Từ tháng 1 – 2, ít nhất 624 học viên Pháp Luân Công bị bắt cóc và sách nhiễu
Minghui.org báo cáo rằng từ tháng 1 – 2/2023, 624 học viên Pháp Luân Công đã bị cảnh sát Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt cóc, sách nhiễu và bức hại (gồm cả những trường hợp đã xảy ra một vài năm trước đó), trong đó 380 người bị bắt cóc, và 244 người bị sách nhiễu.
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Những vụ việc này xảy ra ở 27 tỉnh, khu tự trị và thành phố tại Trung Quốc. Các tỉnh có nạn bắt cóc và quấy rối nghiêm trọng nhất là Cát Lâm, Sơn Đông, Hắc Long Giang, Tứ Xuyên và Hồ Bắc.
Số tiền ĐCSTQ tống tiền từ các học viên Pháp Luân Công tổng cộng lên đến 167.861 Nhân dân tệ (khoảng 24.305 USD).
109 học viên Pháp Luân Công trên 60 tuổi đã bị bắt cóc và sách nhiễu. Trong đó có 1 người trên 90 tuổi, 25 người từ 80-90 tuổi, 51 người từ 70-80 tuổi và 32 người từ 60-70 tuổi.
Vợ chồng ông Lôi Dương Phàm và bà Đường Mẫn tại Trường Sa lại bị bắt cóc
Tối ngày 12/2, ông Lôi Dương Phàm và bà Đường Mẫn đang làm việc trong một nhà hàng Hồ Nam trên Phố đi bộ Trường Sa thì bị cảnh sát địa phương bắt cóc. Họ bị đưa đến Đồn cảnh sát đường Văn Nghệ vào đêm hôm đó, và bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại giam số 1 Trường Sa và Trại giam số 4 vào ngày hôm sau.
Sáng ngày 14/2, Chi nhánh Phù Dung của Văn phòng Công an thành phố Trường Sa đã ra thông báo tạm giữ đối với họ, và tiến hành tạm giữ hình sự trái pháp luật.
Ông Lôi Dương Phàm năm nay 49 tuổi, sinh ra trong một gia đình tri thức ở thành phố Trường Sa. Cha ông là cán bộ cấp phó phòng. Ông vốn là cán bộ Phòng Nhân sự Chi nhánh Hồ Nam của Ngân hàng Trung Quốc.
Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ, ông đã 2 lần bị đưa đến trại lao động cưỡng bức phi pháp trong 4 năm. Ông nhiều lần bị bắt cóc đến đồn cảnh sát và trung tâm tẩy não, bị cho thôi việc bất hợp pháp và bị tra tấn ép phải nhận tội cho đến chết.
Bà Đường Mẫn tốt nghiệp Học viện Mỏ và Luyện kim Trung Nam (Đại học Công nghiệp Trung Nam). Bà làm việc trong thư viện của Đại học Y học Cổ truyền Hồ Nam trong nhiều năm, được mọi người yêu mến.
Bà đã 4 lần bị giam trong bệnh viện tâm thần, bị tiêm một lượng lớn thuốc tâm thần, bị kết án 1 năm lao động bất hợp pháp và bị cách chức.
“Lao động gương mẫu” Quách Đức Hữu ở Thiên Tân lại bị bức hại
Ngày 13/2, cảnh sát từ Đồn cảnh sát đường Hữu Nghị ở quận Hà Tây, Thiên Tân thông báo ông Quách Đức Hữu, học viên Pháp Luân Công 86 tuổi, được “tại ngoại” , nhưng không được phép rời khỏi Thiên Tân. Cảnh sát cũng đe dọa rằng ông không được phép để những thứ bất hợp pháp trong nhà.
Ông nói: “Thứ gì là bất hợp pháp?” Một cảnh sát nói “Tà giáo” . Ông nói với anh ta rằng Pháp Luân Công không nằm trong số 14 tà giáo do nhà nước Trung Quốc quy định.
Trước khi nghỉ hưu, ông Quách Đức Hữu là một “lao động gương mẫu” ở Thiên Tân. Ông cùng vợ mình là bà Hàn Ngọc Hà và con gái Quách Thành Như đều tu luyện Pháp Luân Công. 20 năm qua, họ đã bị bức hại rất tàn khốc. Ba thành viên trong gia đình ông đều bị cải tạo lao động bất hợp pháp và bị kết án tổng cộng hơn 31 năm.
Lúc 10h sáng ngày 15/10/2022, khi đến nhà một học viên Pháp Luân Công, bà Hàn Ngọc Hà bị cảnh sát xông vào bắt cóc, và đưa đến Đồn cảnh sát Quải Giáp Tự ở quận Hà Tây.
Vào buổi chiều, hơn chục cảnh sát xông vào nhà bà và lục soát.
Bà Lưu Quế Kiệt lâm trọng bệnh sau khi bị bắt cóc, nhưng cảnh sát không thả người
Ngày 6/2, bà Lưu Quế Kiệt, học viên Pháp Luân Công ở thị trấn Đại Lĩnh, thành phố Công Chủ Lĩnh, tỉnh Cát Lâm, đã bị cảnh sát địa phương bắt cóc và đưa đến một trại tạm giam.
