan Đình Phùng, THPT Kim Liên, THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông... cũng dự đoán để chắc chắn thi đỗ, thí sinh cần đạt từ 8-8,5 điểm/môn. Như vậy, điểm chuẩn của các trường này có thể nhích lên khoảng 0,5-1 điểm.
Trong khi đó, những trường đứng đầu tốp thứ 2 như THPT Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng), THPT Quang Trung (quận Đống Đa), THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình)... cũng đang dự đoán điểm chuẩn ổn định so với mức năm 2020, nếu có sẽ tăng không đáng kể.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hội đồng chấm thi tuyển sinh lớp 10 sẽ làm việc ngay sau kỳ thi và chậm nhất là ngày 9-7 phải hoàn tất việc chấm thi để công bố kết quả cho thí sinh. Đồng thời, cùng ngày 9-7, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm chuẩn vào các trường chuyên và trường THPT công lập. Thí sinh chỉ được xác nhận nhập học với 1 nguyện vọng đăng ký từ ngày 10-7 đến hết ngày 12-7.
* Hội đồng chấm thi bắt đầu làm việc sau ngày 20-6 * Chậm nhất ngày 9-7 công bố kết quả thi công khai và bàn giao kết quả thi cho các cơ sở giáo dục để phát cho thí sinh. * Ngày 9-7, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn xét tuyển vào các trường THPT chuyên và trường THPT công lập khối không chuyên. * Thí sinh xác nhận nhập học từ ngày 10-7 đến hết ngày 12-7.
Gần 40% thí sinh sẽ trượt lớp 10 công lập
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội năm nay, mỗi thí sinh sẽ có 3 nguyện vọng vào trường THPT công lập khối không chuyên. Trong đó, nguyện vọng 1 và 2 phải cùng 1 khu vực tuyển sinh - nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú. Nguyện vọng 3 được đăng ký bất kỳ trong số 12 khu vực tuyển sinh.
Tuy nhiên, nếu thí sinh không đỗ nguyện vọng 1 thì điểm đảm bảo xét tuyển vào trường có nguyện vọng 2 bằng điểm chuẩn của trường cộng thêm 1,0 điểm. Tương tự nếu muốn xét tuyển nguyện vọng 3, sau khi đã trượt nguyện vọng 2, thí sinh cần có mức điểm bằng điểm chuẩn của trường cộng với 2,0 điểm. Ngoài ra, thí sinh có thể đăng ký các nguyện vọng vào trường chuyên, vào chương trình song ngữ tú tài (có quy định tuyển sinh riêng).
Năm nay số thí sinh dự thi thực tế tăng lên và chỉ tiêu tuyển sinh cũng được điều chỉnh theo nên vẫn chỉ có khoảng trên 60% thí sinh đỗ vào các trường THPT công lập. Ngoài ra, thí sinh có thể học các trường tư, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề.
Lập biên bản những bài thi bất thường
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, buổi thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có trên 1.000 thí sinh vắng thi. Trước đó trong buổi thi môn ngữ văn, cũng có 981 thí sinh vắng thi, buổi thi môn ngoại ngữ có 994 thí sinh vắng thi.
Theo ông Lê Đức Thuận, trưởng Phòng GD-ĐT quận Ba Đình, trong buổi thi ngày 19-6 có 7 biên bản được lập với trường hợp các bài thi có dấu hiệu bất thường. 7 biên bản này đều được lập ở điểm thi THCS Ba Đình, do thí sinh tẩy xóa ở mục tổng số tờ bài thi trên tờ giấy thi hoặc viết vào phần phách. Những biên bản bất thường này đã được nộp trong túi đựng bài thi và hồ sơ thi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thuận cho biết đây chỉ là biên bản ghi nhận sự việc, không phải hình thức kỷ luật. Việc tẩy xóa, viết nhầm có thể do thí sinh không để ý, nhầm lẫn. Nhưng vì trách nhiệm của giám thị phải lập biên bản để tiếp tục theo dõi các trường hợp này.
Tại quận Hà Đông có một số trường hợp cũng phải lập biên bản do biểu hiện bất thường: 1 thí sinh tô bằng ô vuông thay cho ô tròn và 1 thí sinh khác dùng bút bi thay cho bút chì như quy định để tô câu trả lời trong bài thi trắc nghiệm.
Điểm thi THCS Trần Đăng Ninh, Hà Đông có 1 thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Cô Nguyễn Thị Nhiếp, trưởng điểm thi này, cho biết thí sinh bị đình chỉ thi theo đúng quy chế. Điểm thi phải cử 1 cán bộ ngồi cùng thí sinh ở phòng chờ cho tới khi phụ huynh đến, bàn giao thí sinh cho phụ huynh vì lo thí sinh không bình tĩnh có thể hành động dại dột.
Gợi ý bài giải môn tiếng Anh tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội Chiều 18-6, các thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội tiếp tục làm bài thi môn ngoại ngữ. Dưới đây là đáp án gợi ý.