Tuyển sinh đại học 2022: Sức khỏe vẫn là nhóm ngành có sức hút lớn, điểm chuẩn cao

Chia sẻ Facebook
30/07/2022 23:29:57

Cũng giống như các ngành học khác, năm nay 11 ngành thuộc nhóm sức khỏe cũng giữ ở mức ổn định như 2 năm trước, điểm sàn từ 19 đến 22.


Việc quy định mức điểm sàn chung với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện bốn năm nay nhằm nâng cao chất lượng đầu vào với ngành nghề quan trọng, liên quan đến sức khỏe. Năm nay, đa số các chuyên gia đều cho rằng ngưỡng điểm như vậy phù hợp do đại dịch COVID-19 .

Theo TS Phạm Văn Tác - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế: "Năm nay, số lượng đăng ký vào đại học có tăng lên một chút. Tuy nhiên, với ngành Y có một số tác động nhất định do điều kiện COVID-19. Do vậy, ngưỡng điểm như vậy phù hợp với tất cả, trường công lập cũng như trường ngoài công lập. Đồng thời, tập trung nhiều vào các ngành lớn như Y đa khoa, Dược, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, đều là những đối tượng mà ngành Y tế đang rất cần, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 - những người trụ lực trong phòng, chống dịch cũng như chăm sóc sức khỏe cho người dân".

Trước đó, để đưa ra kết luận ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe cấp chứng chỉ hành nghề, hội đồng đã dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn. Bao gồm: phân tích tổng điểm, mức độ phân hóa của các môn tổ hợp B00 và so sánh với kết quả các năm 2020, 2021.

PGS.TS. Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học Trường Đại học Y Hà Nội - cho biết: "Trên cơ sở tổng chỉ tiêu của các trường có đào tạo ngành sức khỏe, cả công lập và ngoài công lập, chúng tôi cho rằng mức điểm này là phù hợp. Một là đảm bảo được chất lượng để các em có thể theo đuổi, học được các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe mà không ảnh hưởng đến việc đáp ứng các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Hai là đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và yêu cầu đổi mới của chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng sức khỏe người dân và nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế của đất nước trong thời gian tới, tầm nhìn đến năm 2025-2030".

Thực tế tuyển sinh đầu vào nhiều năm qua, sức khỏe vẫn là nhóm ngành có sức hút lớn với điểm chuẩn cao. Năm nay do số lượng thí sinh sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển đại học cao hơn năm 2021 nên để tránh quá tải hệ thống, các chuyên gia khuyên thí sinh sau khi tìm hiểu, các em nên suy nghĩ và đăng ký nguyện vọng sớm.


"Các em học sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng cần lưu ý: đăng ký nguyện vọng đầu tiên phải là ngành/trường mình yêu thích và muốn học nhất căn cứ vào điểm sàn mà Bộ GDĐT vừa công bố. Các em học sinh có nguyện vọng học tập tại trường, nếu đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì các em cần có điểm thi cao hơn điểm sàn và phải đặt nguyện vọng vào trường là nguyện vọng cao nhất" - TS Vũ Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định nói.

Năm 2022, các trường Y Dược dành từ 50-90% cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, một số trường chỉ sử dụng phương thức này để xét tuyển. Đáng chú nữa là năm nay, hầu hết các trường đào tạo ngành Y Dược đều tăng học phí. Cụ thể, học phí Đại học Y Hà Nội là 2,45 triệu đồng/tháng, tăng 71%; Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có mức tăng gấp 3 lần với mức cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm.

Chia sẻ Facebook