Tử tù hai lần ngồi ghế điện

Chia sẻ Facebook
03/04/2022 23:41:07

MỹWillie Francis bị tử hình bằng ghế điện, nhưng sĩ quan phụ trách say rượu khi vận hành ghế khiến nó không hoạt động.

Ngày 3/5/1946, Willie Francis, thiếu niên da đen 17 tuổi chuẩn bị cho những giây phút cuối đời. Khi bị trói vào chiếc ghế điện ở nhà tù bang Louisiana, quá sợ hãi, Francis chỉ nắm chặt tay và chờ đợi.

Nhưng khi công tắc của chiếc ghế điện bật lên, nó không hoạt động. Willie sống sót kỳ diệu. Đây là vụ hành quyết thất bại đầu tiên bằng ghế điện trên thế giới.

Francis tả lại cảm giác khi có dòng điện chạy qua cơ thể mình: "Xẹt xẹt! Cảm giác như có hàng trăm nghìn cây kim và đinh ghim đang đâm vào khắp người tôi và chân trái của tôi có cảm giác như ai đó đang cắt nó bằng một lưỡi dao cạo. Tôi có thể cảm thấy cánh tay mình đang nhảy nhót. Trong một khoảng khắc cơ thể bị hành hạ kinh khủng nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, tôi nghĩ mình sẽ xô ngã cái ghế, sau đó kêu la um sùm".

Đi tìm nguyên nhân chiếc ghế bị hỏng, nhà chức trách phát hiện nó đã được thiết lập không chính xác. Những năm 1940 ở Louisiana, chiếc ghế điện có thể di chuyển giữa các nhà tù địa phương để thực hiện các vụ hành quyết. Hai người phụ trách chiếc ghế, đại úy Ephie Foster và một tù nhân làm việc như thợ điện trong hệ thống nhà tù Louisiana, đã uống rượu say vào đêm trước vụ hành quyết của Willie.

Chiếc ghế điện được cảnh sát bang Louisiana vận chuyển từ nhà tù này đến nhà tù khác để thi hành án tử hình. Hiện nó được trưng bày tại Bảo tàng Nhà tù Louisiana. Ảnh: Louisiana State Penitentiary

Vài phút sau khi đại úy Foster bật công tắc điện, Willie vẫn còn thở. Ông ta hét lên với tử tù "Tuần sau gặp lại mà cậu không ngỏm là tôi sẽ lấy đá đập vào đầu cậu đấy".

Nhưng Willie Francis đã không bị xử tử ngay vào tuần sau. Vụ hành quyết bất thành của Willie trở thành đề tài cho các báo. Các phương tiện truyền thông thu hút sự chú ý khi nhấn mạnh vào việc tù nhân da màu như Willie bị đối xử bất bình đẳng trong hệ thống nhà tù Louisiana. Vụ án được đăng lại rộng rãi trên các trang nhất báo địa phương.

16 tháng trước đó, vào tháng 11/1944 ở St. Martinville, Louisiana, một người nào đó đã bắn chết dược sĩ da trắng nổi tiếng trong vùng.

Hai tháng sau vụ giết người mà không có manh mối gì, cảnh sát trưởng đưa ra tối hậu thư cho thuộc cấp, yêu cầu bắt "bất kỳ người đàn ông nào" để giải quyết dứt điểm vụ án này. Vài tuần sau, họ bắt Willie Francis, khi đó 16 tuổi, với cáo buộc là đồng phạm của những kẻ buôn ma túy.

Nhưng khi cảnh sát không thể kết nối anh ta với những tên buôn ma túy, họ bắt đầu thẩm vấn anh ta về vụ án mạng. Cảnh sát sau đó tuyên bố đã tìm thấy ví và thẻ căn cước của dược sĩ bị sát hại trong tư trang của Francis.

Trong vài phút, cảnh sát đã có bản thú nhận có chữ ký của Willie về tội giết người, sau đó là bản thú tội thứ hai vào hôm sau. Bản tự thú được trình bày chỉn chu đến ngạc nhiên, dấy lên nghi ngờ về việc ép cung, nhưng cảnh sát phủ nhận.

Ba tuần sau khi bị bắt, Willie đứng trước một bồi thẩm đoàn gồm toàn những người đàn ông da trắng. Anh ta không nhận tội, nhưng các luật sư da trắng của anh ta đã bào chữa hời hợt, thậm chí không cho gọi nhân chứng về bằng chứng ngoại phạm của thân chủ.

