Tuổi 25, tôi có 800 triệu tiết kiệm, công việc mơ ước, đủ khả năng mua những thứ tốt nhất cho mình
Tôi đã làm gì để đạt được tự chủ tài chính khi mới 25 tuổi
"18 tuổi không học đại học như bao người, mình buộc phải lựa chọn con đường riêng. 25 tuổi, mình có được 1 tài khoản tiết kiệm nho nhỏ gần 800 triệu, 1 công việc ổn định với mức lương khởi điểm 10-20 triệu. Và hơn hết, ở độ tuổi 25, mình đã
đạt được sự tự chủ về tài chính
, đủ khả năng mua những thứ tốt nhất cho chính mình và phụ giúp gia đình!"
Cùng lắng nghe hành trình tích lũy tài chính của Phương Anh nhé!
18 tuổi, như bao bạn bè khác, mình cũng mơ ước được học đại học, được trải nghiệm cuộc sống tự do của tuổi trẻ. Nhưng không ai đoán trước được điều gì. Gia đình mình gặp chuyện, và khi đó, việc học đại học sẽ trở thành gánh nặng tài chính cho nhà mình.
Vì thế, mình đưa ra 1 quyết định khiến cuộc đời cô bé 18 tuổi rẽ sang 1 trang khác: Nghỉ học, đi làm.
"Tại sao với thời gian đó, công sức đó, mình không tìm kiếm những cơ hội với mức lương cao hơn? Cứ tiếp tục như vậy, thì bao lâu mình mới có thể mua chiếc xe mình mơ ước, bao lâu mới mua được nhà?
Và rồi, quyết định tiếp theo khiến mình không bao giờ hối hận: Đi du học Nhật, theo diện vừa học vừa làm. Đến bây giờ nghĩ lại, mình thầm cảm ơn quyết định táo bạo đó của mình. Vì 6 năm sau đó, mình đã có được những thứ mình muốn: mua được chiếc xe đầu tiên trong đời, có khoản tiết kiệm nho nhỏ, tự chủ tài chính và sở hữu một số món đồ giá trị.
Nhưng để đạt được những điều này, thứ mình đánh đổi còn nhiều hơn như thế!
Mình đã làm gì, để có được những thứ mình muốn?
Chặng đường này bắt đầu từ con số 0. Mình khi đó chỉ mới 18 tuổi, nhưng chính quyết định táo bạo dám bước qua nỗi sợ hãi của bản thân, đã khiến mình có sự bứt phá vượt bậc từ kiến thức cho đến tiền bạc. Nhìn lại hành trình đó, những kinh nghiệm mà mình muốn chia sẻ với nhiều bạn trẻ khác, có thể tổng kết lại như sau:
Thứ nhất: Tìm ra thứ mình muốn
Trước khi hành động, bạn cần phải tìm ra thứ mình muốn. Còn nếu không, bạn sẽ bước vào 1 mê cung, không biết mình nên bắt đầu từ đâu, để rồi cứ đi linh tinh trong 1 vòng tròn.
Lấy ví dụ từ mình: Còn nhớ khi đó, mình gặp 1 cô giáo dạy tiếng Nhật, vào khoảng 2015, mức lương của cô đã đạt mức 8-10 triệu/ tháng. Một con số khá lớn với mình hồi bấy giờ. Và mình đã tìm thấy điều mình muốn đầu tiên trong cuộc đời: Mình MUỐN có được mức lương giống cô ấy!
Vậy phải làm gì để được giống cô ấy? Điều đơn giản nhất, là người ta làm thế nào, thì mình làm thế đó. Mình bắt đầu lao đầu vào học tiếng Nhật, mình học nó với suy nghĩ đây là luồng sáng duy nhất cho tương lai. Mục tiêu đã có, và mình dành 100% sự nỗ lực vào mục tiêu này. Và khi nỗ lực đủ nhiều, mình nhận lại được kết quả ngoài sự mong đợi. Chỉ sau 6 tháng, mình đạt được trình độ đủ để phiên dịch mức cơ bản. Công việc đầu tiên sau đó, chính là làm giáo viên hỗ trợ tại trung tâm đào tạo trước khi sang Nhật.
Thứ hai: Không dừng lại ở việc ngày đi học, tối đi làm với mức lương cố định, mình cố mở rộng thêm cơ hội bằng cách phát triển bản thân, hướng tới mục tiêu mới
Sau khi sang Nhật, khoảng 6 tháng đầu tiên, mình tập trung cho việc ngày đi học, tối đi làm thêm, vì mình không nhận trợ cấp từ gia đình. Khi mà các bạn có thể đi xem phim, chơi game, tụ tập cùng bạn bè, thì mình dành thời gian đó cho việc học thêm tiếng Nhật. Vì mục tiêu tiếp theo của mình, là trở thành phiên dịch viên chuyên nghiệp, vì mức lương của ngành nghề này thực sự đáng mơ ước.
Khi quen với thời gian biểu hơn, mình tiếp tục có suy nghĩ rằng: "Không nên giới hạn bản thân ở đó."
Mình bắt đầu rút ngắn thời gian học lại, đẩy nhanh tiến độ hơn để dành thời gian học thêm những thứ khác. Mình cũng bắt đầu nhận những công việc part time từ xa, làm ngoài giờ. Phải nói thời gian đó, mình cộng cả thời gian học và làm việc, có ngày phải lên tới gần 20 tiếng. Quả thực stress và kiệt sức là điều không tránh khỏi, nhưng những thứ mình nhận được khoảng 2 năm sau đó khiến mình hài lòng:
- Mình có chứng chỉ tiếng Nhật loại tốt
- Những công việc mình nhận được offer khởi điểm đạt mức 10 - 20 triệu/ tháng (thời điểm cuối năm 2017)
- Những kinh nghiệm làm việc hiệu quả, kèm thêm networking rộng
- Bắt đầu có những khoản tiết kiệm đầu tiên trong đời và có khả năng phụ giúp tài chính với gia đình.
