Từ việc thiếu nhiều loại thuốc: Cần cơ chế dự trữ, điều phối quốc gia
'Có tiền cũng không mua được thuốc!'. Câu nói đầy cám cảnh nhưng là sự thật đang xảy ra ở một số loại thuốc. Không chỉ huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, nhiều loại thuốc cũng trở nên 'vắng bóng' trên thị trường Việt Nam.
Từ hiện tượng đáng báo động này, các chuyên gia cho rằng cần phải có cơ chế dự trữ, cũng như điều phối thuốc quốc gia khi có sự cố cần cấp cứu, giống như điều phối hiến ghép tạng vốn đang phát huy nhiều hiệu quả.
"Có tiền cũng không mua được"
Câu chuyện của bé S.T.N.N. (4 tuổi, ở huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) bị rắn cạp nia cắn qua đời do không có huyết thanh kháng độc mấy ngày qua khiến cộng đồng xót xa. Sau câu chuyện này, có người dân hoài nghi đặt câu hỏi trên trang Facebook cá nhân của bác sĩ Trương Hữu Khanh (phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM): "Bởi gia đình bệnh nhi không có tiền?".
Bác sĩ Khanh ngay sau đó đã có giải đáp rằng "có tiền cũng không mua được", bởi nguồn cung ứng chính từ Thái Lan đã ngừng sản xuất. Và theo ông, đó đang là thực tế tồn tại lâu nay ở một số loại thuốc "mồ côi", vốn thiếu sự chủ động dự trữ, điều phối từ các cơ quan chuyên môn.
"Không chỉ kháng nọc rắn mà còn rất nhiều loại thuốc khác cũng từng trong tình trạng thiếu và không thể mua được như thuốc giải độc tố botulinum, kháng bạch hầu...", ông Khanh chia sẻ.
Ngộ độc botulinum trong thực phẩm là dạng ngộ độc ít gặp ở Việt Nam. Nhưng mỗi khi xảy ra đều để lại hậu quả đáng tiếc cho người bệnh do không có hoặc thiếu thuốc giải độc.
Điển hình như đầu năm 2021, các bệnh viện một phen nháo nhào bởi hàng loạt bệnh nhân ngộ độc patê chay có chứa độc tố Clostridium botulinum sau khi ăn bún riêu chay ở Bình Dương. Có 6 người bị ngộ độc phải nhập Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Trong số này chỉ có 2 bệnh nhân may mắn được dùng 2 lọ thuốc giải độc tố BAT (đây là loại thuốc đặc biệt hiếm do Canada sản xuất, mỗi lọ thuốc có giá 8.000 USD, tương đương gần 200 triệu đồng/lọ) cuối cùng của Việt Nam, được chuyển khẩn cấp từ Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào.
Trong bối cảnh hết thuốc giải độc, sự sống của các bệnh nhân còn lại rơi vào tình thế rất mong manh.
"Bệnh viện đã quyết định thay huyết tương để cứu các bệnh nhân", bác sĩ Trần Văn Sóng, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, nói với Tuổi Trẻ lúc ấy. Cuối cùng trong 4 bệnh nhân còn lại, có 3 người vượt qua cơn độc sau nhiều tháng trời nằm điều trị với đủ thứ di chứng, còn 1 người đã tử vong.
Không chỉ các loại thuốc trên, thực tế việc khan hiếm còn khá phổ biến ở nhiều loại thuốc khác. Vừa qua, nhiều bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy như "chết đứng" khi nhận được thông báo từ bệnh viện về việc đang thiếu nhiều loại thuốc chống thải ghép dù đã mua vượt 20% với một trong số các loại thuốc bị thiếu.
Không còn cách nào khác, bệnh viện buộc phải yêu cầu bệnh nhân ghép thận "tự túc" mua bên ngoài với giá rất cao thay vì được hưởng thuốc theo chế độ bảo hiểm y tế.
