Từ tiểu thư hào môn đến chủ quán bán bánh lề đường, cuối cùng tạo nên truyền kỳ tỷ phú
Trong nghịch cảnh, cuộc đời huyền thoại của Nhiệm Chỉ Phương mới chính thức bắt đầu.
Vào những năm 1960, trên đường phố Tokyo (Nhật Bản) có một quầy bán đồ chiên rất nổi tiếng.
Đó là một quán ăn sáng của cặp vợ chồng người Trung Quốc. Chồng nhào bột, vợ mặc tạp dề chiên bánh quẩy trong chảo dầu nóng.
Gian hàng này có hơi đặc biệt so với những gian hàng khác.
Người chồng ăn mặc chỉn chu, hành xử ân cần, từ tốn; người vợ dịu dàng với nụ cười trên môi. Cả hai không hề có một chút dáng vẻ của tiểu thương bán thức ăn lề đường, mà giống thành phần trí thức.
Chẳng mấy ai biết được người phụ nữ bán bánh quẩy chiên này chính là Nhiệm Chỉ Phương, tiểu thư đài các liên hôn với Thịnh Dục Bưu. Đám cưới "Nhiệm Thịnh liên hôn" giữa hai phú hộ từng gây chấn động đất Thượng Hải phồn vinh.
Thế nhưng tại sao Nhiệm Chỉ Phương, một thiên kim tiểu thư lại cùng chồng chiên bánh quẩy trên đường phố Tokyo?
Nhiệm Chỉ Phương - thiên kim nhà giàu trở thành vô sản
Tiểu thư đài các liên hôn với hào môn thế gia
Sinh ra trong gia đình danh giá, từ nhỏ đã ăn sung mặc sướng, tận hưởng đủ loại vinh hoa phú quý, Nhiệm Chỉ Phương là đệ nhất mỹ nhân Thượng Hải.
Ông của bà là thống đốc Sơn Đông trong thời kỳ Quang Tự đế và là cộng sự của Lý Hồng Chương (đại thần triều đình nhà Thanh). Cha bà là cử nhân cuối triều đại nhà Thanh.
Lịch sử đáng nể này đã đưa gia đình họ Nhiệm trở thành một trong những gia tộc danh giá bậc nhất thời bấy giờ của Trung Quốc.
Dưới sự giáo dục của cha, Nhiệm Chỉ Phương thông minh và ham học hỏi, tinh thông cầm kỳ thi họa. Thậm chí nét chữ thư pháp của bà từng rất được danh môn quý tộc Thượng Hải yêu thích.
Ngoài tài năng, Nhiệm Chỉ Phương còn sở hữu nhan sắc động lòng người, là tiểu thư đài các được không ít công tử thiếu gia theo đuổi.
Mặc sườn xám, đeo khăn choàng, cử chỉ thanh lịch và tao nhã. Sở hữu vẻ ngoài cùng tài năng xuất chúng, Nhiệm Chỉ Phương cũng tự đặt ra những tiêu chuẩn hoàn hảo vô cùng hà khắc.
Ngoài việc mặc quần áo bằng chất liệu mềm mại và đắt tiền, ga trải giường trong phòng phải được thay mỗi ngày một lần. Bà nhất định phải sử dụng bát đũa riêng khi ăn, khi cắt tóc cũng phải dùng dụng cụ mới hoàn toàn và chỉ dùng đúng một lần.
Sự khác biệt này khiến nhiều công tử con nhà danh gia vọng tộc tranh giành. Song, mặc dù có rất nhiều lời tỏ tình và cầu hôn, Nhiệm Chỉ Phương chẳng hề hứng thú.
Cho đến năm 23 tuổi, Thịnh Dục Bưu đã yêu bà ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Nói đến Thịnh Dục Bưu thì phải kể đến gia tộc họ Thịnh, phú hộ giàu nhất Thượng Hải.
Là một gia đình giàu có nổi tiếng ở Trung Quốc hiện đại, ông nội của Thịnh Dục Bưu, Thịnh Tuyên Hoài là phụ tá của Lý Hồng Chương và là người tiên phong trong phong trào Tây hóa. Sự nhạy bén trong kinh doanh giúp ông đạt được nhiều thành công rực rỡ trong ngành tàu biển, điện báo, đường sắt, thép, ngân hàng, dệt may, giáo dục…
Thịnh Dục Bưu khôi ngô tuấn tú là cháu trai giống Thịnh Tuyên Hoài nhất cả về tính cách lẫn ngoại hình.
Môn đăng hộ đối, trai tài gái sắc, cuộc hôn nhân của Nhiệm Chỉ Phương và Thịnh Dục Bưu được giới thượng lưu mong đợi và ngưỡng mộ.
Vào năm hai người kết hôn, gia tộc họ Thịnh đã đặt nhà hát Paramount sang trọng nhất ở Thượng Hải và yến tiệc được tổ chức 3 ngày 3 đêm.
Cô dâu Nhiệm Chỉ Phương xinh đẹp, mặc váy cưới màu trắng và tay cầm hoa. Cô tiểu thư giàu có làm dâu nhà danh môn này thế mà lại phải bán bánh quẩy chiên ngoài đường.
