Tương lai của các nền tảng cung cấp dịch vụ dọn dẹp ở Trung Quốc
Tốc độ mở rộng nhanh chóng của nhiều nền tảng đã vượt xa khả năng quản lý của người điều hành.
Sự sụp đổ gần đây của một số nền tảng dịch vụ dọn vệ sinh ở Trung Quốc đã khiến hàng trăm nghìn người lao động không được trả lương (chủ yếu là phụ nữ từ các vùng nông thôn nghèo) khi các chủ sở hữu bỏ trốn cùng tiền của các nhà đầu tư và khách hàng.
Guanjiabang - một công ty hàng đầu trong ngành từng huy động được nhiều vòng tài trợ vốn mạo hiểm, đã gặp vấn đề trong hoạt động vào tháng 10/2019 khi tốc độ mở rộng nhanh chóng vượt xa khả năng quản lý của người sáng lập Fu Yansheng.
Mặc dù đăng ký kinh doanh của Guanjiabang không bị hủy bỏ và không có hồ sơ phá sản hoặc thanh lý, công ty hiện được liệt kê là "hoạt động bất thường". Nhà đầu tư Tiantu Capital sau đó đã rút lui cùng khoảng vốn 7 triệu USD do một dự án thất bại của Guanjiabang.
Còn Haoyun Mother Life Service - nền tảng cung cấp bảo mẫu cho các bà mẹ mới sinh, đã gặp phải tình trạng khan hiếm tiền mặt vào tháng 2 và thất bại trong việc thanh toán cho người lao động trước khi toàn bộ đội ngũ quản lý nghỉ việc. Vào tháng 3, các đối tác của Lai Ren Bang - nền tảng dịch vụ dọn dẹp nhà cửa, đã bỏ trốn cùng tiền của khách hàng. Các khách hàng cũ đều bị chủ sở hữu mới từ chối cung cấp dịch vụ.
Vào tháng 7, Shenzhen Qingsongdaojia – công ty từng là nền tảng dịch vụ dọn phòng hàng đầu Trung Quốc, đã tạm ngừng hoạt động, để lại số tiền hàng chục triệu USD phải trả cho khách hàng và 5.000 người lao động.
Công việc kinh doanh của những công ty trên bắt đầu gặp nhiều khó khăn kể từ năm 2020 do đại dịch bùng phát ở nhiều thành phố. Dù vậy, nó cũng phản ánh nhiều sai lầm chiến lược như mở rộng quá đà trong giai đoạn khởi nghiệp và thiếu hệ thống quản lý hiệu quả.
Nhiều nền tảng đang thu nhỏ quy mô và rời khỏi một số thành phố. Swan Daojia - nhà cung cấp dịch vụ giúp việc và bảo trì gia đình, đã lên kế hoạch IPO tại Mỹ vào tháng 7 năm 2021 nhưng sau đó phải hủy bỏ vì ảnh hưởng của đại dịch.
Khi các công ty sụp đổ, người lao động - chủ yếu là phụ nữ từ các vùng nông thôn - không được trả lương và không có cách nào để lấy lại tiền lương. Sau khi Guanjiabang không thanh toán cho người lao động vào cuối năm 2019, nhiều người trong số họ đã kiện công ty hoặc gửi đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương nhưng vô ích.
Các đại diện của Guanjiabang không xuất hiện trước tòa, và các nguyên đơn đã thắng trong vụ kiện nhưng công ty không có tiền để giải quyết các khoản thanh toán theo lệnh của tòa án.
Tòa án không thể buộc người sáng lập Guanjiabang Fu trả tiền cho nhân viên vì không có tài sản nào đứng tên người này. Thế nhưng một số nguyên đơn cho biết Fu đã đăng ký công ty cung cấp dịch vụ dọn dẹp mới dưới tên của người khác.
Theo Nikkei, nền tảng dịch vụ dọn dẹp hoạt động dựa trên một số mô hình chính. Một là hoạt động như bên thứ ba kết nối nhu cầu giữa khách hàng và người lao động. Các công ty sẽ tính phí dựa trên số tiền khách hàng trả, tỷ lệ thường là 8%. Swan Daojia hoạt động dựa trên mô hình đó.
Các nền tảng khác, chẳng hạn như Guanjiabang và Qingsongdaojia, ký hợp đồng trực tiếp với nhân viên dịch vụ và đào tạo cho họ. Trong mô hình thứ ba, các nền tảng hợp tác với những nền tảng phong cách sống khác, chẳng hạn như Meituan, Eleme.com, Douyin và Kuaishou.
Bất kể hoạt động theo mô hình kinh doanh nào, tất cả các nền tảng đều chi mạnh tay cho marketing và giảm giá lớn để chiếm lĩnh thị phần. Swan Daojia đã chi 1,5 tỷ nhân dân tệ cho hoạt động marketing từ năm 2018 đến quý I/2021, dẫn đến khoản lỗ ròng lũy kế gần 2 tỷ nhân dân tệ trong khoảng thời gian đó.
Trong khi đó, Qingsongdaojia tung ưu đãi dọn dẹp nhà cửa với giá 29,9 nhân dân tệ để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, họ phải trả cho người dọn dẹp ít nhất 35 nhân dân tệ cho mỗi ngôi nhà. Từ năm 2014 đến nửa đầu năm 2018, công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 137 triệu nhân dân tệ. Sau năm 2018, nền tảng không còn nhận được vốn từ nhà đầu tư.
Khi sự mở rộng của các nền tảng dọn dẹp gia tăng, đã có không ít lo ngại về khả năng quản lý của họ. Ví dụ, Swan Daojia được cho là đã cung cấp thông tin lý lịch lừa đảo về các bảo mẫu.
Các nền tảng thường yêu cầu khách hàng trả trước cho dịch vụ nửa năm hoặc cả năm nhưng họ thường chỉ trả tiền cho nhân viên sau khi công việc hoàn thành. Ngành công nghiệp dạy thêm và cho thuê căn hộ dài hạn trước đây đã tiềm ẩn những rủi ro của mô hình trả trước như vậy.
Là một phần của cuộc điều chỉnh sâu rộng ngành công nghiệp dạy thêm ở Trung Quốc, nhiều chính quyền địa phương đã được yêu cầu thắt chặt giám sát quy định về cách các công ty dạy thêm thu học phí.
Một số cơ quan quản lý tài chính cũng gợi ý rằng việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (được gọi là e-CNY) có thể giúp giải quyết vấn đề thanh toán. Vào tháng 7, Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc đã ký thỏa thuận dịch vụ lưu ký học phí trả trước e-CNY với một công ty đào tạo tiếng Anh có trụ sở tại Bắc Kinh.
Theo mô hình lưu ký dựa trên đồng nhân dân tệ kỹ thuật số như vậy, tiền trả trước của khách hàng sẽ được lưu trữ trong ví kỹ thuật số cá nhân và chỉ được chuyển đi khi các dịch vụ được hoàn thành. Mu Changchun - người đứng đầu viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho biết điều này đem lại hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro chủ doanh nghiệp biến mất cùng với tiền của khách hàng.
Nguồn: BI, Nikkei
Mộc Tiên
Mộc Tiên