Tượng Đại Phật và quyền nhà tang lễ, cách Trung Quốc giải quyết gánh nặng nợ khổng lồ

Chia sẻ Facebook
03/03/2023 15:25:25

Thành phố Lạc Sơn tỉnh Tứ Xuyên đã lên kế hoạch bán quyền điều hành di tích Đại Phật, một bức tượng đá cao 71 mét từ thời nhà Đường. Đó là một trong nhiều phương pháp sáng tạo mà chính quyền địa phương dùng để gây quỹ.

Zero-COVID và nguồn thu thuế giảm đã dẫn đến khoản nợ 4.200 tỷ bảng Anh của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, The Guardian bình luận hôm 27/2. Thậm chí quyền ‘điều hành’ di tích Lạc Sơn Đại Phật cũng được đưa vào kế hoạch rao bán.

Tượng Đại Phật ở Lạc Sơn, Tứ Xuyên, cao 71 m, được tạc quãng năm 713–803, đời nhà Đường. (Nguồn:

Wikipedia


Chính quyền địa phương đã chi 42 tỷ bảng cho zero-COVID, cùng với thu thuế giảm do kinh doanh trì trệ, đã khiến khoản nợ lên tới 4.200 tỷ bảng vào cuối 2022. Tức là lớn hơn 20% so tổng GDP của Đức.


Số liệu thống kê kinh tế cho năm 2022 sẽ được công bố vào thứ Ba (28/2). Các ước tính sơ bộ cho thấy tốc độ tăng trưởng giảm xuống 3%, mức tồi tệ nhất kể từ năm 1976.


Mục tiêu tăng trưởng quốc gia về GDP sẽ được công bố tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, sẽ bắt đầu vào ngày 53. Mục tiêu dự kiến ​​ít nhất là 5%.


Ngành bất động sản cũng gây ảnh hưởng. Doanh thu liên quan đến bán đất thường chiếm hơn 30% thu nhập của chính quyền địa phương và từ năm 2019 đến 2021, tỷ lệ này là khoảng 40%. Nhưng doanh thu bán đất năm ngoái đã giảm gần một phần ba so với năm 2021.


Wenye Sun, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Trivium China, cho biết nợ của chính quyền địa phương là một “vấn đề đau đầu” đối với nền kinh tế quốc gia.


“Có những rủi ro thực sự khi nhiều chính phủ cấp thấp không thực hiện được các nghĩa vụ nợ của họ,” Wenye Sun cho biết, “Trong trường hợp xấu nhất, điều này sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính.”


Các khoản nợ tiềm ẩn tăng lên thông qua các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương, các cơ chế được sử dụng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, có thể làm tăng hơn gấp đôi tổng gánh nặng nợ.


Houze Song, một chuyên gia nghiên cứu về nền kinh tế Trung Quốc tại MacroPolo, ước tính rằng khoản nợ được nắm giữ trong các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương đã chiếm hơn 70% GDP.


Đối mặt với ngân sách ngày càng cạn kiệt, một số thành phố tự trị đang chuyển sang những cách mới để tạo tiền. Như trường hợp ở Lạc Sơn, một cách tiếp cận là thả nổi tài sản địa phương. Vào tháng 8, họ đã công bố kế hoạch bán bản quyền 30 năm đối với bức tượng Lạc Sơn Đại Phật, với giá khởi điểm 1,7 tỷ nhân dân tệ. Huyện Dong Giang ở Quý Châu, một tỉnh nghèo phía tây nam Trung Quốc, đã bán đấu giá quyền điều hành nhà tang lễ địa phương với giá 126,8 triệu nhân dân tệ.


Vào tháng 9, các nhân viên của mạng lưới giao thông công cộng ở phía bắc thành phố Lan Châu, những người đã không được trả lương trong vài tháng, đã được yêu cầu vay một khoản tiền từ một ngân hàng địa phương để trang trải tiền lương của họ từ tháng 6 đến tháng 9. Công ty nhà nước nợ khoảng 90 triệu nhân dân tệ tiền lương chưa trả, nhưng đã hứa với công nhân rằng họ sẽ trả nợ ngân hàng thay cho họ. Nhưng các chính quyền địa phương đã nợ hàng tỷ rồi, năm ngoái, 2.600 tỷ nhân dân tệ trái phiếu tái cấp vốn đã được phát hành và hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ đã được trả lãi.


Việc mở cửa lại nền kinh tế Trung Quốc sẽ giúp cân bằng sổ sách. Doanh thu từ thuế đã tăng gần 70% trong tháng 12 so với tháng 12/2021. Theo chính sách zero-COVID, Bắc Kinh đã đưa ra các đợt cắt giảm thuế trên quy mô kỷ lục để giúp các doanh nghiệp tồn tại – điều này ảnh hưởng đến thu nhập của thành phố.


Từ năm 2020 đến năm 2021, 15 chính quyền cấp tỉnh đã tăng hơn gấp đôi thu nhập từ tiền phạt. Một số cơ quan quản lý giao thông địa phương đã dùng đến cách yêu cầu tài xế nộp “khoản tiền phạt” 2.000 nhân dân tệ hàng tháng để trang trải chi phí cho bất kỳ vi phạm nào có thể xảy ra trong tương lai.


Tuy nhiên, một số chuyên gia hoài nghi về mức độ hiệu quả của các bước mà chính quyền địa phương thực hiện.


Trong một bài đăng trên blog Luo Zhiheng, một nhà kinh tế, đã cảnh báo rằng một số chiến thuật mà chính quyền địa phương sử dụng có thể giống như “câu cá trong hồ cạn” để cố gắng vắt kiệt tiền của người dân thường.


Houze Song nói rằng các chính quyền địa phương đã “ưu tiên đảo nợ thay vì trả nợ.”

“Kết quả là nợ tiếp tục tăng nhanh hơn GDP,”

ông nói.

“Bán tài sản hoặc tiền phạt sẽ chỉ mang lại sự trợ giúp nhỏ cho bài toán nợ nần.”


Nhật Tân

Kinh tế Trung Quốc liên tiếp "mất máu": Doanh nghiệp nước ngoài rút lui, thất nghiệp gia tăng Nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa khởi sắc, sự kết hợp giữa áp lực bên trong và bên ngoài đã dẫn đến những triển vọng đáng lo ngại.

Chia sẻ Facebook