Tuyên án cựu đại úy công an từng náo loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất

Chia sẻ Facebook
17/05/2023 22:39:59

Sau nửa ngày xét xử, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với cựu đại uý Lê Thị Hiền và đồng phạm.

Xin giảm nhẹ hình phạt vì có nhiều bằng khen, giấy khen

Các bị cáo trong phiên xử.

Chiều 17/5, Toà án nhân dân (TAND) TP.Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm cựu đại úy Lê Thị Hiền (40 tuổi, ở Hà Nội) và đồng phạm về tội "Cướp tài sản".

Phiên xét xử phúc thẩm được mở theo đơn kháng cáo của cựu Đại úy Lê Thị Hiền, Nguyễn Thị Minh Trang (SN 1993, ở Hà Nội), Trần Minh Hiếu (SN 2002, ở Phú Thọ) và Nguyễn Phương Trang (SN 2006, ở Hà Nội).

Vụ án từng được TAND quận Đống Đa xét xử sơ thẩm vào tháng 9/2022. Phiên tòa khi đó có 18 bị cáo, trong đó có Lê Thị Hiền. Bị cáo Hiền nhận 7 năm tù, bị cáo Minh Trang 7 năm tù, bị cáo Hiếu 5 năm tù, bị cáo Phương Trang 3 năm 6 tháng tù, cùng về tội “Cướp tài sản”. 14 bị cáo còn lại không kháng cáo sau khi lĩnh các mức án từ 3 năm 6 tháng đến 8 năm tù.

Hiền là người từng gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất, mắng mỏ nhân viên hàng không và chống đối lực lượng an ninh sân bay vào tháng 8/2019. Thời điểm đó, bị cáo đang là đại uý công an. Sau đó, bị cáo bị kỷ luật cho xuất ngũ, khai trừ Đảng.

Tại phiên toà, cựu Đại úy Lê Thị Hiền không mời luật sư bào chữa. Bị cáo Nguyễn Phương Trang có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang đi học. Tuy nhiên, mẹ của bị cáo và luật sư của bị cáo đã có mặt tại phiên xét xử. Sau khi xem xét, hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định xét xử vắng mặt đối với bị cáo Trang.

Trả lời HĐXX, bị cáo Hiền cho rằng mức án ở cấp toà sơ thẩm tuyên phạt bị cáo quá cao, mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo Hiền đưa ra lý do giảm nhẹ hình phạt bởi quá trình công tác trong ngành lực lượng công an, bị cáo có Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì và hạng Ba, có nhiều bằng khen, giấy khen.

Khi HĐXX hỏi bị cáo Hiền có vai trò gì trong vụ án, bị cáo Hiền phủ nhận bản thân không trực tiếp tham gia vào vụ án, bị cáo cho rằng mình chỉ là cổ đông, chỉ đầu tư và hưởng lợi nhuận. Ngoài ra, bị cáo Hiền cũng phủ nhận việc giám sát tại quán và lo khoản đối ngoại như toà cấp sơ thẩm nêu.

“Bị cáo hoàn toàn không biết việc "dí bill”, bị cáo Hiền khai. HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo có bị oan sai không? Bị cáo Hiền trả lời “bị cáo không oan sai gì”.


12 bị cáo không có đơn kháng cáo được giảm án

Bị cáo Hiền tại phên toà.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhận định, bị cáo Hiền giữ vai trò tổ chức, phạm tội nhiều lần. Do đó, VKS nhận thấy mức hình phạt 7 năm tù đối với bị cáo là phù hợp, không chấp nhận kháng cáo đối với bị cáo này.

Đối với bị cáo Minh Trang, Phương Trang, nhân thân chưa có tiền án tiền sự, lần đầu phạm tội, thành khẩn khai báo, làm công ăn lương, đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt.

