Tuồn trái phép 30.000 tỉ ra nước ngoài: Điều tra tìm những người nhờ chuyển

Chia sẻ Facebook
13/06/2022 00:06:51

Liên quan vụ án vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới gây chấn động dư luận được triệt phá vào tháng 9-2020, Công an TP Hà Nội đã tách tài liệu vụ án để tiếp tục điều tra, xử lý sau.

Trước đó, Viện KSND TP Hà Nội ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Nguyệt (trú quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng 12 đồng phạm trong vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, với số tiền rất lớn.

Nhân viên 3 ngân hàng giúp sức chuyển tiền trái phép


Theo cáo buộc, giai đoạn 2016-2020, vợ chồng Nguyệt và các đồng phạm lập khống các hợp đồng kinh tế, hợp thức hồ sơ tạm nhập tái xuất để nhiều lần chuyển trái phép hơn 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài.

Theo kết quả điều tra, ngoài các bị can trên, cơ quan điều tra còn xác định một số cán bộ, nhân viên các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)... đã tiếp tay giúp vợ chồng Nguyệt chuyển tiền qua biên giới, dưới hình thức thanh toán quốc tế.

Tại MB Bank chi nhánh Móng Cái (Quảng Ninh), nhân viên Phạm Thị Minh Ngân được xác định thực hiện giao dịch thanh toán quốc tế cho 6 công ty của Nguyệt thành lập. Tuy nhiên, do đây là ngân hàng quân đội nên cảnh sát chuyển hồ sơ của Ngân cho Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.


Đến nay, nữ nhân viên này đã bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.


Tại Ngân hàng Sacombank chi nhánh Móng Cái, 2 nữ nhân viên đã cùng Nguyệt làm hồ sơ, in lệnh chuyển tiền và được "bồi dưỡng" tổng cộng 80 triệu đồng. Tuy vậy, Công an TP Hà Nội xác định 2 người này "không biết việc chuyển tiền trái phép" nên không đề cập xử lý.


Ngoài ra, tại một ngân hàng khác cũng chi nhánh ở Móng Cái, cơ quan tố tụng xác định dù biết Nguyệt sử dụng các công ty "ma" để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, nhưng các nhân viên Nguyễn Ngọc Sơn (29 tuổi, phụ trách khách hàng doanh nghiệp) và Phan Ngọc Duy (40 tuổi, phó giám đốc chi nhánh) vẫn đồng ý thỏa thuận làm các giấy tờ khống, phê duyệt hồ sơ, giúp chuyển hơn 6.400 tỉ đồng. Từ đó, Sơn được hưởng lợi 70 triệu, còn Duy được 200 triệu đồng.

Tháng 11-2021, TAND tỉnh Quảng Ninh đã phạt Sơn 5 năm tù và Duy 4 năm 6 tháng tù cùng về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Tiếp tục điều tra những người có tiền "nhờ" chuyển ra nước ngoài

Liên quan đến vụ án, cơ quan tố tụng xác định có 11 cá nhân là chủ các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM liên quan đến việc chuyển tiền cho Nguyệt.


Tuy nhiên, đến nay tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự nhóm trên nên Công an TP Hà Nội đã tách tài liệu vụ án liên quan đến các đối tượng giao tiền, nhận tiền từ khách rồi chuyển cho Nguyệt. Đồng thời tách tài liệu liên quan đến các đối tượng là người có tiền chuyển ra nước ngoài để tiếp tục điều tra, xử lý sau.


Cũng theo cáo trạng, khi mới bị bắt, vợ chồng Nguyệt từng khai có đưa tiền cho một số cán bộ Công an TP Hà Nội để không bị xử lý, xác minh về hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Nhưng sau đó, Nguyệt thay đổi lời khai, rằng không đưa tiền cho cán bộ công an, cũng không có chứng cứ về việc đã đưa tiền. Những cán bộ công an này cũng khẳng định không nhận tiền. Do không có tài liệu chứng minh nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Tại hải quan tỉnh Lào Cai, cơ quan tố tụng xác định một số cán bộ tại đơn vị này không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ trong việc giám sát chuyển tải hàng hóa sang xe biên mậu. Đồng phạm của Nguyệt khai nhiều lần đưa tiền cho hải quan, nhưng các cán bộ đều không thừa nhận nên không có căn cứ xử lý.

Tương tự, tại hải quan sân bay Nội Bài, một số cán bộ không thực hiện đầy đủ quyền được giao, dẫn tới không phát hiện được hàng hóa đã bị khai tăng giá trị nhiều lần. Đồng phạm của Nguyệt cũng khai nhiều lần đưa tiền, nhưng các cán bộ hải quan đều phủ nhận nên không có căn cứ xử lý.

Ngày 4-9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử hai cán bộ của Hãng Vietnam Airlines gồm Đoàn An Dương (sinh năm 1970, nguyên chuyên viên Trung tâm Kiểm soát khai thác Nội Bài, Tổng công ty Hàng không Việt Nam) và Hồ Lê Quang Tường (sinh năm 1975, nguyên cơ phó, Đoàn bay 919, Tổng công ty Hàng không Việt Nam), tuyên án phạt cả hai bị cáo đều lĩnh 30 tháng tù treo, thử thách 42 tháng về tội “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” (theo quy định tại điều 154 BLHS).

Chia sẻ Facebook