Willie Francis trong tù. Ảnh: Today I found out

Công tố viên cáo buộc vũ khí gây án của WIllie là khẩu súng anh ta ăn cắp từ cảnh sát trưởng. Song thực tế khẩu súng đã mất tích hai tháng trước khi vụ giết người xảy ra. Hơn nữa, khẩu súng không được kiểm tra dấu vân tay, những viên đạn được tìm thấy trong cơ thể của Thomas cũng không khớp với những viên đạn từ khẩu súng. Đáng ngờ nhất là khẩu súng và đạn của nó đã "bị mất" ngay trước phiên tòa, khi đang trên đường gửi đến FBI để phân tích.

Những người hàng xóm của nạn nhân cho biết, đêm án mạng, họ đã bị đánh thức bởi tiếng súng và nhìn thấy đèn pha ôtô của kẻ sát nhân trên đường chạy trốn. Nhưng bị cáo Willie không có xe, thậm chí còn không biết lái xe.

Một số nhân viên điều tra lưu ý rằng nạn nhân rất có thể đã bị giết bởi một sát thủ chuyên nghiệp, một người có kinh nghiệm với súng, do các viên đạn đều đi rất gọn, đúng vị trí hiểm.

Với những mập mờ trong quá trình điều tra và tố tụng, công chúng cho rằng vụ hành quyết thất bại chính là "thông điệp công lý của Chúa trời".

Sau sự việc, luật sư Bertrand DeBlanc, người mặc dù là bạn thân nhất với dược sĩ bị giết, đã đồng ý đấu tranh cho cậu thiếu niên da đen trước tòa phúc thẩm

DeBlanc tuyên bố "Tôi sẽ cố gắng để Wille không phải bị tử hình tới hai lần, nó là hình phạt tàn nhẫn và bất thường, đi ngược lại Hiến pháp. Không thể bị phạt hai lần cho cùng một hành vi phạm tội".

Nhưng DeBlanc đã có một trận chiến thực sự khó khăn. Đầu tiên, ông phải đối mặt với Hội đồng ân xá Louisiana vào ngày 31/5/1946. Bất chấp lập luận cuồng nhiệt của DeBlanc, cậu thiếu niên đã được lên lịch cho một vụ hành quyết khác. Vì vậy, DeBlanc quyết định kháng cáo vụ án của Willie lên Tòa án Tối cao.

Thật không may, trước yêu cầu hủy án tử hình, chỉ có 4 thành viên bồi thẩm đoàn chấp thuận, và có tới 5 người bác bỏ. Willie bị kết án tử hình lần thứ hai, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 18 của mình, 12/1/1947.

Willie Francis bên tờ lịch khoanh tròn ngày 9/5/1947, lịch hành quyết lần thứ hai của mình. Ảnh: Black then

Luật sư DeBlanc không bao giờ từ bỏ Willie. Sau khi biết sĩ quan thi hành án lần đầu đã say rượu khi làm nhiệm vụ, DeBlanc thề với thân chủ, sẽ đưa sĩ quan này tới một phiên xét xử thích đáng.

Nhưng họ bị từ chối mở phiên tòa này. Khi DeBlanc thông báo với Willie rằng sẽ đưa việc này lên Tòa án Tối cao một lần nữa, Willie lắc đầu bình tĩnh, bảo luật sư của mình đừng bận tâm. "Tôi không muốn phải chịu thêm bất kỳ sự thất vọng nào nữa. Tôi đã sẵn sàng để chết", Willie nói.

Ngày 9/5/1947, hơn một năm sau lần hành quyết đầu tiên, Willie Francis bị trói vào ghế điện. Được hỏi liệu có lời cuối cùng nào không, anh ta trả lời: "Không có gì cả". Lúc 12:05, công tắc bật lên và năm phút sau Willie được tuyên bố đã chết.


Cuộc đời của Willie Francis là chủ đề của bộ phim tài liệu năm 2006, có tựa đề Willie Francis Must Die Again, do nhà làm phim Allan Durand viết kịch bản và đạo diễn.

Sau khi luật mới được ban hành vào năm 1991, bang Louisiana đã chọn sử dụng phương pháp thi hành án tử hình duy nhất là tiêm thuốc độc. Trong 50 năm hoạt động, chiếc ghế đã được sử dụng cho tổng cộng 87 vụ hành quyết. Hiện nó được đặt tại Bảo tàng Nhà tù Louisiana.


Hải Thư (Theo ATI )

Chia sẻ Facebook