Tuổi thọ trung bình của người Việt cao thứ bao nhiêu trong khu vực Đông Nam Á?
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2015-2020, tuổi thọ trung bình của cả nước đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi. Song, sang đến năm 2021, tuổi thọ trung bình đã giảm nhẹ xuống còn 73,6 tuổi.
Dữ liệu từ Niên giám thống kê 2021 của Tổng cục Thống kê mới được công bố gần đây chỉ ra rằng, dân số trung bình năm 2021 của cả nước ước tính 98,5 triệu người, tăng 923,5 nghìn người, tương đương tăng 0,95% so với năm 2020.
Trong đó, dân số thành thị 36,6 triệu người, chiếm 37,1%; dân số nông thôn 61,9 triệu người, chiếm 62,9%; nam 49,1 triệu người, chiếm 49,8%; nữ 49,4 triệu người, chiếm 50,2%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2021 là 99,4 nam/100 nữ.
Xét theo giới tính, tuổi thọ của nữ giới có xu hướng cao hơn tuổi thọ của nam giới. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của nam giới đã tăng từ 70,7 tuổi vào năm 2015 lên 71,1 tuổi vào năm 2021. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của nữ giới đã tăng từ 76,1 (2015) lên 76,4 (2021).
Trong khu vực Đông Nam Á, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tuổi thọ bình quân của một người dân Đông Nam Á là 73 tuổi. Trong đó, độ tuổi bình quân của nam giới là 70 tuổi, nữ giới là 76 tuổi.
Xét riêng từng quốc gia, Singapore là nơi có tuổi thọ trung bình cao nhất khu vực Đông Nam Á (84 tuổi). Cụ thể, tuổi thọ trung bình của nam giới là 81 tuổi, còn nữ giới là 86 tuổi. Trong khi đó, Lào và Myanmar là 2 nơi có tuổi thọ trung bình thấp nhất trong khu vực (66 tuổi).
Nhìn chung, trong năm 2021, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao thứ 5 trên tổng số 11 nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đứng sau Singapore (84 tuổi), Brunei (77 tuổi), Thái Lan (77 tuổi) và Malaysia (75 tuổi). Trong khi đó, các nước có tuổi thọ trung bình thấp hơn Việt Nam là Indonesia (73 tuổi), Philippines (71 tuổi), Campuchia (70 tuổi), Đông Timor (70 tuổi), Lào (66 tuổi) và Myanmar (66 tuổi).