Từng là startup giá trị nhất Đông Nam Á, vốn hoá Grab giờ chỉ bằng nửa đối thủ GoTo
Giá cổ phiếu của GoTo giảm khoảng 3% kể từ khi niêm yết tại Jakarta hồi tháng 4, trong khi giá cổ phiếu của Grab giảm hơn 60% kể từ khi niêm yết.
Từng là startup giá trị nhất ở Đông Nam Á, Grab Holdings lại đang thụt lùi so với ứng dụng gọi xe GoTo Group của Indonesia về vốn hoá thị trường.
Cả hai công ty không có lợi nhuận này đều đang phải vật lộn để thuyết phục các nhà đầu tư về tiềm năng kiếm tiền của họ sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán trong vài tháng gần đây. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của GoTo giảm ít hơn Grab trong thời gian qua, và giá trị thị trường của ứng dụng gọi xe đến từ Indonesia hiện vào khoảng 26 tỷ USD, gấp hai lần đối thủ.
Suốt nhiều năm qua, Grab và GoTo bị mắc kẹt trong cuộc chiến “đốt tiền” để giành vị trí thống trị trên thị trường gọi xe. Grab vẫn coi Singapore là thị trường lớn nhất của mình ngay cả khi hãng cố gắng mở rộng phạm vi hoạt động sang các quốc gia khác, bao gồm cả Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, GoTo đang đứng đầu về dịch vụ gọi xe tại quê nhà với hơn 270 triệu dân đều am hiểu về thiết bị di động và mua sắm trên nền tảng bán lẻ trực tuyến Tokopedia hay gọi xe và đặt đồ ăn qua ứng dụng của Gojek.
“Với lợi thế là thương hiệu ‘cây nhà lá vườn’ của Indonesia và quan hệ hợp tác với Tokopedia, GoTo, công ty công nghệ lớn nhất Indonesia, có thể bảo vệ được thị phần trong mảng giao đồ ăn trước đối thủ Grab, ứng dụng vốn đang dẫn đầu trong mảng này ở Đông Nam Á. Từ đó, GoTo có thể cải thiện lợi nhuận”, Nathan Naidu, chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence , nhận định.
Trong khi Gojek chiếm được vị trí chắc chắn trên thị trường quan trọng là Indonesia, Grab đã lấn sân sang lĩnh vực giao đồ ăn. Grab nắm 49% thị phần giao đồ ăn ở Indonesia trong năm 2021, nhỉnh hơn mức 43% của GoTo, theo Momentum Works .
Grab dự kiến báo cáo kết quả kinh doanh quý II trước khi thị trường Mỹ mở cửa vào ngày 25/8, trong khi GoTo sẽ công bố kết quả vào ngày 30/8.
Theo Thạch Lam