Từng khiến cộng đồng mạng chao đảo, liệu những tựa game dưới đây liệu còn hấp dẫn ở thời điểm hiện tại?
Nổi lên nhanh chóng và được cộng đồng mạng ủng hộ mạnh mẽ trong một khoảng thời gian ngắn, thế nhưng tới thời điểm hiện tại, những tựa game này dường như đã không còn có thể thu hút được thêm nhiều sự chú ý như trước đây!
1. Play Together
Nổi lên nhanh chóng vào giai đoạn giữa năm 2021, Play Together đã tạo ra một cơn sốt vô cùng khổng lồ tới hầu hết tất cả các game thủ Việt nhờ lối chơi cộng đồng mới lạ. Thông qua việc gia nhập vào một thành phố ảo, người chơi có thể cùng nhau trải nghiệm, giao lưu, thi đấu các trò chơi thú vị khác nhau. Có thể nói, khả năng tương tác xã hội chân thật mà Play Togerther tạo ra đã khiến những cái tên cộm cán lúc bấy giờ như: Among Us, Gartic.io… hoàn toàn lép vế. Nhờ vậy, tựa game đã nhanh chóng thống trị các BXH lớn nhỏ trong nước và liên tục xuất hiện với tần suất dày đặc ở khắp các nền tảng MXH.
Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, sức nóng mà Play Togerther tạo ra đã không còn có thể duy trì như xưa. Đặc biệt, sau khi trải qua giai đoạn bảo trì liên tục cách đây không lâu, rất nhiều game thủ đã cảm thấy thất vọng trong quá trình xử lý kỹ thuật của đội ngũ vận hành và chuyển hướng tìm kiếm sang những tựa game khác. Đặc biệt, vấn nạn Hack game cũng như những thủ đoạn lừa đảo trong việc trao đổi, buôn bán vật phẩm cũng là một yếu tố khiến tựa game trở nên nhàm chán hơn so với thời điểm “vàng” trước đây.
2. Goose Goose Duck !
Cũng cùng với thời điểm Play Togerther trở nên thịnh hành, Goose Goose Duck là một cái tên nổi lên nhanh chóng nhờ lối chơi được biến tấu mới lạ từ tựa game huyền thoại Among Us. Về cơ bản, tựa game này chính là một phiên bản Ma Sói Online với nhân vật chính là những chú Ngỗng sống trong một tòa lâu đài huyền bí. Lẩn trốn trong đó chính là phe của kẻ lạc loài mang tên Vịt. Đây chính là những sát thủ chuyên nghiệp, luôn tìm mọi cách để tiêu diệt hết bầy Ngỗng để trở thành kẻ sống sót duy nhất.
Goose Goose Duck ngày càng trở nên nổi tiếng sau khi Tộc Trưởng Độ Mixi “thử nghiệm” trong buổi Livestream của mình. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó, tựa game này cũng không duy trì được sức hút của mình và tiếp tục rơi vào tình trạng “Flop” giống người anh em Among US đã từng gặp phải. Sở dĩ, việc kêu gọi một nhóm bạn từ 8-10 người để cùng tham gia 1 tựa game không phải là một điều dễ dàng. Bên cạnh đó, vấn đề đường truyền cũng như hệ thống kỹ năng phức tạp cũng đã khiến tựa game này gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và duy trì lượng người chơi lâu dài.
3. Adorable Home
Nổi lên như một tựa game thú cưng hàng đầu, Adorable Home nhanh chóng trở thành hiện tượng khi thu hút mọi sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Nhắc tới tựa game này, chắc hẳn rất nhiều bạn trẻ sẽ cảm thấy thích thú khi Adorable Home sở hữu một lối chơi vô cùng nhẹ nhàng, thư giãn, đồ họa phong cách hoạt hình đáng yêu, cũng như một cộng đồng người chơi chan hòa, thân thiện. Thế nhưng, bằng mọi nỗ lực duy trì sức hút của mình, tựa game này cũng không thoát khỏi tình cảnh “Flop” nặng nề và gần như biến mất trong thời điểm hiện tại.
Sở hữu nhiều hạn chế của các tựa game Mobile, Adorable Home lại càng gặp khó khăn trong việc kết nối người chơi vì tính độc lập mà tựa game sở hữu ngay từ thời điểm ra mắt. Vốn dĩ, game thủ sẽ không cần phải tương tác quá nhiều với các người chơi khác mà chỉ cần chăm chỉ dành ra 5-10p mỗi ngày để thu hoạch và thực hiện các nhiệm vụ ingame. Chính vì vậy, không quá khó hiểu khi Adorable Home không còn phổ biến trong “hội chị em” như quãng thời gian trước!
4. Business Tour
Xuất phát từ trò chơi cổ điển: Cở Tỷ Phú, Business Tour đã nhanh chóng vươn lên trên khắp các nền tảng Steam và di động trong một khoảng thời gian ngắn cách đây không lâu. Bằng việc tung xúc xắc ngẫu nhiên, 4 người chơi sẽ dạo quanh bản đồ thế giới và tìm kiếm cho mình thêm nhiều khu đất hiếm để độc chiếm thị trường khỏi tay các đối thủ cạnh trạnh. Nhờ yếu tố bất ngờ, nhanh chóng và cạnh tranh cực cao, Business Tour đã trở thành một tựa game “quốc dân” được game thủ trong và ngoài nước hưởng ứng vô cùng mạnh mẽ.
Thế nhưng tại thị trường Việt Nam, tựa game này đã nhanh chóng trở thành “dead game” chính bởi cơ chế hoạt động của mình. Cụ thể, sau khi đăng ký tài khoản thành công, người chơi sẽ chỉ có một số lần chơi thử nhất định trước khi phải trả phí để tạo phòng chơi cho riêng mình. Do đó, vô hình chung Business Tour đã tự đào mồ chôn chân khi văn hóa pay-to-play vẫn còn gây nhiều tranh cãi tại thị trường trong nước. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng lối thi đấu hấp dẫn mà tựa game tạo ra thật sự vẫn còn rất lôi cuốn ở thời điểm hiện tại.