Từ vụ cháy tại Bình Dương: Cần rà soát kỹ quy trình cấp phép
Theo các chuyên gia, ĐBQH, vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương là thảm họa và cũng làm dấy lên mối lo ngại về công tác phòng cháy chữa cháy.
Đối mặt với khung hình phạt nào?
Vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tại số 166C, khu phố 1A, phường An Phú, Tp.Thuận An, tỉnh Bình Dương gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 33 người chết. Sáng 8/9, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp báo thông tin chi tiết về vụ cháy quán karaoke An Phú.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH ICC Việt Nam nhận định, đây là vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân vụ cháy, từ đó có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Tùng, hiện nay việc PCCC áp dụng đối với cơ sở kinh doanh karaoke được quy định tại Thông tư số 147 ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Tại Thông tư này quy định về điều kiện an toàn về PCCC, tiêu chuẩn thiết kế về PCCC đối với cơ sở kinh doanh.
Về trách nhiệm của các bên trong vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng này, Luật sư Tùng chỉ ra:
Thứ nhất, là trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đã cấp giấy phép kinh doanh cho cơ sở karaoke An Phú hoạt động, cần rà soát lại quy trình thẩm định cấp phép về PCCC xem đã đủ điều kiện về PCCC hay chưa?
Thứ hai, trách nhiệm của cơ quan công an về quản lý an ninh trật tự, PCCC tại địa bàn quản lý.
“Cùng với đó, cần xem xét trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh loại hình có điều kiện này khi để xảy ra vụ hỏa hoạn”, Luật sư Tùng nói.
Trao đổi thêm ý kiến, Luật sư Lê Thị Xuân - Giám đốc Công ty TNHH ALBE cho biết, cơ sở karaoke An Phú đã được cơ quan chức năng thẩm định và cấp giấy phép đủ điều kiện về PCCC.
Tuy nhiên, vị luật sư này cho rằng, cơ sở karaoke An Phú chưa đạt chuẩn về điều kiện PCCC, đặc biệt phương án PCCC tại đây không phát huy khả năng để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
“Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, người quản lý điều hành hoạt động kinh doanh karaoke đã vi phạm quy định về PCCC, dẫn đến hậu quả làm 3 người chết trở lên, người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là án tù từ 7- 12 năm, theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 313, Bộ Luật hình sự. Trách nhiệm bồi thường với những thiệt hại được quy định tại Điều 585, Luật Dân sự” Luật sư Xuân thông tin.
Theo Luật sư xuân, trường hợp vụ cháy là do nguyên nhân khách quan, cơ sở kinh doanh karaoke phải có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại đối với những nạn nhân đã bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe , tài sản trong vụ cháy này.
“Là thảm họa”
Trao đổi với báo chí bên hành lang Hội nghị ĐBQH chuyên trách, ĐBQH Trịnh Xuân An, ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, trong tháng tới Ủy ban Quốc phòng - An ninh sẽ họp cho ý kiến vào báo của Chính phủ, Bộ Công an về công tác PCCC theo Nghị quyết giám sát PCCC năm 2019.
“Đây là nội dung sẽ được rất nhiều người quan tâm với thực trạng cháy nổ trong thời gian vừa qua, nhất là mấy tháng gần đây số lượng tăng, thiệt hại rất lớn về con người, tài sản.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động, phòng cháy chữa cháy ở các quán karaoke đã cơ bản đầy đủ.
Tuy nhiên, có nhiều vụ cháy gây hậu quả rất lớn về người, đa phần là vướng, không kiểm tra kỹ điều kiện về thoát hiểm. Nhiều quán karaoke xây dựng theo dạng nhà lồng, khung, chỉ có một lối ra - vào.
Việc này trái quy định, dẫn đến không thể cứu nổi khi xảy ra cháy. “Các quán karaoke làm bằng những vật liệu rất dễ cháy như xốp, mút... mà để thành khung, ống thì biến tất cả đó thành quan tài khi xảy ra cháy”, đại biểu An nói.
Theo đại biểu An những sai phạm này chỉ được phát hiện khi xảy ra cháy, cho thấy khâu quản lý của cơ quan Nhà nước, ý thức tuân thủ của người dân, đặc biệt các cơ sở kinh doanh đôi khi bất cẩn, thiếu ý thức trách nhiệm.
Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy phải sát sao hơn nữa việc kiểm tra cấp phép, kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn và xử lý nghiêm vi phạm. “Khâu quản lý, rà soát của cơ sở, PCCC phải siết lại.
Biết rằng lực lượng chức năng PCCC rất vất vả nhưng nếu không làm tốt khâu phòng thì chống sẽ để xảy ra hậu quả rất lớn”, vị đại biểu bày tỏ sự lo ngại. Đại biểu cho rằng nếu làm tốt rà soát, kiểm tra thường xuyên, ai sai phạm phải xử lý nghiêm thì sẽ hạn chế tối đa hậu quả.
“Vì vậy phải siết lại, kể cả ý thức của người dân, các cơ sở kinh doanh, đặc biệt vai trò của người quản lý. Ở đây không có đổ lỗi cho ai và chưa có căn cứ đánh giá có sự tiêu cực, nhưng nếu có biểu hiện tiêu cực phải xử lý nghiêm vì liên quan đến tài sản, tính mạng con người”, đại biểu Trịnh Xuân An nói thêm.
Không đủ tiêu chuẩn phải đóng cửa ngay
“Các cơ quan chức năng phải rà soát kiểm tra, đánh giá xem đơn vị nào không đủ tiêu chuẩn phải đóng cửa ngay. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, cũng như trách nhiệm của cơ quan cấp phép, kiểm tra. Cần phải xem xét lại quy trình cấp phép như vậy đã thực sự đảm bảo, hiệu quả chưa.
Bên cạnh đó, cần tính toán, có quy định phòng cháy chữa cháy nghiêm ngặt hơn, cao hơn đối với cơ sở karaoke, ví dụ như yêu cầu phải có các mặt nạ chống ngạt khói tại các phòng hát, có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, đặc biệt hơn.
Cùng với đó, cần phải nâng cao nhận thức, trước hết là chủ hộ kinh doanh, chủ cơ sở quán karaoke, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương; đồng thời tuyên truyền, trang bị thông tin, kỹ năng thoát hiểm, ứng phó trong các tình huống sự cố cháy nổ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ .
Tuấn Anh - Hoàng Bích