Từ việc xử phạt đầu bếp Võ Quốc: Mọi phát ngôn đều phải được điều chỉnh theo luật pháp

Chia sẻ Facebook
03/10/2023 06:38:17

Việc đầu bếp Võ Quốc bị Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh xử phạt 7,5 triệu đồng vì có bài viết xúc phạm báo chí trên tài khoản facebook "Vo Quoc" của mình một lần nữa nhắc nhở người dùng mạng xã hội rằng: Mọi phát ngôn đều được điều chỉnh theo luật pháp.

Xử phạt đầu bếp Võ Quốc 7,5 triệu đồng. Ảnh cắt màn hình


Xử phạt đầu bếp Võ Quốc 7,5 triệu đồng

Ngày 2/10, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị chức năng làm việc với ông Võ Đình Quốc (đầu bếp Võ Quốc) - chủ tài khoản facebook 'Vo Quoc' - về nội dung xúc phạm báo chí trên tài khoản này.

Tại buổi làm việc, ông Võ Quốc đã nhận trách nhiệm đối với bài viết trên trang facebook 'Vo Quoc' có nội dung xúc phạm báo chí.

Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Võ Quốc theo Nghị định 15/2020, được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022, với số tiền phạt là 7,5 triệu đồng. Ngoài thừa nhận hành vi vi phạm như trên, ông Võ Quốc cũng cam kết sẽ công khai xin lỗi trên facebook 'Vo Quoc' và hứa không tái phạm.

Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã xác định ông Võ Đình Quốc (đầu bếp Võ Quốc) là chủ tài khoản của trang facebook Võ Quốc. Người này đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Vụ việc bắt đầu vào thời điểm một số cơ quan báo chí đã đăng tải các bài viết phản ánh biên kịch tên B.B.B phát ngôn thiếu chuẩn mực khi tham gia chương trình tại một trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Sau đó, biên kịch này đã đăng tải lời xin lỗi lên trang cá nhân facebook.

Tối 21/9, trang facebook có tích xanh (dấu hiệu nhận biết trang cá nhân chính chủ) tên 'Vo Quoc' đã chia sẻ lời xin lỗi của biên kịch B.B.B kèm theo lời xúc phạm báo chí. Ở phía dưới bài chia sẻ, người này còn dùng những lời lẽ tục tĩu để nói về những người làm báo.

Đến ngày 22/9, trang facebook của đầu bếp Võ Quốc xóa nội dung đã đăng và đính chính rằng bài viết đó không do mình viết. Người này nói facebook của mình bị hack. Lời đính chính trên facebook 'Vo Quoc' tiếp tục nhận những phản ứng dữ dội từ nhiều phía. Sau đó, bài đăng này cũng đã bị xóa.

Việc “cuồng ngôn” trên mạng xã hội đã quá quen thuộc với đa số người dân. Những sự vụ bị xử lý có lớn, có bé cũng liên tục được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cũng có những vụ đã được các TAND các tỉnh thành xét xử. Tuy nhiên, việc “cuồng ngôn” trên mạng xã hội vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lý giải việc liên tiếp xảy ra những vụ việc tương tự như vụ việc của facebook 'Vo Quoc', các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân trực tiếp và đầu tiên có lẽ xuất phát từ nhận thức của người dùng về mạng xã hội. Người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm.

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng trang mạng xã hội cá nhân của mình như Youtube, Facebook, Instagram, Zalo là của riêng mình nên mọi tâm tư tình cảm, thậm chí là bực bội, uất ức để trút bỏ lên đấy để giải tỏa như là tâm sự riêng. Còn một số người lại khai thác giá trị của mạng xã hội để phục vụ cho lợi ích của mình mà họ không chú ý đến tác hại xã hội… Hồn nhiên vi phạm, hồn nhiên thể hiện bất chấp và chỉ cho đến khi bị cơ quan có thẩm quyền xử lý nhiều người mới nhận ra đó là vi phạm pháp luật.

Mọi phát ngôn đều phải được điều chỉnh theo luật pháp

Chúng ta đang sống trong một xã hội pháp quyền. Ở đó, mọi hành động, mọi phát ngôn đều phải được điều chỉnh theo luật pháp. Những bài viết xúc phạm, xỉ nhục hay lăng mạ người khác, vì nguyên do gì, cũng vẫn sẽ bị quy vào tội làm nhục người khác.

Mạng xã hội không phải tòa án, người sử dụng mạng xã hội không phải là thẩm phán để tự cho mình cái quyền phân xử hoặc phán xét bất cứu ai, bất cứ một ngành nghề nào.

Hiến pháp 2013 có quy định 'Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình…'.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nhiều bộ luật với những quy định cũng đã chỉ ra rất rõ những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng mạng xã hội. Theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó có những hành vi như xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác…

Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2.

Mạng không phải là ảo. Mạng là thật, các hành vi của các chủ thể trên đó là thật và họ đều có mục đích hướng tác động đến những người khác trong xã hội. Chính vì vậy, mọi xử sự của các chủ thể trên mạng xã hội tác động ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội giống như họ làm việc đó ngoài đời thực và thậm chí là mạnh mẽ hơn rất nhiều vì nó không bị giới hạn bởi không gian, thời gian.

Đành rằng ngày nay, trong cuộc sống con người, cùng với sức mạnh kết nối của mạng xã hội, nhiều người không thể sống mà thiếu môi trường mạng. Nhưng ứng xử với mạng xã hội thế nào, đó mới là điều quan trọng.

Sau tất cả những việc đã xảy ra, người dùng mạng xã hội nên có cách sử dụng dụng mạng xã hội một cách thông hơn, vì mạng xã hội giờ không còn 'ảo' nữa, mà hậu quả rất thật.

Mạng xã hội có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng cũng có thể hủy hoại con người nếu như sử dụng không đúng cách. Vì vậy, đừng có u mê với mạng xã hội, đừng có nghĩ rằng nó là 'ảo' để rồi hành động thiếu kiểm soát rồi gánh hậu quả.

Chia sẻ Facebook