Thứ ba: Học cách quản lý chi tiêu của bản thân
Để đi từ con số 0 đến con số tiết kiệm 800 triệu, với mình là cả một hành trình vất vả và gian nan. Để làm được điều này, việc quản lý tài chính là cực kỳ quan trọng.
Khi bắt đầu có được những khoản tiền lương đầu tiên, mình đã quan tâm đến vấn đề quản lý chi tiêu của bản thân. Bản thân mình không nhận trợ cấp của gia đình, thế nên việc vừa học, vừa làm, vừa chi trả cho tất cả những nhu cầu khi sống tự lập bên Nhật, vô hình chung tạo cho mình áp lực khá lớn về quản lý tài chính cá nhân.
Mình đã liên tục ghi chép từng khoản mục thu - chi trong vòng 6 tháng, để từ đó đưa ra 1 mức chi tiêu cụ thể cho từng loại nhu cầu. Cụ thể như sau: Mình lập 1 bảng cân đối thu chi bao gồm 4 danh mục chính: Cực kỳ cần thiết - Đáng để đầu tư - Lãng phí - Tổng nguồn thu.
Cực kỳ cần thiết
Trong danh mục này, mình sẽ dành cho những nhu cầu cơ bản để sống: thuê nhà, tiền ăn, tiền điện, nước, wifi và phương tiện di chuyển. Về cơ bản, nhu cầu của đại đa số mọi người để sống sẽ cần có những thứ trên. Thế nên những khoản này sẽ không khác biệt là mấy qua thời gian.
Thường thì những khoản này sẽ chiếm 25-30% tổng thu nhập của mình.
Đáng để đầu tư
Tiếp theo là những khoản chi không cực kỳ cần thiết nhưng đáng để đầu tư. Một số có thể kể đến như: tiền đầu tư vào sức khỏe: gym, yoga (với mình là cực kỳ xứng đáng), tiền cho các khóa học nâng cấp bản thân, nâng cao kiến thức, sách vở, và những khoản tiền bỏ ra để xây dựng các mối quan hệ quan trọng (ở đây, các bạn đừng hiểu lầm là những cuộc ăn nhậu, party vô bổ. Mà đây là những khoản như đi ăn cưới, các dịp lễ,... để kết nối các mối quan hệ quan trọng.)
Và mình dành khoảng 10-15% tổng nguồn thu cho những khoản chi "đáng để đầu tư".
Lãng phí
Lãng phí ở đây mình sẽ dành cho những khoản như: cafe, shopping, cuộc xã giao,... Đại khái là dành cho những thứ không cần thiết trong cuộc sống, nhưng đôi khi lại cần thiết với "sức khỏe tinh thần". Những khoản tiền lãng phí này mình sẽ chỉ du di trong mức dưới 10% là đủ.
Tổng nguồn thu
Tổng nguồn thu này sẽ được cộng dồn từ tất cả những nguồn thu nhập mà mình có. Tuy nhiên, nếu bạn là người có nhiều nguồn thu, hoặc tham gia đầu tư gì khác, thì nguồn thu cần được cụ thể và chi tiết theo từng hạng mục. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát được đâu là nguồn thu chính, có hiệu quả, để từ đó bao quát hơn về bức tranh tài chính của mình.
Sau khi lập bảng thu - chi, mình làm gì?
Khi có được những con số cụ thể với hạn mức gần giống nhau qua các tháng, mình bắt đầu nắm được "số dư" theo thời gian. Và việc tiếp theo, đó là mình sẽ duy trì những con số này cho đến thời điểm gia tăng được nguồn thu của bản thân, liên tục điều chỉnh đến hạn mức tối thiểu nhất, nhưng vẫn giữ được chất lượng cuộc sống ở mức khá. Và tôn chỉ của mình, là không chạy theo "lạm phát lối sống".
Khi bắt đầu có "số dư" đầu tiên trong cuộc đời, mình nghĩ ngay đến việc gửi ngân hàng. Nhưng có vẻ như nó không hiệu quả lắm với thời buổi kinh tế đang có xu hướng lạm phát bấy giờ. Mình nhận ra, rằng phải đem tiền dư đổ vào nguồn nào đó, khiến tiền đẻ ra tiền, để hạn chế tình trạng mất giá nhất có thể. Vì không có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư tài chính, nên mình lựa chọn chia đôi số tiền tiết kiệm, 1 nửa tiếp tục gửi ngân hàng, và 1 nửa mình đầu tư vào tích trữ vàng. Và mục tiêu sắp tới, mình sẽ dành thời gian để tìm hiểu thêm về đầu tư để củng cố thêm nền tảng tài chính của bản thân.
Sau khi hoàn thành cột mốc tụ chủ tài chính vào năm 25 tuổi, mình sẽ tiếp tục đặt ra những mục tiêu lớn hơn dựa trên bước đệm mình đang có. Và mình có niềm tin mãnh liệt rằng, nếu cứ đi từng bước nhỏ như vậy, tuy chậm mà chắc, mình sẽ tiến tới những thứ xa hơn nữa khi chạm đến tuổi 30!
Cảm ơn Phương Anh vì những chia sẻ!
Theo Trang Mint