Từng gây sốt thị trường khi tăng dựng đứng lên hơn 120.000 đồng/cp, một doanh nghiệp xây lắp dầu khí giờ phải tạm dừng hoạt động
Cổ phiếu PVA của Tổng công ty Xây lắp Dầu khí nghệ An (PVNC) từng là một trong những “hàng nóng” của thị trường chứng khoán Việt Nam những năm 2009-2010 khi giá cổ phiếu lên tới gần 120.000 đồng/cp (chưa điều chỉnh).
Do khó khăn về tài chính và việc làm dẫn đến không còn khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp, ngày 20/5/2022, Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (UPCoM: PVA) đã thông qua Nghị quyết tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh 1 năm từ ngày 22/5/2022 đến ngày 22/5/2023.
Được biết, PVA tiền thân là Công ty Xây dựng Số 1 Nghệ An được thành lập năm 1961 và từng là một trong những đơn vị hàng đầu của ngành xây dựng Nghệ An. Năm 2005, PVA cổ phần hoá và đến năm 2007, công ty chính thức trở thành thành viên của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tới tháng 10/2010, công ty đổi tên thành Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An.
Kể từ năm 2011, kết quả kinh doanh của PVA bắt đầu chìm trong thua lỗ, công ty chỉ ghi nhận có lãi trong 3 năm từ 2016-2018. Cả năm 2021, PVA không ghi nhận doanh thu tuy nhiên vẫn mất chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 1,2 tỷ đồng dẫn đến khoản lỗ sau thuế gần 477 triệu đồng. Tính đến ngày 31/12/2021, lỗ lũy kế của PVA lên đến gần 282 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 34 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của PVA đạt 497 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm gần 65% tổng tài sản với 322 tỷ đồng. Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của PVA là 532 tỷ đồng, trong đó 441 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, chiếm 83% tổng nợ.
Quá khứ hoàng kim của cổ phiếu họ xây lắp dầu khí
Giai đoạn 2009 - 2010 là thời kỳ hoàng kim của cổ phiếu xây lắp dầu khí. Khi đó, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam ( mã PVX) - công ty mẹ của PVA lên sàn chứng khoán, nhờ huy động được nguồn vốn từ 2 đợt phát hành tăng vốn điều lệ từ 1.500 lên 4.000 tỷ đồng, PVX đã vung tiền thành lập và tham gia góp vốn vào một loạt doanh nghiệp mới, chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, trong năm 2010, hàng chục cổ phiếu Xây lắp dầu khí đã đổ bộ lên sàn chứng khoán: PVL, PXT, PXS, PXI, PXM… tạo nên một ''dòng họ'' cổ phiếu Xây lắp dầu khí khá đông đảo.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày ngang, sau giai đoạn hoàng kim, thị trường bất động sản gặp khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản dầu khí đều trở tay không kịp. Trong khi nguồn thu từ các dự án đầu tư chưa được bao nhiêu thì họ xây lắp dầu khí đồng loạt báo lỗ.
Bên cạnh PVA, nhiều công ty từng trong hệ sinh thái xây lắp dầu khí cũng đang có khoản lỗ luỹ kế lên đến hàng trăm tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu như công ty mẹ PVX lỗ luỹ kế đến 3.882 tỷ đồng, PFL, PSG, PXC, PXM,... cũng lỗ đến vài trăm tỷ.
Hiện tại, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVA bị đưa vào diện hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào thứ 6, thị giá cổ phiếu hiện tại chỉ còn 2.400 đồng/cp. Trong khi đó, 12 năm trước, cổ phiếu PVA đã từng là một trong những ''hàng nóng'' của thị trường chứng khoán Việt Nam, giá cổ phiếu lên tới gần 120.000 đồng/cp (chưa điều chỉnh) vào tháng 5/2010.
Theo Huyền Trang
Nhịp Sống Kinh tế