Giải thích về nguyên nhân của việc thiếu thuốc, bác sĩ Phạm Thanh Việt - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy - khẳng định việc mua sắm thuốc trong cơ sở y tế công lập phải thực hiện theo các hình thức đấu thầu đúng quy định.
Và chỉ khi sự việc này được các cơ quan quản lý xác định là "tình trạng khẩn cấp", đồng thời Bộ Y tế có chỉ đạo, Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia mới khẩn trương đấu thầu thuốc cấp quốc gia. Lúc đó việc thiếu thuốc mới được giải quyết.
Dự trữ để sử dụng khi cần
TS.BS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) - cho rằng với khả năng của Việt Nam hiện nay có thể huy động trong vòng 3 ngày là có thuốc để điều trị các loại bệnh hiếm gặp nhưng có thể vấn đề chính hiện nay là về giá cả của thuốc.
"Chẳng hạn như một lọ giải độc botulinum có giá khoảng 8.000 USD nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn phải mua tích lũy, nếu quá đát không có bệnh nhân sử dụng buộc phải tiêu hủy", bác sĩ Hùng nói.
Dù vậy, theo ông Hùng, trong danh mục thuốc quý hiếm hằng năm vẫn phải có các loại thuốc này để chữa độc chất cấp thời, bởi nếu không có thuốc bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh.
Với tư cách là đơn vị tuyến cuối, có đơn vị hồi sức chống độc hàng đầu về các loại côn trùng cắn, bác sĩ Hùng nói rằng vẫn thường xuyên nhận được các cuộc gọi "cầu cứu" từ cơ sở y tế tuyến dưới. Thậm chí đã có lúc, thuốc còn được điều phối bằng máy bay ra tận Hà Giang, Tuyên Quang để điều trị cho người bệnh bị rắn cạp nia cắn.
"Các đơn vị thiếu chúng tôi vẫn điều phối thuốc, thuốc tích trữ dù đắt đỏ, quý hiếm nhưng đâu phải sử dụng cho riêng mình", ông nói.
Do đó, theo ông Hùng, ngoài việc tích lũy trực tiếp, có những loại thuốc không nhất thiết phải mua về dự trữ trong kho. Thay vào đó có thể tích lũy bằng việc liên kết cung ứng với các nước có loại thuốc đó để khi cần mở ngay "quota" mua trong thời gian ngắn. Và đây có thể là giải pháp tiết kiệm chi phí, cũng như đáp ứng được nhu cầu cấp bách của người bệnh.
Còn bác sĩ Trần Văn Sóng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết thông thường thuốc dùng cấp cứu hiện vẫn đủ, chỉ trừ các trường hợp rắn cắn đơn vị sẽ chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy.
Liên hệ với các vụ ngộ độc patê chay trước đây, bác sĩ Sóng cho rằng cần có một đơn vị dự trữ đặc biệt và có sự điều tiết khi cần mới có thể đáp ứng cấp cứu giải độc kịp thời. Bởi thuốc hiếm và chưa chắc có tiền đã mua được khi cần.
"Mặc dù ngộ độc như vừa qua rất hiếm nhưng không phải không xảy ra. Do đó, việc thiết lập kho dự trữ chung là cần thiết để khi cần có thể báo động điều phối cho các đơn vị đang có nhu cầu", bác sĩ Sóng nói.
Phân vùng điều phối
Một chuyên gia quản lý về dược cho rằng việc thiếu hoặc khan hiếm thuốc đòi hỏi vai trò trách nhiệm của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) phải biết và có kế hoạch dự trữ cũng như điều phối.
"Việc này không phải quá khó. Bộ Y tế mà cụ thể là Cục Quản lý dược phải lắng nghe để biết loại thuốc đặc biệt nào thiếu mà tham mưu cho cơ quan quản lý có lộ trình nhập về, thậm chí chấp nhận chịu lỗ chứ không thể thả nổi cho các công ty dược thích thì nhập, không thì thôi.
Tôi cho rằng với các loại thuốc đặc biệt này cần phải có một khoản quỹ để mua dự trữ độc lập, không thể áp theo một cơ chế hoặc quy trình cứng nhắc như các loại thuốc thông thường khác", vị này nói.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) - cho biết đối với các loại thuốc hiếm, các đơn vị sẽ có nhu cầu sử dụng khác nhau, thậm chí có đơn vị khi có thuốc không có bệnh, khi có bệnh thì hết thuốc.
"Hiện tất cả các loại thuốc đều đấu thầu hằng năm, trong khi đó đấu thầu phải kèm theo số lượng cụ thể. Đối với các loại thuốc hiếm để cứu sống bệnh nhân rất quan trọng, phải có kịp thời.
Theo tôi, Bộ Y tế có thể kéo dài thời gian đấu thầu để các cơ sở y tế có thời gian chuẩn bị", ông Khanh nói và chia sẻ thêm nếu có một trung tâm điều phối các loại thuốc hiếm quốc gia sẽ rất hay. Bởi khi có ca bệnh, các trung tâm này sẽ có sự điều phối, có ngân hàng đáp ứng nhu cầu. Điều này sẽ giúp bệnh nhân có tiên lượng sống cao hơn, kịp thời điều trị trong thời gian vàng.
Một bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu tại TP.HCM cũng cho rằng với các loại thuốc hiếm, ít sử dụng phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc điều phối của các trung tâm quốc gia, còn về phía các bệnh viện khó chủ động để có được các loại thuốc này. "Các bệnh viện lấy thuốc về nhiều nhưng lại không có bệnh nhân sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng hết đát, do đó phải có đơn vị điều phối.
Trước bối cảnh này, Bộ Y tế cần có thảo luận để đưa ra các giải pháp cụ thể về số lượng và loại thuốc đang thiếu cần dự trữ; cách quản lý và bảo quản; phân vùng và các đầu mối chịu trách nhiệm điều phối...
Cũng giống như hiến ghép tạng, tất cả các thông số này phải được quản lý trên hệ thống để bất cứ cơ sở y tế nào phát sinh bệnh đều có thể liên hệ để được điều phối nhanh nhất", vị này phân tích.
Sắp có thuốc phóng xạ chụp PET/CT?
Liên quan đến việc thiếu thuốc phóng xạ để chụp PET/CT giúp bệnh nhân ung thư có thể chẩn đoán và điều trị sớm, các bệnh viện gồm Ung bướu và 175 cho hay dự kiến vài ngày tới nguồn cung ứng thuốc sẽ được đáp ứng.
TS.BS Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho hay đơn vị đang làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy về các điều khoản trong hợp đồng cung ứng thuốc phóng xạ. "Bệnh viện Chợ Rẫy hứa sẽ cung ứng", ông nói. Trong khi đó, đại tá Trần Quốc Việt - phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - nói:
"Hai ngày nữa bệnh viện sẽ có thuốc chụp PET/CT".
Về việc Công ty cổ phần y học Rạng Đông (TP Thủ Đức) có thể sản xuất cung ứng thuốc phóng xạ F-18FDG liệu có được cấp số đăng ký lưu hành, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) nói: "Đơn vị đang cho thẩm định, nếu đạt sẽ cho cấp phép ngay trong đợt tới".
Bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện sớm
TS.BS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) - khẳng định không phải bắt buộc trong mọi tình huống người bệnh bị rắn cắn phải dùng huyết thanh kháng nọc độc. Dĩ nhiên huyết thanh kháng nọc là tối ưu nhưng không phải thuốc tiên.
Theo ông, khi bị rắn độc cắn nếu được sử dụng huyết thanh kháng nọc sẽ giúp bệnh nhân giải độc nhanh hơn, quá trình điều trị ít thời gian, ít biến chứng và ít tốn kém hơn. Nhưng không có huyết thanh kháng độc không có nghĩa là bệnh nhân sẽ tử vong.
"Vẫn có thể cứu sống người bệnh bằng việc tuân thủ nghiêm theo phác đồ của Bộ Y tế. Và để muốn đạt hiệu quả tối ưu trước đó người bệnh cần phải được đưa đến cơ sở y tế sớm; song song phụ thuộc vào tình cảnh sức khỏe, lượng chất độc trong cơ thể, chỗ cắn... của người bệnh", bác sĩ Hùng phân tích.
Theo ông, hiện nay trung bình một năm đơn vị tiếp nhận khoảng 500 - 800 bệnh nhân bị các loại rắn độc cắn. Nhưng không phải ca nào cũng dùng thuốc kháng nọc, các bác sĩ sẽ điều trị bằng các phương pháp khác kéo dài trong vòng một đến vài tuần có thể khỏe mạnh và xuất viện.
Những lý do dẫn đến thiếu thuốc
Các chuyên gia trong ngành dược cho biết 2 vấn đề dẫn đến tình trạng thiếu nhiều loại thuốc hiện nay tại Việt Nam là do vướng mắc trong việc hết hạn số đăng ký và giá cả thuốc khi đấu thầu.
Ngoài 2 lý do trên, cũng có rất nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc khan hiếm, thiếu thuốc.
Thiếu 6 loại thuốc điều trị HIV
Sau nhiều năm thuốc cho người mắc HIV do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, năm nay là năm thứ ba Bộ Y tế tổ chức đấu thầu mua thuốc. Theo báo cáo ngày 18-5 của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), đến thời điểm này có 2/11 mặt hàng (Tenofovir disoproxil fumarat 300mg nhóm 2 và 4) không có nhà thầu tham dự.
Hiện có 35 số đăng ký thuốc này còn hiệu lực. Tuy nhiên, khi khảo sát 30/35 công ty sở hữu số đăng ký những loại thuốc trên thì cả 30 đơn vị đều cho biết không tham dự thầu đợt này và các đợt tiếp theo.
Đáng nói hơn, trong những mặt hàng thuốc trên lại có 4/11 mặt hàng không chọn được nhà thầu cung ứng thuốc, thậm chí trong đó có 3 mặt hàng chỉ có 1 nhà thầu tham dự nhưng sản phẩm không đáp ứng về kỹ thuật. Trong khi đó, hiện cả nước có tới trên 170.000 người đang điều trị thuốc kháng HIV và luôn phải "sống chung với thuốc" nên không thể ngưng điều trị.
Như trên đã nói, hiện có 11 mặt hàng thuốc phải cung cấp thường xuyên cho người bệnh HIV thì 6 mặt hàng đã rơi vào tình trạng "bó tay". Chính vì vậy, Trung tâm đấu thầu mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã đề nghị tiếp tục huy động tài trợ hoặc Bộ Y tế giao đơn vị khác mua, thậm chí bệnh nhân phải chủ động tìm thuốc điều trị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ , một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng các giải pháp kể trên đều không khả thi. Bởi nếu giao đơn vị khác mua thì không có cơ sở pháp lý. Còn tiếp tục "vác rá đi xin" thì các nhà tài trợ đã báo không thể điều phối tài chính ít nhất đến cuối năm 2022, giai đoạn 2023 - 2025 xem xét sau. Trong khi bệnh nhân diện bảo hiểm y tế, không thể bắt họ tự đi mua thuốc được.
Chuyên gia này cũng cho biết tình trạng thiếu thuốc kéo dài, một số tỉnh thành không đủ thuốc để kết hợp theo phác đồ cung cấp cho người bệnh, hoặc người bệnh đã phải tự mua thuốc để đủ điều trị.
"Điều tréo ngoe là thuốc thiếu trong khi chúng ta đang có tiền. Như năm 2021, các đơn vị đã phải trả lại 8,3 tỉ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia do không mua được thuốc" - vị chuyên gia ta thán.
Đủ thứ gây khó
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, trong 2 năm vừa qua số thuốc được cấp số đăng ký chỉ vỏn vẹn khoảng 100, rất ít so với các năm trước đó. Chính điều này dẫn đến hệ lụy là Bộ Y tế buộc phải cho gia hạn các thuốc "hết visa" từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2022 (tổng số thuốc phải cho gia hạn lên tới trên 12.000 loại).
