Từ sợ bị bỏ lỡ cơ hội khi không chạy theo đám đông, giới đầu tư tiền số giờ lo sợ chứng kiến tài khoản giảm mỗi ngày
Từ FOMO, giới đầu tư tiền số đang sống trong sợ hãi, bước vào "mùa đông" lạnh lẽo chưa từng có.
Tờ Bloomberg nhận định, FOMO - hội chứng tâm lý của những người "sợ bị bỏ lỡ cơ hội" khi đứng ngoài trào lưu của đám đông đã trở thành đặc trưng cho bối cảnh đầu tư trong suốt hai năm qua. Tuy nhiên, hiện tượng này đang dần biến mất và thay thế vào đó là một cảm xúc khác, đơn giản hơn nhiều: Nỗi sợ hãi.
Đối với Nikole Vicente, điều đó có nghĩa là chứng kiến danh mục đầu tư tiền số của cô giảm khoảng 50% kể từ tháng 11, thổi bay 30.000 USD.
Cô gái người Canada 30 tuổi đã đầu tư vào tiền số, nhưng khi công ty chăm sóc sức khỏe nơi cô làm việc bán mình vào tháng 2, cô quyết định tận dụng cơ hội để chuyển hẳn sang lĩnh vực tiền số. Cô ấy chuyển đến Mexico bằng cách sử dụng thu nhập của mình, chủ yếu đến từ việc đầu tư vào DeFi và stablecoin.
Giờ đây, cô tập trung vào việc giúp mọi người tiếp thị các dự án tiền số của họ trên Twitter và đang định vị danh mục đầu tư của mình nhiều hơn về các loại stablecoin và các đồng tiền số lớn như Bitcoin và Ethereum.
"Với tình hình suy thoái và lạm phát như thế này, mọi người đều có nỗi sợ hãi và ai trong thị trường tiền số cũng phản ứng với nỗi sợ hãi đó", cô nói. "Thật là điên rồ khi cứ phải sống trong sợ hãi".
Khi cảm xúc thay đổi, chúng chuyển dịch nhanh.
Hồi tháng 5, cú sụp đổ thổi bay 60 tỷ USD đáng kinh ngạc của stablecoin Terra đã khiến các loại tiền số vốn đã rất biến động chứng kiến giá giảm mạnh. Tình hình kể từ đó càng trở nên tồi tệ hơn. Bitcoin hiện đã giảm 11 ngày liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất từ trước đến nay. Giá Ethereum giảm khoảng 70% kể từ đầu năm. Sàn giao dịch tiền số Coinbase Global Inc. cho biết trong tuần này họ sẽ sa thải 18% lực lượng lao động. Và các công ty cho vay tiền số như Celsius Network và Babel Finance đã tạm dừng việc rút tiền, càng đẩy nhanh đà lao dốc.
Oliver Jones, một kỹ sư phần mềm 29 tuổi đến từ ngoại ô London đã bắt đầu giao dịch tiền số liên tục vào năm 2020. Trong tình huống mà giá cứ giảm trong nhiều tuần, anh ấy nói "cảm giác như đang ném tiền vào lửa vậy".
CHUYỆN BUỒN
Sự suy thoái diễn ra sau gần hai năm sôi nổi, chứng kiến Bitcoin tăng vọt từ dưới 5.000 USD vào tháng 3/2020 lên gần 70.000 USD vào tháng 11/2021. Điều đó đi kèm với sự gia tăng của nhiều loại tài sản rủi ro khác khi những người trẻ tuổi - mắc kẹt ở nhà vì đại dịch, với tiền có được từ các gói cứu trợ và được thúc đẩy bởi những người cùng chí hướng trên các diễn đàn như WallStreetBets của Reddit - đã bắt đầu tham gia giao dịch lần đầu tiên. Tiền số là công cụ yêu thích của các nhà giao dịch bán lẻ và các khái niệm mới như NFT và DeFi đã mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc, ít nhất là tạm thời.
Tất nhiên, sự thay đổi cảm xúc không chỉ trong lĩnh vực tiền số. Lạm phát ở mức nóng nhất trong 4 thập kỷ qua, phố Wall đang chuyển sang thị trường gấu, lo ngại suy thoái đang gia tăng và các cổ phiếu meme vốn từng tạo nên cơn địa chấn giờ bị chìm trở lại thời kỳ ảm đạm như nhiều năm trước.