Tất cả những điều này bắt đầu từ cha của Thịnh Dục Bưu.
Trở thành tầng lớp vô sản bởi... cha chồng
Nếu nói đến "đệ nhất phá gia chi tử" thời Dân quốc thì phải kể đến cha của Thịnh Dục Bưu, Thịnh Ân Di.
Là con trai yêu quý nhất của Thịnh Tuyên Hoài, người giàu nhất cuối triều đại nhà Thanh, ông đã không có trách nhiệm đối với sản nghiệp khổng lồ được thừa kế, suốt ngày chỉ biết ăn chơi đàn đúm, đánh bạc, tiêu tiền như nước.
Chỉ cần hết tiền, ông sẽ mời con trai Thịnh Dục Bưu đi ăn tối rồi nhân cơ hội vay tiền, mỗi lần mở miệng đều là con số không hề nhỏ.
Không lâu sau, gia tộc họ Thịnh đã mất đi vị thế trong giới thượng lưu.
Mặc dù Thịnh gia đã suy yếu, nhưng Thịnh Dục Bưu đã tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình nhờ đầu óc kinh doanh nhạy bén, mặc dù chỉ là con số cực nhỏ so với sản nghiệp gia tộc trước đây.
Song, sau khi Tân Trung Hoa được thành lập, chính phủ khuyến khích gia tộc “có tài sản” cống hiến sức lực cho đất nước. Nhưng một khi cống hiến tài sản, những ngày sắp tới của hai vợ chồng chắc chắn gặp bất trắc.
Vì Thịnh Dục Bưu và Nhiệm Chỉ Phương đều “ngậm thìa bạc” từ nhỏ, dù không xa hoa và lãng phí nhưng họ cũng chưa bao giờ trải nghiệm cảnh nghèo đói.
"Dù sau này có chuyện gì xảy ra, chúng ta cũng sẽ cùng nhau vượt qua".
Thế là vợ chồng Nhiệm Chỉ Phương và Thịnh Dục Bưu trở thành tầng lớp vô sản.
Khởi nghiệp thất bại, bán bánh quẩy kiếm sống, trở thành tỷ phú
Theo chồng xuất ngoại khởi nghiệp
Từ khi trao tặng hết tài sản, Thịnh Dục Bưu đã không còn kinh doanh vì không đủ vốn.
Để nuôi sống gia đình, Thịnh Dục Bưu chỉ có thể để vợ về nhà mẹ rồi xuất ngoại. Nhưng khởi nghiệp thật sự khó khăn muôn phần nơi đất khách quê người.
Thịnh Dục Bưu bắt đầu kinh doanh lần đầu ở Singapore và Indonesia, nhưng đều thất bại. Cuối cùng, ông chỉ đành mở quầy hàng trên phố, miễn cưỡng duy trì cái ăn cái mặc.
Loay hoay một thời gian, Thịnh Dục Bưu lại đến Anh. Thời gian đầu, ông kiếm sống bằng công việc rửa bát trong nhà hàng, mãi về sau mới có công ty tài chính đồng ý đầu tư cho ông. Nhưng Thịnh Dục Bưu không ngờ rằng tất cả sự hỗ trợ của công ty tài chính đều là cú lừa tinh vi khiến ông vốn đã không mấy giàu có lại thành trắng tay.
Thịnh Dục Bưu trong tình trạng tuyệt vọng phải đến Nhật Bản nương tựa vào người em trai Thịnh Dục Độ.
Vào lúc này, Thịnh Dục Bưu tìm thấy một cơ hội kinh doanh mới: Ông có thể học hỏi phương pháp kinh doanh của em trai và mở nhà hàng Trung Quốc.
Nhưng vì đã thất bại quá nhiều, Thịnh Dục Bưu không dám hấp tấp, vì vậy ông trở về Trung Quốc bàn bạc với vợ Nhiệm Chỉ Phương.
Nhiệm Chỉ Phương tỏ ra nghi ngờ về ý tưởng kinh doanh mới của chồng. Bà cảm thấy việc mở nhà hàng ở nơi đất khách quê người thật sự quá khó khăn.
Nhưng thay vì sợ sệt ngồi đó, Nhiệm Chỉ Phương quyết định theo chồng xuất ngoại khởi nghiệp.
Do đó, năm 1960, Nhiệm Chỉ Phương và chồng đến Tokyo cùng các con.
Cả hai đã làm được những bước đầu trong kế hoạch: đầu tiên là mở một nhà hàng nhỏ, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên sau vài tháng buộc phải đóng cửa.
Không còn cách nào khác, hai vợ chồng chỉ đành mở một quầy hàng nhỏ trên đường phố Tokyo, chuyên bán bánh quẩy, sữa đậu nành, bánh bao…
Vì quầy đồ ăn sáng gần trường học nên buôn bán rất tốt.
Mở nhà hàng bằng tay nghề tích lũy, trở thành tỷ phú
Lúc này, Nhiệm Chỉ Phương, từng là tiểu thư đài các, nay phải vứt bỏ “căn bệnh sạch sẽ” để chiên bánh quẩy trên đường phố.
