Tượng Đức Thánh Trần ở Vũng Tàu không sao chép hình ảnh Quan Vân Trường
Sở Văn hóa - thể thao Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết xét về tổng thể tượng Đức Thánh Trần đặt ở khu du lịch Hồ Mây, Vũng Tàu không phải là hình ảnh “sao chép Quan Vân Trường”. Chi tiết Đức Thánh Trần chỉ cưỡi voi, cầm kiếm thì đang chờ tham vấn...
Ngày 10-5, Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo kết quả kiểm tra việc xây dựng tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại khu du lịch Hồ Mây, thành phố Vũng Tàu.
Trước đó, trên mạng xã hội có bài viết cho rằng bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đặt tại khu du lịch Hồ Mây có một số nội dung không phù hợp như: Đức Thánh Trần không cưỡi ngựa mà ngài cưỡi Hắc Tượng (voi đen), hay việc Hưng Đạo Vương không dùng long đao mà dùng kiếm…
Bức tượng này đã sao chép hình ảnh Quan Vân Trường (một vị tướng của Trung Quốc). Một số tờ báo trong đó có Tuổi Trẻ Online đã có phản ánh về vụ việc trên .
Nhận được thông tin, Thanh tra Sở Văn hóa và thể thao cùng Phòng Quản lý văn hóa và di sản văn hóa phối hợp với các đơn vị đã làm việc với Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu.
Theo phía công ty, bức tượng này là một trong 14 bức tượng độc lập, đặt trong khu đền thờ, khuôn viên Nhà trưng bày các anh hùng dân tộc (khu du lịch Hồ Mây) được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt. Bức tượng do nhóm nghệ nhân Quảng Nam chế tác, xây dựng và hoàn thành năm 2018, tượng có chiều cao 3m được xây dựng bằng bêtông, sơn phủ đồng.
Nhằm xác định tính mỹ thuật của bức tượng, ngày 15-4, hội đồng nghệ thuật gồm đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và thể thao, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Khoa học - lịch sử tỉnh, Sở Xây dựng, các họa sĩ, nhà điêu khắc đã làm việc với chủ đầu tư.
Tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến nhận xét, đánh giá của hội đồng nghệ thuật đều cho rằng bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đặt tại khu du lịch Hồ Mây xét về tổng thể không phải là hình ảnh sao chép Quan Vân Trường.
Tuy nhiên có 2 chi tiết là tư thế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cưỡi ngựa, cầm đao nên có một số người liên tưởng tới tư thế và vũ khí Quan Vân Trường hay sử dụng.
Các họa sĩ, nhà điêu khắc trong hội đồng nghệ thuật cũng nhận xét về mặt thẩm mỹ, bức tượng có những chi tiết chưa cân đối, chưa thể hiện nổi bật được thần thái của vị tướng Trần Quốc Tuấn.
Về ý kiến cho rằng, Trần Hưng Đạo chỉ cưỡi voi mà không cưỡi ngựa, chỉ cầm kiếm mà không cầm đao, sở này đang tham vấn và chờ ý kiến của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với ý kiến về công ước văn hóa tượng đài danh nhân cưỡi ngựa, qua tra cứu và nắm thông tin, Sở Văn hóa thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết hiện Việt Nam không áp dụng công ước này.
Sở Văn hóa và thể thao cho biết: Qua kiểm tra cũng nhận thấy, quá trình xây dựng phía công ty chưa thành lập hội đồng nghệ thuật ngay khi triển khai dự án để tư vấn về nghệ thuật và chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng phần mỹ thuật công trình.
Sở Văn hóa và thể thao yêu cầu Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu rà soát toàn bộ 14 bức tượng danh nhân được xây dựng trên khu du lịch và một bức phù điêu chiến thắng Điện Biên Phủ.
Về phía sở thành lập hội đồng nghệ thuật để tư vấn về mặt nghệ thuật đối với các bức tượng, đề xuất điều chỉnh chi tiết chưa phù hợp, hoàn chỉnh hồ sơ gửi UBND tỉnh xem xét cấp phép xây dựng phần mỹ thuật của công trình…
Ngoài tượng Đức Thánh Trần, trên khu du lịch Hồ Mây còn đặt các tượng: Hùng Vương, vua Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Hoàng đế Quang Trung, vua Lê Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Lê Đại Hành, Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền, Lý Nam Đế, Võ Nguyên Giáp, Hai Bà Trưng và một bức phù điêu Chiến thắng Điện Biên Phủ...
Một hội đồng nghệ thuật được thành lập để thẩm định tượng Đức Thánh Trần ở khu du lịch Hồ Mây, Vũng Tàu. Trước đó có ý kiến cho rằng tượng này sai sót. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là một tượng Đức Thánh Trần chuẩn gần như chưa có.