Từ vụ cháy lâu đài Quảng Ninh, nhà nhiều gỗ cần lưu ý và trang bị ngay những thứ này
Đối với những ngôi nhà sử dụng nhiều nội thất gỗ, gia chủ cần lưu ý nhiều điều để tránh hỏa hoạn xảy ra.
Mới đây, vụ việc cháy lâu đài trăm tỷ ở Cẩm Phả, Quảng Ninh nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân dẫn tới đám cháy xuất phát từ gian bếp, sau đó cháy lan sang các khu vực khác.
Do nội thất bên trong tầng 1 của ngôi biệt thự làm bằng gỗ nên đám cháy càng bùng phát dữ dội và thiêu rụi nhiều tài sản.
Đã từ lâu, gỗ được coi là vật liệu xây dựng phổ biến và được ưa chuộng trong các công trình nhà ở hay đền, chùa, cung điện, lâu đài. Bởi nó mang lại nét sang trọng, bề thế, qua đó thể hiện người chủ nhà là người có quyền lực, giàu có.
Ngày nay, gỗ vẫn được sử dụng nhiều trong nội thất, ngoại thất với các ứng dụng như ốp gỗ, ván, trần, hay các đồ nội thất như bàn, ghế, giường, tủ…
Tuy nhiên, việc này lại tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ trong công tác phòng cháy chữa cháy bởi gỗ luôn được biết tới là vật dụng “bắt lửa” hàng đầu.
Theo các nghiên cứu, các đám cháy có sự tham gia của nguyên liệu gỗ khiến công tác dập lửa trở nên khó khăn hơn. Ngọn lửa sẽ bắt vào các nguyên liệu, đồ vật bằng gỗ, từ đó lan rộng ra ngôi nhà.
Vì vậy, khi thiết kế và thi công những công trình có sử dụng lượng gỗ lớn, cần lưu ý một số điều cũng như trang bị thêm những giải pháp giúp phòng cháy chữa chạy hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.
Sơn chống cháy
Sơn chống cháy cho gỗ là một trong những phương pháp thông dụng nhất được sử dụng để phòng tránh hỏa hoạn trong các công trình.
Thông thường, sau khi hoàn thành các bước thi công cơ bản, lớp sơn chống cháy sẽ được phủ lên cuối cùng. Có thể sử dụng 2 lớp sơn lót để gia tăng khả năng chịu nhiệt và bảo quản gỗ tốt hơn.
Khi sơn chống cháy gặp nhiệt độ cao, nó sẽ phản ứng. Trong trường hợp khói bốc lên, và nhiệt độ cao hơn 100 độ C, lớp sơn sẽ phồng lên. Độ phồng có thể lên tới gấp 50 lần độ dày của lớp sơn và tạo thành lớp carbon cách nhiệt cho gỗ.
Sơn chống cháy làm chậm thời gian lan truyền lửa và tăng thời gian chịu đựng của gỗ lên đến 90 phút. Với thời gian này, nạn nhân có thể có thêm thời gian để thoát ra ngoài hoặc gọi cứu trợ trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.
Video chứng minh độ hiệu quả của sơn chống cháy cho gỗ. (Video Sơn và chống thấm Kova)
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sơn tuy nhiên bạn nên cân nhắc để lựa chọn loại sơn chất lượng có khả năng chịu nhiệt cao, hàm lượng VOC thấp và thân thiện với môi trường.
Cửa chống cháy
Lắp đặt các cửa chống cháy cũng là phương pháp thường được sử dụng, đặc biệt là trong các công trình có diện tích lớn như công ty, biệt thự hay các chung cư lớn...
Cửa chống cháy có thể được làm bằng nhiều nguyên liệu, như thép, gỗ lõi thép hay kính. Tuy nhiên, đối với những ngôi nhà sử dụng nhiều đồ nội, ngoại thất bằng gỗ, để đảm bảo sự hài hòa cho thiết kế, bạn có thể lựa chọn loại cửa gỗ lõi thép hay còn được gọi là cửa thép vân gỗ.
Phía ngoài là 2 lớp gỗ được xử lý đặc biệt để chịu lửa trong một khoảng thời gian, bên trong là lõi cửa bằng thép đúc nên chịu lửa tốt và bền bỉ kể cả sử dụng trong một thời gian dài.
Ngoài công dụng trong phòng cháy chữa cháy, các loại cửa này còn có thể chống xâm nhập tốt và không bị ảnh hưởng nhiều khi gặp các tác động từ mối mọt hay môi trường bên ngoài.
Các thiết bị phòng cháy chữa cháy khác
Không chỉ trong những ngôi nhà sử dụng nhiều gỗ, mà bất kì hộ gia đình nào cũng nên trang bị những thiết bị phòng cháy chữa cháy cơ bản.
Các bình cứu hỏa luôn được đặt ở những vị trí dễ nhìn thấy để trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, có thể ứng phó kịp thời. Ngoài ra, những vật dễ cháy nổ cũng nên được đặt xa khu vực bếp nấu, bếp gas hay lò sưởi.
Đảm bảo luôn ngắt toàn bộ nguồn điện khi vắng nhà cũng là một phương pháp giúp phòng chống cháy nổ do chập điện được các chuyên gia khuyến khích thực hiện.
Nếu có thể, đặc biệt là những trong công trình có diện tích lớn, hãy lắp đặt thêm hệ thống báo cháy và chuông báo cháy.
Theo Thu Phương
PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC