Tuần mất tiền của cổ đông các ngân hàng: Vốn hóa bốc hơi hơn 3,1 tỷ USD, một ông lớn dò đáy 1 năm

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 14:01:26

Vốn hóa các ngân hàng giảm khoảng 72.500 tỷ đồng tuần qua, trong đó Vietcombank, BIDV và Techcombank là các ngân hàng mất nhiều tiền nhất.

Trong tuần giao dịch 12/4-15/4, thị trường chứng khoán giao dịch 4 phiên trong đó có 3 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng. VN-Index đóng cửa tại 1458,56 điểm, giảm 1,58% so với cuối tuần trước.

Trong khi đó, HNX-Index giảm tới 3,54% xuống 416,71 điểm.

Theo thống kê, trong 27 cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán, có tới 24 ngân hàng chịu cảnh giảm giá tuần qua. Tổng vốn hóa của 27 ngân hàng giảm xuống còn 1,876 triệu tỷ đồng, giảm 72.500 tỷ đồng so với cuối tuần trước, tương đương mức giảm hơn 3,1 tỷ USD

3 ngân hàng có vốn hóa giảm mạnh nhất tuần qua là Vietcombank (-13,2 nghìn tỷ), BIDV (-13,2 nghìn tỷ) và Techcombank (-11,4 nghìn tỷ).

Trong khi đó, nếu tính theo tỷ lệ giảm, ABBank là ngân hàng giảm mạnh nhất (-8,2%). Đứng sau là các ngân hàng TPBank, HDBank, Techcombank (cùng giảm hơn 7%). Mức giảm của các ngân hàng mạnh hơn khá nhiều so với chỉ số chung.

Với việc giảm giá mạnh, vốn hóa Vietcombank và BIDV cùng đã xuống thấp nhất 3 tháng. Vốn hóa Techcombank thậm chí xuống thấp nhất gần 1 năm qua. Vốn hóa Vietinbank thấp nhất 6 tháng.

"Bộ tứ" ngân hàng BIDV - VPBank - Techcombank - Vietinbank tiếp tục bám đuổi nhau quyết liệt về vốn hóa. Cuối tuần trước, VPBank đã vượt qua Techcombank để trở thành ngân hàng lớn thứ 3 Việt Nam.

Cổ phiếu các ngân hàng giảm giá mạnh trong bối cảnh các số liệu vĩ mô vẫn đang tích cực. Mục tiêu tăng tín dụng 2022 là 14%, và tính từ đầu năm đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04%. Nếu so với mức tăng 2,16% của quý 1/2021 thì con số trên là tín hiệu khả quan.


Tăng trưởng tín dụng cao hơn so với dự kiến và cao hơn so với cùng kỳ năm trước phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế. Vốn tín dụng sẽ đóng góp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) cũng như các hộ kinh doanh.

Theo Nghị quyết số 50/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 vừa được ban hành, Chính phủ đã yêu cầu hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ. Tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook