Từ 'tay chơi' bò sát thành tình nguyện viên bảo tồn

Chia sẻ Facebook
01/07/2022 01:04:29

Từng đầu tư hẳn một căn phòng chuyên nuôi những loài bò sát để thỏa niềm đam mê biến động vật hoang dã thành 'bạn', nay Đặng Thái Tuấn (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) đã trở thành một tình nguyện viên làm công tác bảo tồn.

Thái Tuấn thường xuyên có mặt trong các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường - Ảnh: THU HIỀN

Tuấn đã nhận ra rằng bò sát và động vật hoang dã nói chung phải thuộc về tự nhiên.


"Tay chơi" thức tỉnh

"Từ nhỏ, nhìn thấy chính người thân của mình nuôi nhốt khỉ, tôi những tưởng chỉ có hai cách để nhìn thấy khỉ là nuôi chúng trong lồng và xem trên tivi" - Đặng Thái Tuấn bắt đầu câu chuyện của mình đầy tâm trạng.

Tuấn kể những năm học cấp II, anh bắt đầu tham gia hội những người nuôi bò sát ở Đà Nẵng. Gia nhập hội nhóm được một thời gian, Tuấn cũng thành người sành bò sát, rồi chuyển sang buôn bán bò sát với các thành viên trong hội này.

Từ "tay chơi" thành "tay buôn" chẳng mấy chốc, Tuấn bắt đầu nhập kỳ tôm (rồng đất) về bán với giá chỉ từ 150.000 - 200.000 đồng mỗi con. Bán được kỳ tôm, cậu trò mới lớn lại tập tành buôn cả rùa núi viền và rùa núi vàng thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp và đang dần đến bờ tuyệt chủng.

Lúc bấy giờ cứ mỗi chuyến lên vùng núi Đông Giang (Quảng Nam), Tuấn liên kết với những "đầu nậu" ở đây và thu mua rùa từ người dân mang đến với giá cao. Bán được giá, cứ mỗi chuyến lên núi, Tuấn lại mang về vài chục con rùa quý.

"Ít lâu sau, chính người dân cũng không kiếm được rùa kịp để bán cho mình. Tôi mới nhận ra sự khan hiếm của loài rùa này. Có chút chững lại, có chút suy nghĩ" - Tuấn nhớ lại.

Bẵng đi ít lâu vào thời điểm mùa hè năm 2017, trong một lần dạo chơi bán đảo Sơn Trà, được tận mắt thấy voọc chà vá chân nâu, Tuấn đứng hình thật lâu và bắt đầu đặt ra câu hỏi. Rõ ràng động vật hoang dã có ở ngoài tự nhiên và đang sống rất tốt, vậy tại sao mình lại phải nuôi chúng trong lồng?

Tuấn lao vào tìm kiếm thông tin trên Internet rồi nhận ra động vật hoang dã vốn thuộc về tự nhiên, không phải như chó hay mèo, không phải cứ yêu chúng là bỏ vào lồng, cho thức ăn nước uống và xem như thú cưng thì chúng sẽ vui.

Như được thức tỉnh đi kèm với đôi chút ăn năn, Tuấn lần tìm đến Trung tâm GreenViet - nơi có nhiều chương trình nghiên cứu và bảo vệ bán đảo Sơn Trà, đặc biệt là voọc chà vá chân nâu. Anh quyết định mình phải làm một điều gì đó chí ít là chuộc lại những lỗi lầm lúc trước với thiên nhiên.

Rất nhanh sau đó, Tuấn đăng ký làm tình nguyện viên của GreenViet, được gặp gỡ và được truyền cảm hứng từ cộng đồng những người hoạt động môi trường ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.

Năm 2018, anh quyết định đăng ký trở thành tình nguyện viên của câu lạc bộ ENV Đà Nẵng (trực thuộc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam - ENV, tổ chức phi chính phủ hoạt động chuyên sâu về lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã).


Người đứng đằng sau những cuộc "giải cứu"

Tuấn bảo rằng hành động đánh dấu sự đổi thay của mình là đóng cửa căn phòng anh dành riêng nuôi những loài bò sát mình thích, quyết định thả hết những con vật mà mình đang nuôi về tự nhiên và tặng lại những con vật đã mất đi tập tính sinh tồn.

