Tuyển dụng lao động du lịch khó, nhưng vẫn đủ thời gian để làm

Chia sẻ Facebook
03/04/2022 11:45:53

Tuyển dụng lại lao động du lịch sau đại dịch là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp khi phần lớn nhân sự của ngành này đã nghỉ, chuyển sang hoạt động trong các lĩnh vực khác.

Người dân thủ đô đi xem lễ hội khinh khí cầu cuối tháng 3-2022 - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong năm 2020, 52% lao động ngành du lịch đã nghỉ việc hoặc tạm thời nghỉ việc, số lượng người làm đủ thời gian chỉ chiếm 24%.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Phạm Văn Thủy cho biết: "Sau 2 năm đại dịch COVID-19, phần lớn số lượng nhân lực ngành du lịch đã chuyển sang ngành khác. Khi bắt đầu hoạt động lại du lịch, có những lực lượng lao động sẽ chủ động quay lại, nhưng có những lao động đã ổn định thu nhập trong lĩnh vực mới sẽ không quay lại".

Còn giữ được gần như toàn bộ nhân sự như thời điểm năm 2020, nhưng doanh nghiệp lữ hành Hanoitourist cũng đang khó khăn trong việc tuyển thêm nhân sự có kinh nghiệm.

Ông Lê Hồng Thái, phó giám đốc Hanoitourist, cho biết: "Ngoài những nhân sự cũ còn ở lại, chúng tôi phải chấp nhận tuyển mới và đào tạo tại chỗ, vì tuyển được lao động có kinh nghiệm rất khó khăn. Doanh nghiệp đang cần tuyển thêm 15% nhân sự để phục vụ cho hoạt động của công ty khi thị trường du lịch sôi động trở lại".

Là một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng được khách quốc tế quan tâm tại thủ đô, nhân sự của khách sạn De L’Opera cũng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện, số lao động đang đi làm tại doanh nghiệp chỉ chiếm 60% so với thời điểm tháng 2-2020.

Ông Lê Hồng Hải, tổng giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Dân chủ Hà Nội, chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất hiện nay không phải về phía người lao động, mà là khó khăn từ phía doanh nghiệp. Vì doanh thu của doanh nghiệp chưa đảm bảo được hết các chi phí phải trả cho hoạt động doanh nghiệp.

Việc tuyển dụng lại số lao động bị thiếu cũng rất khó khăn. Chúng tôi thấy rõ mức độ cạnh tranh trong tuyển dụng giữa nhân lực của ngành du lịch với các ngành khác, vì hiện tại mức thu nhập của ngành du lịch không còn được hấp dẫn như trước đây. Ngoài ra, cũng có sự cạnh tranh ngay giữa các doanh nghiệp lẫn nhau".


Các doanh nghiệp du lịch cũng có biết, tỉ lệ đặt phòng, tour vẫn chưa quá đông, hiện khách du lịch chủ yếu là khách nội địa. Dự kiến quý 4-2022 khách quốc tế mới quay trở lại đông, các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành vẫn có đủ thời gian để bổ sung nhân lực còn thiếu.

Bên cạnh tuyển dụng nhân lực mới, việc tập trung đào tạo tại chỗ với nguồn nhân lực hiện có để họ quay trở lại với nhịp điệu cũ rất quan trọng.

Theo Bộ Tài chính, ngân sách sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng lao động. Mức hỗ trợ lên tới 9 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Chia sẻ Facebook