Tưởng nhớ ông Lê Hòa Bình: Người thủ trưởng tình cảm và sáng tạo

Chia sẻ Facebook
31/03/2022 12:13:32

Nhắc đến ông Lê Hòa Bình, đa số bạn bè, đồng nghiệp đều dành cho ông những lời lẽ trìu mến như quyết đoán, dám làm, uy tín, tình cảm, người có trước có sau…

Ông Lê Hòa Bình, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG


Từ 13h ngày 31-3, lễ viếng nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình sẽ diễn ra tại nhà tang lễ quốc gia phía Nam (đường Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM).


Linh hoạt trong công việc

Những năm còn làm chủ tịch UBND quận 7, dù không phụ trách trực tiếp nhưng ông Lê Hòa Bình vẫn dành thời gian tiếp những người dân có thắc mắc về các vấn đề xây dựng, quy hoạch...


Nhận thấy thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ còn nhiều phức tạp, một bộ hồ sơ xin cấp phép xây dựng gồm đơn đề nghị cấp phép xây dựng, người dân còn phải nộp nhiều loại giấy tờ, mà khâu khó khăn nhất là bản vẽ thiết kế..., ông đã chỉ đạo các phòng chức năng quận nghiên cứu đề án quy trình cấp phép xây dựng trực tuyến mức độ 3 theo thủ tục rút gọn.

UBND quận 7 ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại các tuyến đường số 41, 43, 45, 47 phường Tân Quy, trong đó quy định rõ quy mô về số tầng, chiều cao công trình, mật độ xây dựng, khoảng lùi… cho từng lô đất.


Người dân muốn cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các tuyến đường này tra cứu thông tin để biết rõ các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc rõ ràng khi làm bản vẽ xin giấy phép xây dựng. Sau đó có thể nộp đơn đề nghị cấp phép xây dựng trực tiếp hoặc qua mạng, cán bộ kiểm tra pháp lý quyền sử dụng đất rồi cấp phép theo nhu cầu của dân, có thể nhỏ hơn quy mô quy chế quy định.

Trao đổi về tính hiệu quả của mô hình, ông Lê Văn Thành - phó chủ tịch UBND quận 7 - cho biết qua nhiều năm triển khai, giải pháp này đã phát huy được hiệu quả tích cực. Đáng nói, thủ tục cấp phép xây dựng trực tuyến chỉ mất 3 ngày làm việc thay vì quy trình bình thường khoảng 15 ngày theo quy định hiện hành.

Bản vẽ xin giấy phép xây dựng được lược giản, giảm phiền hà cho người dân và nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của cán bộ quản lý. Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm cũng đơn giản, dễ hiểu.

Từ những gợi ý cải cách thủ tục ban đầu của ông Lê Hòa Bình năm ấy, quận 7 đã triển khai nhiều cách thức thực hiện thủ tục hành chính linh hoạt, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân. Hiện quận 7 đang nghiên cứu nhân rộng mô hình này ra toàn địa bàn.

Một lãnh đạo cấp quận TP.HCM cho biết trong công việc, ông Lê Hòa Bình rất quyết đoán nhưng linh hoạt, không câu nệ thủ tục hay hình thức.


Khi còn làm giám đốc Sở Xây dựng, những vấn đề vướng mắc của các quận huyện luôn được ông lưu tâm xử lý kịp thời. Có khi các quận, huyện chỉ phản ảnh những vướng mắc qua điện thoại, qua gặp gỡ trực tiếp… là ông sắp xếp lịch họp để cùng bàn bạc phương án xử lý chứ không cần quận, huyện báo cáo bằng văn bản hành chính.

Nghe báo cáo không giải quyết được, ông yêu cầu cán bộ phải đi thực tế hiện trường và có những việc đích thân ông xuống tận nơi để quan sát, tìm hiểu để cùng cấp dưới bàn bạc tìm giải pháp một cách nhanh chóng.

"Anh Bình hứa với ai việc gì (đôi khi người đối diện nghĩ đó là lời hứa xã giao) thì luôn giải quyết tới nơi tới chốn, dù việc nhỏ hay việc lớn", vị lãnh đạo quận này chia sẻ.

Nhiều lãnh đạo, cán bộ các cơ quan nhà nước đến nhà tang lễ quốc gia phía Nam viếng ông Lê Hòa Bình - Ảnh: T.T.D.


Người anh, người bạn nhiều tình cảm

Ông Nguyễn Gia Thái Bình, nguyên phó chủ tịch UBND quận Bình Tân (hiện làm việc tại Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP), xúc động kể về buổi tất niên đầu năm 2022 (cuối năm âm lịch).


Ông Lê Hòa Bình lúc đó là phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM phụ trách ban quản lý, đến dự tất niên. Trên bục phát biểu, ông đưa ra một đề nghị làm mọi người bất ngờ: các cán bộ, nhân viên của ban bỏ khẩu trang một phút để ông được nhìn lại từng gương mặt thân quen mà ông đã một thời gắn bó.

Thì ra, tiền thân của Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP là Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP, nơi ông từng làm việc trước năm 2014. Nay về lại đây, dù với tư cách là lãnh đạo TP nhưng ông như về mái nhà xưa, nơi có những đồng nghiệp từng chia sẻ, hỗ trợ nhau, cùng tháo gỡ khó khăn cho từng công trình…

Đến khi dự tiệc tất niên, ông Lê Hòa Bình nhắc lại tên từng người (kể cả lãnh đạo và chuyên viên) trong ban làm việc cùng thời với ông nay đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Ông mời các cán bộ, nhân viên làm cùng thời ngồi chung bàn cùng ăn cơm để được hỏi thăm, lắng nghe về cuộc sống, công việc của nhau.

"Lúc đó giữa anh Bình và chúng tôi không còn ranh giới nào giữa lãnh đạo (UBND) TP và những người ở cơ quan trực thuộc. Những hình ảnh đó cho tôi một bài học về cách đối xử với đồng nghiệp, nhân viên xung quanh mình", ông Thái Bình nhớ lại.

Cũng theo ông Thái Bình, trong quan hệ xã hội với bạn bè, ông Bình luôn chu đáo, hết lòng và quan tâm đến mọi người.

"Những cuộc gặp gỡ với các bạn cùng lớp quân sự hay nhóm bạn hữu, anh Bình luôn là người về sau cùng bởi những câu chuyện anh thăm hỏi, động viên lắng nghe mọi người xung quanh cứ kéo dài không dứt", ông xúc động tâm sự.

Ở cương vị phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM phụ trách các lĩnh vực về đô thị chỉ hơn 15 tháng, ông Lê Hòa Bình đã thể hiện sự quyết đoán trong công việc, tư duy tiến bộ trong quản lý đô thị và sâu sát với các vấn đề dân sinh.

Chia sẻ Facebook