Trong số trên 12.000 thuốc đã và sắp hết hạn số đăng ký như kể trên, có rất nhiều biệt dược, thuốc điều trị chuyên biệt. Điều này chắc chắn đe dọa sự an nguy của người bệnh bởi sẽ "đứt" nguồn cung thuốc điều trị tại bệnh viện trong tương lai gần.
Chia sẻ về vấn đề trên, một chuyên gia người Nhật khi đến làm việc với Bộ Y tế đã cho biết hiện tại Nhật, nếu thuốc hết hạn số đăng ký mà không thay đổi gì về thành phần, đóng gói, đường dùng... thì có thể gia hạn, không cần thủ tục cấp mới từ đầu. Nhưng Việt Nam thì vẫn... cấp mới từ đầu với các thuốc không có bất kỳ thay đổi nào.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến "ngập lụt" hồ sơ, không giải quyết kịp.
Bên cạnh đó, giá thuốc, giá thiết bị y tế bao nhiêu là đúng? Đầu tiên là khâu lên giá kế hoạch phải có giá "chuẩn" thì đấu thầu mới "chuẩn".
Một chuyên gia hỗ trợ mua sắm vắc xin và thiết bị y tế cho Việt Nam trong thời gian qua cho biết khi diễn ra dịch COVID-19 đã có 1 loại thuốc trong danh mục Việt Nam mua hết thời hạn bảo hộ sở hữu trí tuệ (hết thời gian độc quyền) do đó giá giảm về 20 USD/hộp.
Thế nhưng sau này xem giá kế hoạch chuẩn bị đấu thầu vẫn là 60 USD/hộp. Nếu không cập nhật giá thuốc thường xuyên thì khả năng mua, đấu thầu thuốc bị hớ rất cao.
Từ năm 2017, một số tổ chức quốc tế đã có ý tưởng hỗ trợ Việt Nam mua thuốc và đã cung cấp giá tham chiếu cho Bộ Y tế, kết quả là giá kế hoạch nhiều thuốc đã giảm nhiều so với giá được cung cấp từ các doanh nghiệp.
"Các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam mua vắc xin 5 trong 1 thời điểm 2015 - 2016. Từ đó giá vắc xin này đã giảm từ 1,78 USD/liều xuống còn 0,87 USD/liều, tiền dự kiến mua vắc xin dùng 1 năm cuối cùng đủ vắc xin cho 2 năm.
Hay năm 2020 các tổ chức cũng hỗ trợ mua máy xét nghiệm PCR giá trên 1 tỉ đồng/máy, trong khi giá công bố trên cổng công khai giá của Bộ Y tế là hơn 2 tỉ đồng/máy. Thế nhưng tôi thấy cũng lạ là Bộ Y tế có vẻ không "mặn mà" lắm với việc hỗ trợ mua bán này.
Vì thế cho đến nay việc phối hợp, hỗ trợ mua thuốc cho Việt Nam chưa tiến triển được bao nhiêu", chuyên gia đã hỗ trợ mua sắm vắc xin và thiết bị y tế kể trên băn khoăn.
Ngày 26-5, đại úy Đàm Huy Hoàng, giám đốc Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu - Cục Hậu cần - Quân khu 9 (trại rắn Đồng Tâm), cho biết đơn vị có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, thu dung điều trị rắn độc cắn cho bộ đội và nhân dân cũng như nuôi và bảo tồn các loài rắn quý hiếm.
Theo ông Hoàng, trại rắn Đồng Tâm đã cung cấp nọc rắn và phối hợp với Viện vắc xin Pasteur Nha Trang nghiên cứu sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn để điều trị rắn cắn.
M.TRƯỜNG
LAN ANH
Chiều 23-5, gia đình bé S.T.N.N. (4 tuổi, ở thôn Ma Y, xã Phước Tân, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) và người thân, xóm giềng đã làm lễ an táng cho bé trong xót xa, thương tiếc.