Theo dữ liệu của Similarweb, lượng người dùng hoạt động hàng tháng trên Robinhood, nền tảng đầu tư cho nhiều trader mới tham gia thị trường, đã giảm gần 60% trong tháng 5 so với một năm trước đó. Câu chuyện tương tự diễn ra với hầu hết các môi giới trực tuyến khác.
Julian Barrios, 26 tuổi, đã từ việc kiếm được nhiều nhất 800 USD một tuần cho các tùy chọn giao dịch xuống còn dưới 100 USD. Cuối cùng, anh ta đã ngừng giao dịch các quyền chọn hoàn toàn do giá cả dao động mạnh.
Người thợ máy đến từ Fort Lauderdale, Florida cho biết: "Thật sự không vui khi chứng kiến tất cả sự biến động. Ngay bây giờ, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy thất vọng hoặc căng thẳng. Hai tháng vừa qua thực sự khó khăn đối với tôi".
THẤT VỌNG VÀ CĂNG THẲNG
Một số người đang gọi đây là sự khởi đầu của một "mùa đông tiền số" khác. Cụm từ này thường được sử dụng để mô tả giai đoạn đình trệ từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2020, khi giá cả giảm và sự đổi mới ảm đạm, trước khi cơn sốt bán lẻ khiến mọi thứ tăng vọt trở lại.
Giám đốc điều hành Coinbase, Brian Armstrong, đã đề cập đến ý tưởng này trong ghi chú mà ông gửi cho nhân viên của mình vào ngày sa thải nhân viên và sau đó được đăng trên blog của công ty.
Ông viết: "Chúng ta có vẻ như đang bước vào một cuộc suy thoái sau cuộc bùng nổ kinh tế hơn 10 năm. Một cuộc suy thoái có thể dẫn đến một mùa đông tiền số khác và có thể kéo dài trong một thời gian dài".
Gareth MacLeod là một trong những người thoát ra khỏi tiền số trong mùa đông năm ngoái. Kỹ sư phần mềm 35 tuổi đến từ Toronto đã đồng sáng lập công ty Tinker vào năm 2014 với sự trợ giúp của công cụ tăng tốc khởi nghiệp Y Combinator ở California. Anh chứng kiến đà tăng cho đến khi bắt đầu giảm, sau đó anh nhìn xung quanh và nhận ra rằng mình không còn tin vào sứ mệnh nữa.
MacLeod cho biết, thật dễ dàng để dẹp yên mọi nghi ngờ khi giá tiếp tục tăng và các nhà đầu tư đang đổ xô vào công ty khởi nghiệp của bạn.
"Tôi chỉ có thể đánh giá lại mối quan hệ của mình với tiền số và với cả ngành vì mọi thứ đã đi xuống. Tôi rất vui vì điều đó đã xảy ra với mình".
Tại thời điểm này, một số nhà đầu tư cho biết họ đang tạm dừng giao dịch trực tuyến, nếu không muốn nói là từ bỏ hoàn toàn. Mike Janavey, 32 tuổi đến từ Westchester, New York, người đã giao dịch những cổ phiếu meme nổi tiếng như AMC Entertainment Holdings Inc. và GameStop Corp. vào năm ngoái, cho biết anh đang tập trung nhiều hơn vào các dự án trong thế giới thực. Chúng bao gồm một doanh nghiệp sản xuất giày dép và thiết kế quần áo.
"Tôi muốn nghỉ ngơi một chút, kiếm chút lợi nhuận và không để việc đầu tư tiền số chiếm hết sự tập trung vào cuộc sống thực tế của tôi", anh nói.
Những người khác đang chuyển sang các nền tảng đầu tư truyền thống hơn. Andy Slye, 32 tuổi đến từ Louisville, Kentucky, làm việc trong lĩnh vực CNTT và điều hành một kênh YouTube nổi tiếng, đã chuyển danh mục đầu tư của mình sang Fidelity từ Robinhood. Lần đầu tiên anh bắt đầu sử dụng Robinhood sau khi nghe về nó trên Reddit, nhưng hiện anh cảm thấy mình cần một thứ gì đó trưởng thành hơn một chút.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
Nguồn: Bloomberg
Phương Linh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế