Tư tưởng âm dương của Đạo gia trong Binh Pháp Tôn Tử
Có thể thấy rằng, Binh Pháp Tôn Tử ngàn bàn vạn luận nhưng kỳ thực đều không ra ngoài tư tưởng Đạo gia, là áp dụng tư tưởng Đạo gia vào binh nghiệp.
Binh Pháp Tôn Tử là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất bàn luận toàn diện về quân sự trong lịch sử văn minh nhân loại. Cuốn sách tinh thâm này từng được coi là “Binh gia thánh điển”. Mười ba thiên của Binh Pháp Tôn Tử đưa ra rất nhiều quan điểm độc đáo, không chỉ hữu ích cho người thời ấy mà còn là những gợi ý đáng quý cho hậu thế. Ngày nay người ta vẫn tìm ra cách vận dụng nó trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống, ngay cả trong nghệ thuật kinh doanh. Hơn nữa khi nghiên cứu về Binh Pháp Tôn Tử, rất nhiều người đều thấy được mối liên hệ giữa cuốn sách kinh điển này với các tư tưởng của Đạo gia.
Rất nhiều thuật ngữ quân sự trong Binh Pháp Tôn Tử được kế thừa đến ngày nay, trở thành nét độc đáo trong binh học, ví như: trước sau, chủ khách, thực hư, chính kỳ… Sự xuất hiện và phát triển của những thuật ngữ này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của binh học cổ đại mà còn là sự cộng sinh với các học thuyết của Bách gia chư tử.
Binh Pháp Tôn Tử nhiều lần đề cập đến các cặp đối lập, ví dụ: “Thiên vi dương, địa vi âm” (Trời là dương, đất là âm); “Nhật vi dương, nguyệt vi âm” (Mặt trời là dương, mặt trăng là âm); “Sinh vi dương, tử vi âm” (Sống là dương, chết là âm); “Tiên vi dương, hậu vi âm” (Trước là dương, sau là âm); “Hình vi dương, thế vi âm” (hình dạng là dương, xu thế là âm); “Công vi dương, thủ vi âm” (Tấn công là dương, phòng thủ là âm); “Khách vi dương, chủ vi âm” (Khách là dương, chủ là âm); “Chính vi dương, kỳ vi âm” (Chính binh là dương, kỳ binh là âm); “Thật vi dương, hư vi âm” (Chân thật là dương, hư ảo giả dối là âm).
Cách sử dụng các cặp đối lập âm dương này cũng xuất hiện trong Đạo Đức Kinh, chẳng hạn “Vạn vật đều cõng âm mà ôm dương” hay “Một âm một dương là đạo của trời đất” . Chương 2 của Đạo Đức Kinh lại viết rằng: “Bởi vì thiên hạ đều biết tốt là tốt, nên tự đã có xấu rồi. Bởi vì thiên hạ đều biết thiện là thiện, nên tự đã có ác rồi. Cho nên, có với không là tương sinh, khó với dễ là là tương thành, dài với ngắn là tương hình, cao với thấp là tương khuynh, âm với thanh là tương hòa, trước với sau là tương tùy”.
Ở đây Đạo Đức Kinh không chỉ chỉ ra các chủng tồn tại đối lập lẫn nhau, mà còn chỉ ra rằng mối quan hệ của chúng không phải chỉ là đối lập, mà chính là tương sinh tương khắc, tương phụ tương thành. Giữa hai chủng tồn tại đối lập lại có sự tương hỗ lẫn nhau, dựa vào nhau mà tồn tại, liên hệ với nhau tạo thành một thể thống nhất. Bất luận là một phía nào cũng không thể tồn tại độc lập được.
Trong Thiên Thế của Binh Pháp Tôn Tử lại viết: “Tuần hoàn đến cuối lại về đầu là như mặt trời mặt trăng thay nhau vận hành, đi rồi lại đến, đến rồi lại đi là như bốn mùa tuần tự” . Trong đó cũng viết: “Hình thức chiến trận rốt cục cũng chỉ là vận dụng ‘kỳ binh’ hay ‘chính binh’ nhưng ‘kỳ binh’, ‘chính binh’ thì có thể biến hóa đến vô tận khôn lường. Sự chuyển hóa lẫn nhau giữa ‘kỳ binh’ và ‘chính binh’ như một vòng tuần hoàn, không đầu không cuối, không ai biết tận.” Đây chính là nguyên lý tương sinh tương khắc, tương phụ tương thành trong Đạo gia được khai triển vào binh gia vậy.
Trong Hư Thực Thiên của Binh Pháp Tôn Tử cũng trình bày và phân tích quan điểm: “Binh hình tượng thủy” , đại ý là hình thế của việc dùng binh như là nước vậy, nước chảy chỗ trũng mà tránh chỗ cao, người dùng binh thì nên tránh mạnh mà đánh yếu, tưởng thực mà hư, tưởng hư mà thực.
Đây cũng là tư tưởng của Đạo gia, cho rằng tiến mà như thoái, chân thực mà như trống không, vững chắc mà như mềm yếu, to lớn mà như không có hình thù…
Hơn nữa, Đạo Đức Kinh còn cho rằng “Thượng thiện nhược thủy” , nước là thiện nhất, là tốt nhất, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà lại không tranh không giành, nhưng chính vì như thế mà nước đứng ở vị trí bất bại. “Kiên cường xử hạ, nhu nhược xử thượng” , cứng cỏi thì chết, mềm mại mới sống, cứng cỏi thì kém, mềm mại mới hơn. Thiên hạ không có gì mềm mại bằng nước, nhưng không có gì thay thế được nước, mà cũng không có gì có sức công phá hơn được nước. Kim loại vì cứng mà gãy, nước nhờ mềm mại mà vẹn toàn. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, mà chẳng ai làm được.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Binh pháp Tôn Tử: Người thành thục biết cách “chờ đợi”
Mời xem video :