Tuyển sinh đại học 2022: Nhiều điều chỉnh có lợi, tránh "điểm cao không đỗ"

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 19:14:01

Trong năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để có thể khắc phục những hạn chế trong mùa tuyển sinh 2021.


Mùa tuyển sinh ĐH,CĐ năm nay sẽ có những thay đổi mới nào để các thí sinh gia tăng cơ hội trúng tuyển cũng như có thể khắc phục những hạn chế trong năm 2021.

Nhiều điều chỉnh có lợi cho thí sinh mùa tuyển sinh 2022

Đến hẹn lại lên, những thông tin về tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022 luôn thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của các sĩ tử.

Ảnh minh họa


Trong năm nay, trên hệ thống đăng ký xét tuyển , Bộ sẽ cập nhật dữ liệu, liên hệ dữ liệu cơ sở, dữ liệu ngành và dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo dữ liệu của em là chính xác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các trường khi tuyển sinh.

Theo giáo viên và học sinh, đây cũng là những điều chỉnh khá tích cực cho các thí sinh tham gia thi tuyển trong năm nay.


Năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển đại học chỉ 1 lần. Sau khi có điểm thi, các em sẽ có 3-4 tuần cân nhắc trước khi điền vào phiếu lựa chọn nguyện vọng.

Việc đăng ký dự thi và xét tuyển cũng sẽ thực hiện hoàn toàn trực tuyến, trên Cổng thông tin của Bộ giáo dục đào tạo. Phần mềm chung sẽ lọc ảo với tất cả phương thức, để mỗi thí sinh trúng tuyển nguyện vọng cao nhất.

Còn đối với các trường đại học xét tuyển riêng, thí sinh cần chú ý đăng ký và nộp hồ sơ xét tuyển cho cơ sở đào tạo nếu được yêu cầu.

Khắc phục tình trạng thiếu công bằng trong mùa tuyển sinh

Năm 2022, có tới 20 phương thức xét tuyển khác nhau để học sinh lựa chọn. Chính sự đa dạng này đang gây ra khó khăn cho các em trong việc nắm bắt thông tin.

Các trường cần giữ ổn định phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần phải có lộ trình giảm, tránh gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh và khắc phục tình trạng thiếu công bằng trong tuyển sinh. Đây là thông tin được đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo vừa công bố.

Theo đại diện Vụ giáo dục Đại học, hiện phương thức xét tuyển vào các trường đại học rất đa dạng nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào các phương thức như xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng… Tuy nhiên, việc phân bổ chỉ tiêu không hợp lý, có sự tăng giảm mạnh qua các năm, khiến thí sinh không chuẩn bị kịp cho mùa tuyển sinh đó.

Nhiều trường tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố dẫn đến thiếu đảm bảo công bằng đối với thí sinh. Ví dụ, điểm trúng tuyển theo kết quả THPT năm trước cao bất thường, có những thí sinh 30 điểm cũng không đỗ vào ngành học đã lựa chọn.

Hay các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau nhưng không có biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh, tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo lớn, đồng thời chưa tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn ngành học theo đúng nguyện vọng và năng lực nhất.

Thí sinh trước giờ thi tại điểm thi Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (cơ sở TP Thủ Đức) năm 2021. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Hơn 80 trường đại học ở TP Hồ Chí Minh tuyển sinh qua kỳ thi đánh giá năng lực

Chỉ còn 2 tuần nữa, học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đã bước sang năm thứ 5 tổ chức, ngày càng có nhiều trường đại học chọn xét tuyển thí sinh qua kết quả kỳ thi này. Cùng với đó, ngày càng có nhiều thí sinh đăng ký tham gia. Năm nay, do dịch bệnh phức tạp nên việc tổ chức thi có nhiều điểm mới.

100% học sinh khối 12 của Trường THPT Nguyễn Du TP Hồ Chí Minh đều đăng ký kỳ thi tuyển sinh đại học thông qua kỳ thi đánh giá năng lực. Tại TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ học sinh các trường THPT đăng ký kỳ thi này rất cao. Các em cho biết, sẽ có thêm cơ hội bước vào cánh cổng các trường đại học mong muốn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh và học sinh chưa hiểu rõ về kỳ thi này nên ngần ngại chưa tham gia. Nhiều phụ huynh vẫn khuyến khích con chọn xét học bạ.

Năm 2021, đợt 2 của kỳ thi đánh giá năng lực buộc phải hủy do dịch bệnh phức tạp. Năm nay, ban tổ chức quyết định tổ chức sớm cả 2 đợt thi (vào tháng 3 và tháng 5), đều diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Điều này sẽ giúp thí sinh quyết định sớm, giảm bớt áp lực căng thẳng trong kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 7.

Ước tính năm nay sẽ có khoảng 150.000 thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức tại 17 tỉnh, thành. Hiện có 7 trường đại học thuộc hệ thống ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chọn tuyển sinh hình thức này với tỷ lệ tuyển sinh rất cao. Ngoài ra, hơn 80 trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi này.

Chia sẻ Facebook