Tuổi 30 kiếm bao nhiêu tiền là đủ?

Chia sẻ Facebook
27/11/2022 20:31:30

Các chuyên gia chia sẻ về quan điểm và kinh nghiệm cá nhân trong câu chuyện hình thành sức khoẻ tài chính bền vững.


Sức khỏe tài chính tốt không phải trong ngày một ngày hai mà có thể hình thành, nó là sự đúc kết từ việc rèn luyện và tuân thủ nguyên tắc tài chính qua nhiều năm tháng. Một người có tài chính khỏe năm 20 tuổi không đồng nghĩa với việc tài chính người đó sẽ khỏe mãi đến năm 50 tuổi. Và ngược lại, còn trẻ mà tài chính chưa tốt thì chỉ cần chăm chỉ thực hành những “bài tập” là sức khỏe tài chính sẽ dần được cải thiện.

Vì thế nên người ta mới ví sức khỏe tài chính cũng giống như sức khỏe thể chất vậy. Bạn cần quan tâm đủ, tập luyện hằng ngày, bắt đầu càng sớm càng tốt và cho dù bạn ở bất cứ độ tuổi nào thì việc thực hành cũng không bao giờ là quá muộn. Từ những thực hành tài chính nhỏ, qua rèn luyện, chúng ta sẽ có được một chìa khóa rất quan trọng, đó chính là những thói quen tốt để đạt được tự do tài chính.

Trong MONEYTalk số 47 với chủ đề “GYMONEY”,  host Hữu Trí và các khách mời: anh Nguyễn Hoàng Phương - Giám đốc huấn luyện và hỗ trợ kinh doanh Công ty CP chứng khoán Tp. HCM (HSC) và nhà báo Bùi Hà đã cùng thảo luận về câu chuyện sức khoẻ tài chính này.

MONEYTalk số 47 với chủ đề “GYMONEY”

Khi nhận được câu hỏi có mốc tiền nào cụ thể để nói rằng sức khoẻ tài chính của mình rất tốt, nhà báo Bùi Hà chia sẻ rằng bản thân không có con số cụ thể. Mọi người thường lấy tiêu dựa trên danh mục tài sản có cái gì, chẳng hạn như BĐS, chứng khoán, hay ngoại tệ. Song, nhà báo Trần Hà thường phân chia những điều bản thân muốn, và đặt ra các mục tiêu liên quan đến tài chính.

“Nhóm mục tiêu đầu tiên là bố mẹ, làm sao để hỗ trợ bố mẹ tốt nhất, đủ cho bố mẹ có cuộc sống an vui mà không phải lo lắng về tiền. Thứ 2 là con cái và gia đình mình có cuộc sống tốt nhất. Thứ 3 là cho chính bản thân mình, luôn luôn học hỏi và tận hưởng mọi thứ. Thứ 4, khoản tiền để có thể giúp đỡ bạn bè và cuối cùng là dành cho cộng đồng, thiện nguyện. Mục tiêu tài chính của mình là có thể bao quát với 5 khoản mục này. Khi mình cảm thấy không quá vật vã hay khốn khổ với hạng mục nào đó, tức là lúc đó sức khoẻ tài chính của mình tốt”

“Chẳng hạn, khoản chi tiêu ổn định của mình là 30 triệu. Như vậy mình sẽ kiếm 25 lần của con số 30 triệu đó lên, tạo ra sự ổn định. Sau đó, lấy khoản tiền là 25 nhân chi tiêu hàng tháng để đi đầu tư, số tiền đó sẽ tự sinh sôi dự tính khoảng 10%/năm. Như vậy với sức mạnh của lãi kép, mình có thể an nhàn khi về già”.

Anh Nguyễn Hoàng Phương

Còn với tuổi 30, bao nhiêu tiền là đủ sẽ rất khó để có công thức chung cho tất cả mọi người. Một số trường hợp dưới 30 sẽ kiếm tiền giỏi hơn, lúc đấy là đỉnh cao sự nghiệp của họ. Ví dụ, ca sĩ, cầu thủ bóng đá, những người càng trẻ kiếm tiền càng nhiều. Bài toán tại thời điểm đó không phải là bao nhiêu tiền mà là sử dụng tiền như thế nào để chuyển từ kiếm tiền nhất thời sang trạng thái bền vững trong lâu dài. Chẳng hạn, cầu thủ có thể sử dụng tiền để làm nơi đào tạo bóng đá, hay mua mảnh đất rồi cho thuê làm sân bóng đá, thay vì mua đồ xa xỉ.

“Đối với phần lớn mọi người, ở tuổi 30, chúng ta nên nghĩ đến việc đặt ra mục tiêu cụ thể rõ ràng mang tính nhân văn để có thể đạt được nó. Ví dụ, năm 30 tuổi, mình có căn nhà để ba mẹ ở quê lên ở chung. Từ mục tiêu đó chúng ta chia nhỏ ra”

Ảnh: Moneytalk


Theo Tô Diệp

Chia sẻ Facebook