Song, Nhiệm Chỉ Phương vẫn luôn giữ "nếp sống sạch sẽ của tiểu thư đài các". Quầy chiên bánh, ngay cả tạp dề, giẻ lau và các vật dụng khác cũng phải được vệ sinh, để đám bảo "cửa hàng nhỏ" luôn sạch sẽ và không bị dính quá nhiều dầu mỡ.
Chính chi tiết nhỏ này đã làm cho món bánh quẩy chiên của Nhiệm Chỉ Phương càng được yêu thích hơn; khách khứa chủ yếu là học sinh sinh viên và người lao động.
Chính vì vậy, công việc kinh doanh quán ăn của hai vợ chồng ngày một thăng tiến, mỗi ngày đều buôn bán đắt hàng.
Từ từ, hai vợ chồng đã thoát khỏi cảnh sống túng quẫn và có khoản tiết kiệm vừa phải.
Nhiệm Chỉ Phương phát hiện nhiều người ở Tokyo rất thích món ăn truyền thống của Trung Quốc. Thế là bà cùng chồng nung nấu kế hoạch mở nhà hàng khách sạn Trung Hoa ở Nhật Bản.
Lúc này, hai vợ chồng đã ngoài 50 tuổi, nhưng họ không ngại để khởi nghiệp một lần nữa.
Nói là làm, năm 1968, hai vợ chồng mở một nhà hàng nhỏ đặt tên là Nhà hàng Tân Á. Vì không đủ vốn thuê nhân công nên công việc tạp vụ đều do hai vợ chồng một tay đảm đương. Đầu bếp được mời đến là Ngô Quốc Tường, đầu bếp nổi tiếng ở Thượng Hải. Món chân giò hầm tương, thịt kho tàu, tôm đậu phụ... của ông cực kỳ được yêu thích, nhiều người ăn đến nghiện và trở thành khách quen của nhà hàng.
Đồng thời, dựa vào tay nghề nấu nướng nhiều năm, Nhiệm Chỉ Phương cũng đảm đương công việc đầu bếp sáng tạo ra những món ăn hấp dẫn. Bánh nếp nhân đậu đỏ, bánh bao hấp chiên, gà luộc Trung Hoa, mì trộn dầu hành và các món ăn nhẹ trứ danh kiểu Thượng Hải đều là những món đề cử trên thực đơn. Vừa mới khai trương, nhà hàng đã trở nên vô cùng nổi tiếng.
Linh hồn của nhà hàng chính là hương vị. Chiếm được "dạ dày" của thực khách thì đương nhiên kinh doanh cứ thế phát đạt. Chẳng bao lâu, nhà hàng của họ đã được mở rộng quy mô.
Dưới quản lý của Nhiệm Chỉ Phương và Thịnh Dục Bưu, Nhà hàng Tân Á đã phát triển thành nhà hàng khách sạn đẳng cấp quốc tế với 7 tầng và nhiều chi nhánh lấy tên tiếng Anh là New Asia Hotel, cả trong nước và quốc tế.
Chỉ trong vài năm, hai vợ chồng Nhiệm Chỉ Phương đã làm việc chăm chỉ từ con số không đến đỉnh cao của ngành công nghiệp nhà hàng khách sạn, sở hữu tài sản khổng lồ, giàu nứt đố đổ vách.
Sự thăng trầm của số phận cuối cùng có bước chuyển ngoặt.
Khi cuộc sống ngày càng khấm khá, bà Nhiệm Chỉ Phương vẫn giúp đỡ người khác. Chỉ cần người thân, bạn bè nhờ vả, bà đều sẵn sàng giúp đỡ. Bà cũng thuê rất nhiều sinh viên Trung Quốc làm việc tại các nhà hàng, tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp cho cả sinh viên quốc tế.
Với sự phát triển đi lên của nền kinh tế Nhật Bản, tập đoàn nhà hàng khách sạn của bà Nhiệm Chỉ Phương ngày càng lớn mạnh, trở thành công ty cung cấp dịch vụ ăn uống phủ sóng khắp cả xứ mặt trời mọc, sau đó vươn tầm trở về quê nhà của bà là Trung Quốc và đến khu vực Đông Nam Á, thậm chí là ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Nhờ đó, bà Nhiệm Chỉ Phương trở thành tỷ phú nổi tiếng trong những năm 1990.
Ở độ tuổi "gần đất xa trời", một số phóng viên đã phỏng vấn bà Nhiệm Chỉ Phương và rất tò mò về tâm trạng của bà thay đổi như thế nào từ thiên kim tiểu thư Thượng Hải thành một người bán bánh lề đường và sau đó trở thành một tỷ phú.
Nhiệm Chỉ Phương nhẹ nhàng mỉm cười và chỉ trả lời đúng một câu: "May mắn thay, tôi có một trái tim mạnh mẽ".
Có thể nói, qua những "ba chìm bảy nổi" trong cuộc sống, Nhiệm Chỉ Phương không chỉ viết tiếp câu chuyện của gia tộc, mà còn viết nên huyền thoại cho chính mình.
Nguồn: Toutiao