Vào ENV, Tuấn bắt đầu tham gia vào ban khảo sát để thâm nhập tìm hiểu các địa điểm có nuôi nhốt động vật hoang dã. Nhiều lúc Tuấn gặp lại bạn cũ là các thành viên trong hội chơi bò sát. Những cú chạm mặt khiến Tuấn ái ngại, nhưng anh vẫn quyết tâm thay đổi suy nghĩ của họ.

Tuấn bắt đầu chia sẻ với những người có sức ảnh hưởng trong hội nhóm này để chính họ lan tỏa với các thành viên, hướng người chơi bò sát sang chơi những loài có thể nhân giống được, không nuôi những loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Những ngày đầu quân cho ENV, do có sẵn kiến thức về nuôi động vật hoang dã nên Tuấn dễ "nhập vai" hơn trong những lần khảo sát. Có khi Tuấn đóng vai là "dân chơi" hỏi mua động vật hoang dã, khi lại vào vai du khách hay người tổ chức sự kiện để thăm dò các quán nhậu có buôn bán động vật quý hiếm.

Tuấn cùng cộng sự đi hàng trăm nhà hàng, quán nhậu nghi vấn để tìm hiểu và báo thông tin về tổ chức. Vất vả có, nguy hiểm cũng tiềm ẩn, nhưng với Tuấn, được đi và được góp sức vào việc bảo tồn là điều khiến anh hạnh phúc.

Tuấn cho biết mỗi khi đường dây nóng nhận được thông tin, tổ chức sẽ báo về cho nhóm, nhóm sẽ đi khảo sát, xác thực để thông báo cho cơ quan chức năng xử lý. Ngoài ra, Tuấn cũng đã tham gia trực tiếp giải cứu được nhiều động vật quý hiếm.

Khi phát hiện động vật hoang dã bị nuôi nhốt, Tuấn thường động viên để họ tự nguyện trả về tự nhiên. Với những trường hợp quá cấp bách, Tuấn phải trực tiếp giải cứu. Tuấn nhớ có lần một mình anh chạy xe máy trong đêm mưa từ Đà Nẵng vào tận vùng núi Quảng Ngãi để giải cứu một con cu li quý hiếm.

Không ít lần Tuấn thót tim trước nguy cơ bị "ăn đòn" khi thâm nhập thực tế. Đôi lần giải cứu thất bại cũng cho Tuấn nhiều kinh nghiệm quý giá. Từ khỉ, trăn, rắn, rùa, kỳ đà..., Tuấn không nhớ hết số lần và số con vật mình đã hỗ trợ đưa chúng về với tự nhiên.

Hiện Tuấn là chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo vệ động vật hoang dã - ENV Đà Nẵng. Ngoài công việc âm thầm ở ENV, Tuấn là gương mặt khá quen thuộc ở các sự kiện triển lãm, tuyên truyền không sử dụng và nuôi nhốt động vật hoang dã.


Giải quyết "phần gốc"

Cùng với công việc ở câu lạc bộ, Tuấn còn dành nhiều tâm huyết cho việc giải quyết sinh kế cho đồng bào miền núi. Theo Tuấn, người dân tộc thiểu số rất quý rừng nhưng vì sinh kế khiến họ phải đi tìm kiếm động vật quý hiếm mang bán.

Tuấn bắt tay giải quyết "phần gốc" vấn đề, từ việc góp phần tạo sinh kế cho bà con. Từ những kiến thức học được, Tuấn chia sẻ cho bà con đưa cây ba kích trồng trong hàng chục hecta rừng để cải thiện.

Tuấn cung cấp nguyên liệu và tạo đầu ra cho bà con các bản làng đồng bào Cơ Tu, Ê Đê, Mạ... ở vùng núi Quảng Nam và một số tỉnh Tây Nguyên để bà con có việc làm lâu dài.

"Những điều nhỏ nhặt quả thực là những điều rất nhỏ như tiết kiệm điện, nước, giảm tối đa sử dụng túi nilon, đồ nhựa, giảm lượng tiêu thụ thịt, cá… và cả những "dự án" yêu cầu chút may vá, thêu thùa để tái sử dụng quần áo, drap giường cũ".

Chia sẻ Facebook