Bị cáo Hiếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, làm việc ở quán được 7 ngày, tham gia cướp của 1 bị hại, mức án 5 năm tù là có phần nghiêm khắc, đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Hiền và 2 bị cáo khác tại toà mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, sớm trở về gia đình.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, bản án sơ thẩm kết tội các bị cáo đúng quy định pháp luật. Với Hiền, HĐXX cho rằng tòa cấp sơ thẩm đã xem xét nhân thân, hành vi, các tình tiết giảm nhẹ và tuyên 7 năm tù là phù hợp. Vì vậy, tòa phúc thẩm bác kháng cáo của Lê Thị Hiền.

Đối với Minh Trang, bị cáo này đã bồi thường cho bị hại nên được hưởng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt. Trong khi đó, Hiếu gây án khi là sinh viên, được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, còn Phương Trang phạm tội khi là trẻ vị thành niên.

Vì vậy, Minh Trang bị tuyên phạt 5 năm tù (giảm 2 năm so với bản án sơ thẩm), Phương Trang 2 năm 6 tháng tù treo (giảm 1 năm so với bản án sơ thẩm), Minh Hiếu 3 năm 6 tháng tù (giảm 1 năm 4 tháng so với bản án sơ thẩm) cùng về tội Cướp tài sản. Đối với 12 bị cáo trong vụ án không có đơn kháng cáo cũng được HĐXX giảm án (mỗi người 1 năm).

Theo cáo trạng, năm 2019, Vũ Anh Hoàng (32 tuổi, ở Quảng Ninh), Nguyễn Đức Thăng (31 tuổi, ở Hà Nội) và Lê Thị Hiền cùng góp vốn ban đầu khoảng hơn 2 tỷ đồng để mở quán Magic Lounge (trong đó bị cáo Hiền góp 20%). Địa chỉ quán ở phố Tôn Đức Thắng, kinh doanh đồ uống, bóng cười.

Hoàng có nhiệm vụ thu thập cách thức hoạt động hiệu quả của các quán khác để áp dụng cho quán Magic. Thăng phụ trách mảng chạy quảng cáo để tìm kiếm khách, còn Hiền quản lý mảng hậu cần thu chi, giám sát hoạt động và lo mảng đối ngoại. Lợi nhuận của quán sẽ chia theo % vốn góp của mỗi người.

Đầu năm 2020, nhóm cổ đông thuê Nguyễn Thị Minh Trang lập kế hoạch hoạt động cho quán. Theo yêu cầu, trong 3 tháng Trang phải giúp quán đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng. Đinh Quốc Dũng (26 tuổi, quê Ninh Bình) được ban cổ đông tin tưởng giao làm đầu mối quản lý, trao đổi thông tin và chuyển tiền doanh thu hàng ngày cho Hiền.

Theo đó, doanh số của quán bar hàng tháng phải đạt từ 1,6 tỷ đến 2 tỷ đồng. Nếu đạt doanh số này, Trang sẽ được trả công từ 60 triệu đến 90 triệu đồng. Nếu không đạt thì Trang phải làm tiếp cho đến khi nào đạt thì thôi.

Bị áp doanh số, Trang tìm kiếm các nhân viên nữ rồi lập những tài khoản hẹn hò trên các mạng xã hội Tinder, Badoo, trong đó có Phương Trang. Những người này sẽ rủ rê, lôi kéo khách đi chơi lên bar của Hiền.

Khi khách đến, nhân viên nữ sẽ gọi đồ uống, các dịch vụ... rồi sau đó bỏ trốn để khách ở lại trả tiền. Đồng thời, nhóm này thành lập các đội bảo an gồm nhân viên nam để dọa nạt, đánh đập nếu khách không trả tiền. Trong nhóm an ninh này có Trần Minh Hiếu.

Hiền trao đổi với cả nhóm rằng mỗi tháng trích từ doanh thu ra 31 triệu đồng cho Hiền để "quan hệ đối ngoại". Sau đó, nhóm này tiếp tục đẩy mạnh việc “dí bill”, khiến nhiều khách bức xúc lên tiếng tố cáo.

Cáo buộc cho rằng, với mô hình hoạt động như trên, các bị cáo đã thực hiện 4 vụ cướp tài sản của khách tại quán với số tiền 84 triệu đồng.


Quỳnh An

Chia sẻ Facebook