Sau đó bà được đưa đến Bệnh viện Trung ương Công Chủ Lĩnh vì huyết áp cao. Người nhà của bà đã vội vã đến bệnh viện vào ngày hôm sau, nhưng cảnh sát không để bà đi.
Năm nay bà Lưu Quế Kiệt 60 tuổi. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, đạo đức được đề cao, bà rất khoan dung và tốt bụng với người khác.
Sau khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020, giá khẩu trang tăng chóng mặt, nguồn cung khan hiếm, nhiều cửa hàng tích trữ khẩu trang và bán với giá cao. Cửa hàng của gia đình bà cũng bán khẩu trang. Bà nghĩ không thể dậu đổ bìm leo, nên bán khẩu trang với giá gốc, thậm chí còn phát miễn phí cho người lạ.
Một lần nọ, con gái của bạn bà đến thăm nhà. Khi cô ấy đi, bà đã gọi taxi cho cô ấy và trả tiền trước cho lái xe, vì nghĩ rằng cô ấy không khá giả về tài chính. Lái xe taxi đã khen ngợi bà là một người tốt.
Hàng chục học viên Pháp Luân Công và gia đình họ ở thành phố Trường Xuân bị bắt cóc
Ngày 19/2, Văn phòng Công an Thành phố Trường Xuân, Đội An ninh Quốc gia của Văn phòng Quận Nhị Đạo, và một số đồn cảnh sát cấp dưới ở tỉnh Cát Lâm đã bắt cóc hơn 10 học viên Pháp Luân Công và các thành viên gia đình của họ, bằng cách theo dõi và nằm vùng.
Được biết, vụ bắt cóc này được tổ chức và lên kế hoạch bởi Ủy ban Pháp luật thành phố Trường Xuân của tỉnh Cát Lâm và Phòng 610 (tổ chức bất hợp pháp chuyên đàn áp Pháp Luân Công).
Các học viên bị bắt cóc gồm:
Bà Lưu Hiểu Hoa, sống ở quận Lục Viên, thành phố Trường Xuân, bị bắt cóc vào ngày 19/2, sau đó cảnh sát đã trốn trong nhà bà.
Vào buổi sáng cùng ngày, ông Vương Khởi Học, quê ở huyện Nông An, hiện đang sống ở thành phố Trường Xuân, đến nhà bà Lưu Hiểu Hoa và bị cảnh sát trốn trong nhà bà bắt cóc.
Vào buổi chiều, con trai của ông Vương Khởi Học (không phải là người tu Pháp Luân Công) đến nhà của bà Lưu Tiểu Hoa để tìm cha mình, nhưng cũng bị cảnh sát bắt cóc, sau đó được thả về nhà.
Bà Trương Xuân Lệ, sống ở đường Cảnh Dương, quận Lục Viên, bị bắt cóc tại nhà vào khoảng 9h sáng ngày hôm đó. Lúc đó, ngay khi chồng bà vừa mở cửa, 6, 7 cảnh sát đã xông vào nhà, cướp đồ đạc cá nhân của bà, và nói rằng họ sẽ giam giữ bà 10 ngày.
Một số người đã bị cảnh sát cướp và tống tiền hàng chục nghìn Nhân dân tệ
Ngày 13/2, bà Bành Trân, học viên Pháp Luân Công mới tại huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông, đã bị Công an quận Lan Sơn bắt cóc tại đây, sau đó bị giam giữ bất hợp pháp. Trong thời gian này, bà đã bị cảnh sát bức hại.
Cảnh sát Công an quận Lan Sơn cũng tịch thu sách, tài liệu Pháp Luân Công, máy tính và các vật dụng cá nhân khác trong nhà bà, và tống tiền gia đình bà ít nhất 20.000 nhân dân tệ (khoảng 2.900 USD). Bà được thả về nhà 4, 5 ngày sau đó.
Vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2023, khi vợ chồng ông Lưu Thúc Lâm và bà Vương Lợi Quyên, học viên Pháp Luân Công ở quận Giản Tây, thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, đang phát tài liệu nói rõ sự thật (giảng chân tướng) về Pháp Luân Công cho người dân, họ đã bị những người không quen biết tố cáo.
Ngày 31/1, họ bị cảnh sát an ninh chính trị từ Văn phòng Công an quận Giản Tây của thành phố Lạc Dương dùng vũ lực bắt cóc. Cảnh sát lấy đi các sách của Pháp Luân Công và 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.450 USD) tiền mặt từ nhà của họ. Sau khi cả hai trở về nhà, họ đã bị giám sát tại nơi ở.
Cuộc đàn áp liên tục của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công đã làm dấy lên mối lo ngại lớn từ xã hội.
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã chỉ ra trong Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2022 công bố vào ngày 25/4/2022 rằng tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc tiếp tục xấu đi, và tái chỉ định đây là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.
Tại cuộc họp báo ngày hôm đó, ông Nury Turkel, Phó chủ tịch USCIRF, cho biết: “Các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc là một trong những nhóm dễ bị bức hại nhất”.
Ủy ban cũng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và tổ chức Trung Quốc liên quan đến đàn áp tôn giáo.
Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe. Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người. Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. |
Bình Minh (t/h)
Vì sao 70 triệu người Trung Quốc tập Pháp Luân Công thập niên 1990? Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Pháp Luân Công đã trở thành một hiện tượng nổi bật ở Trung Hoa Đại Lục.